Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Yếu tố gây nguy cơ bệnh tim mạch: Chớ nên coi thường

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Cảm giác đau thắt ngực và khó thở là dấu hiệu cảnh báo bệnh tim mạch.Ảnh: T.L

Mùa hè nắng nóng, nhiều bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu do bị đột quỵ, đứt mạch máu não mà nguyên nhân chủ yếu là do yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. PGS.TS Phạm Mạnh Hùng – Tổng thư ký Hội Tim mạch Việt Nam cho biết: “Bệnh tim mạch đã và đang là vấn đề sức khỏe được quan tâm hàng đầu trên thế giới với tỷ lệ tử vong, tàn phế đứng hàng đầu”.
Các dấu hiệu cảnh báo
Mặc dù đã nghỉ hưu, không phải làm những công việc nặng nhọc nhưng mỗi lần đi chợ hay đi đâu về, chị Trần Thị Liên, ngụ đường Chu Văn An, P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM thường có triệu chứng vã mồ hôi, buồn nôn và nhức đầu.
Gần đây, sau khi dọn dẹp nhà cửa hay nấu ăn, chị Liên có cảm giác đau thắt ngực và khó thở. Biết vợ có tiền sử bệnh tim nên anh Lê Viết Hân kịp thời đưa chị đi bệnh viện điều trị. Theo BS. Châu Ngọc Hoa – Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện Nhân dân Gia Định thì các cơn đau thắt ngực như vậy là dấu hiệu của bệnh lý nhồi máu cơ tim. Khi bệnh nhân đau thắt ngực thường có cảm giác giống như bị đè nặng, bóp nghẹt, đầy tức hoặc đau kéo dài vài phút đến vài chục phút. Nếu ở mức độ nhẹ, thì cơn đau không điển hình hoặc không đau, có thể gặp như mệt lả, khó thở, nôn ói, đau lâm râm sau lưng rồi lan nhẹ lên hàm mặt… Theo GS.TS Phạm Gia Khải – Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam thì tai biến mạch máu não cũng là một trong những dấu hiệu cảnh báo biến cố tim mạch. Triệu chứng rõ nhất là đột ngột choáng, nói không được hoặc không hiểu được lời người khác nói. Đối với người bệnh thì họ thấy đau đầu bất chợt không rõ nguyên nhân. Còn với người thân thì nhìn thấy bệnh nhân méo miệng, không đi đứng được do tê một bên mặt và có khi nửa người.
Theo khuyến cáo của BS. Châu Ngọc Hoa, mỗi người đều có thể “vướng” vào bệnh tim mạch. Nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch bắt đầu từ sự cố xơ vữa động mạch vành mà chủ yếu là do tăng lượng cholesterol trong máu và rối loạn lipid liên quan. Theo lời khuyên của BS. Hoa, việc đánh giá, xét nghiệm nồng độ các thành phần lipid máu rất quan trọng và đừng nên bỏ qua khi đã bước sang tuổi 40. Nên quan tâm nhiều hơn vòng bụng khi đã lớn tuổi vì đó vừa là thông số quan trọng về sức khỏe vừa liên quan chặt chẽ đến các yếu tố nguy cơ tim mạch khác như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu và đái tháo đường.
Điều chỉnh các nguy cơ
Nói về nguy cơ của bệnh tim mạch thì có loại nguy cơ có thể thay đổi được nhưng cũng có loại nguy cơ đành phải chấp nhận vì không thể thay đổi được. Tuổi tác là nguy cơ đầu tiên mà con người không thể thay đổi được vì không ai có phép “cải lão hoàn đồng”. Nguy cơ xảy ra các biến cố tim mạch là một đồ thị đi lên theo tuổi đời của con người. 50% số người bị đột quỵ tim mạch và 4/5 số người bị chết do đột quỵ đều rơi vào độ tuổi “thất thập cổ lai hy”. Chúng ta không thể giảm bớt tuổi đời được nhưng có thể làm trì hoãn quá trình thoái hóa do thời gian gây ra như ăn uống điều độ và sinh hoạt hợp lý. Con người cũng không cưỡng lại được bệnh tim mạch hoặc đột quỵ bởi do yếu tố di truyền trong gia đình hay dòng họ dù tuổi đời còn rất trẻ.
Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ tim mạch thường gặp nhất nhưng lại là yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được. Huyết áp tăng thường không có triệu chứng gì nên được coi là tên sát thủ thầm lặng. Điều trị huyết áp đừng quá dựa vào việc dùng thuốc tây mà theo lời khuyên của thầy thuốc bệnh nhân nên điều chỉnh lại lối sống như giảm cân nặng, hạn chế muối, luyện tập thể thao… Ngoài việc thực hiện khẩu hiệu: “Nếu bạn hút thuốc, hãy ngừng ngay”, “Nếu bạn uống rượu, hãy vừa phải!”, bên cạnh đó, chúng ta nên học cách giảm stress, nói không với căng thẳng.
Hương Thủy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)