Trong dạy học, nếu giáo viên chỉ dạy theo khuôn mẫu từ đầu đến cuối bài thì chắc chắn giờ học đó không hấp dẫn, không khí lớp học sẽ buồn tẻ. Kết quả là học sinh không hào hứng học.
Tính hài hước, dí dỏm ít người có được vì nó đòi hỏi sự nhanh trí, ứng xử thông minh cao. Cụ thể, có một thầy giáo dạy toán nhưng rất thích Truyện Kiều. Khi kêu một học sinh lên bảng giải bài, em này giải hơi lòng vòng nên khó tìm ra đáp số. Thầy không nói rằng: “Em hãy chọn cách giải ngắn gọn hơn” mà lẩy một câu Kiều ý nhị: “Ma đưa lối, quỷ đưa đường/ Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi” làm cả lớp một phen cười lên vui vẻ. Những câu nói hài hước, dí dỏm ý nhị, sâu sắc đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí người học. Sự hài hước, dí dỏm đúng lúc, đúng nơi, đúng đối tượng sẽ mang lại hiệu quả giáo dục. Ngược lại, nó sẽ phản giáo dục nếu chúng ta lạm dụng; nói năng không đúng lúc, đúng nơi, không đúng đối tượng… Khi bài học hơi lý thuyết, khô khan thì một câu chuyện vui, một câu ca dao, câu Kiều bật ra đúng thời điểm sẽ tạo nên những cảm xúc, những tiếng cười. Tất nhiên những giây phút này không làm ảnh hưởng quỹ thời gian của tiết dạy mà chỉ là sự “điểm xuyết” một chút vui tươi cho giờ dạy. Từ đó, kiến thức sẽ được khắc sâu, ghi nhớ bởi đã có sự thoải mái trong tâm hồn.
Vì vậy, bên cạnh kiến thức chuyên môn sâu rộng, người thầy rất cần sự hài hước, dí dỏm để giờ dạy học trở nên sinh động. Không gì buồn hơn mà suốt cả bài dạy, giáo viên không cười được một tiếng, không nói được một câu gì thật vui cho học sinh cười. Có thể học được đức tính này nếu chúng ta say mê với nghề; say mê tìm tòi, học hỏi đồng nghiệp và tự học qua các kênh thông tin.
“Trăm năm trong cõi người ta/ Muốn sống thì phải thở ra hít vào! Hít thở vì vậy mà quan trọng thế? Mời các em hôm nay cùng tìm hiểu bài “Ô xy””. Đó là một lời mở đầu cho bài học của một giáo viên môn hóa học.
Lê Đức Đồng
Bình luận (0)