Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Yếu tố quyết định chất lượng giáo dục là người thầy

Tạp Chí Giáo Dục

Một tiết dạy của GV Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.HCM). Ảnh: A.Khôi
Các trường sư phạm chạy theo sau các trường phổ thông là thực trạng hiện nay của Việt Nam. Làm thế nào để GV, các trường sư phạm là một phần của đổi mới GD-ĐT? Theo tôi, muốn đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT, SGK) sau 2015 thành công thì Bộ GD-ĐT cần phải tập trung vào đổi mới tại các trường sư phạm.
Đội ngũ thực hiện đề án đổi mới yếu
Tôi rất đồng tình với Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục (GD) Việt Nam vừa được Hội nghị Trung ương 8 thông qua. Đây là đề án có nhiều tư tưởng mới, mở ra triển vọng đổi mới nền GD nước nhà. Nhưng, cũng phải nói thật: Triển vọng là một chuyện, còn triển vọng ấy có thành hiện thực không lại là chuyện khác. Bởi vì đề án hay nghị quyết thường hướng đến những mục tiêu lý tưởng mà ít tính tới điều kiện thực hiện. Trong bối cảnh hiện nay, nếu chúng ta không đổi mới mạnh mẽ về kinh tế – xã hội và chính sách nhân lực thì khả năng thực hiện đề án này rất xa vời. Với một nền kinh tế như kinh tế nước ta thì GD không có động lực phát triển. Và với tình trạng văn hóa, đạo đức xã hội xuống cấp như thế này thì nhà trường khó có thể GD học trò thành những người tử tế, đàng hoàng.
Lý do thứ hai khiến tôi băn khoăn là chất lượng đội ngũ thực hiện đề án yếu. Vừa qua, có dịp đọc góp ý cho một số công trình khoa học của anh chị em trong ngành, một số đề cương luận án thạc sĩ và tiến sĩ GD, tôi rất ngạc nhiên thấy những công trình và luận án ấy ít thông tin quá, lập luận yếu quá và viết nhiều câu tối nghĩa, câu sai ngữ pháp quá. Tất nhiên, từ một vài trường hợp chưa nên vội khái quát điều gì. Nhưng trong số tác giả tôi đọc, có người đang được giao trọng trách liên quan đến CT, SGK mới, những người còn lại đều là GV THPT. Với những cán bộ như vậy, khó có thể tin là công việc dễ đạt được chất lượng cao.
Hiện nay, cả dư luận xã hội lẫn các nhà quản lý GD đều hướng trọng tâm vào CT, SGK phổ thông, dường như coi đó là yếu tố quyết định của sự nghiệp đổi mới GD. Theo tôi, CT, SGK tuy quan trọng nhưng không phải yếu tố quyết định. Yếu tố quyết định chất lượng GD là ông thầy. Qua theo dõi, tôi thấy CT từ sau 2002 đã yêu cầu thực hiện phương pháp dạy học mới, phát huy tính tích cực của HS, khắc phục đọc chép, nhưng những tư tưởng đó không vào được nhà trường. Có nguyên nhân từ hạn chế về cơ sở vật chất (một lớp chen chúc tới 50-60 học sinh, thầy cô không thể đổi mới phương pháp dạy học được), nhưng nguyên nhân quan trọng hơn là GV không chịu đổi mới. Ví dụ, môn ngữ văn cấm dạy văn mẫu nhưng các thầy cô vẫn dạy vì dạy như thế nhàn hơn và vì thầy cô vẫn chưa thấm được tác hại của văn mẫu.
Bởi vậy, cùng với việc biên soạn CT, SGK mới, cần thực hiện ngay việc đổi mới nội dung, phương thức đào tạo ở trường sư phạm và đổi mới công tác bồi dưỡng GV. Tôi cho rằng trường sư phạm phải gắn với trường phổ thông giống như quan hệ giữa trường y với bệnh viện. Sinh viên chỉ nên học 60 -70% thời gian ở trường, còn lại phải gắn với trường phổ thông thì mới trở thành GV giỏi được. Công tác bồi dưỡng GV đương chức cũng cần thực hiện thường xuyên và chu đáo hơn.
Sự bảo thủ của GV
Không phải chỉ nghề giáo mà nghề nào cũng có những người bảo thủ. Càng lớn tuổi, càng có kinh nghiệm nghề nghiệp, càng bằng cấp cao thì người ta càng dễ bảo thủ. Để khắc phục sự bảo thủ, trước hết, ngành GD phải có những quy định cụ thể, tăng cường thanh tra chuyên môn, thưởng phạt rõ ràng. Cũng cần đổi mới công tác bồi dưỡng GV. Trong hội thảo quốc tế về SGK vừa qua ở Hà Nội, GS.TS Mike Horsney, Chủ tịch Hiệp hội Quốc tế về SGK, có cảnh báo cách tập huấn CT, SGK mới như chúng ta vẫn tiến hành lâu nay – đưa GV cốt cán đi bồi dưỡng cho GV khác – rất dễ làm “lây lan” bệnh bảo thủ. Ý kiến này rất đáng lưu ý. Nhưng trong hoàn cảnh nước ta, vẫn cần phát huy sự đóng góp của lực lượng GV cốt cán này. Theo tôi, tốt nhất là để anh chị em GV cốt cán dạy mẫu trong các lớp tập huấn dưới sự tư vấn, hướng dẫn của các nhà khoa học làm CT, SGK mới. Đồng thời, phải tạo điều kiện để xã hội kiểm soát công tác GD, tức là đánh giá nhà trường, sản phẩm của nhà trường, đánh giá GV. Hiện nay chúng ta mới chỉ thực hiện được một khía cạnh của xã hội hóa GD là huy động sự đóng góp của người học và nhân dân, còn hai khía cạnh khác là xã hội tham gia quản lý GD, xã hội hưởng thụ thành quả của GD, chúng ta chưa làm được.
Chỉ loay hoay ở GD phổ thông
Đáng buồn là ý kiến ấy hoàn toàn đúng. Trong tất cả cuộc cải cách và đổi mới GD từ trước đến nay, không phải riêng lần này, trường sư phạm luôn luôn đi sau phổ thông.
Nhân đây, tôi cũng xin lưu ý một điều là trong cả 4 lần cải cách GD và đổi mới CT, SGK từ ngày thành lập nước đến nay, chúng ta vẫn chỉ loay hoay ở GD phổ thông, chưa có những cải cách quan trọng ở các lĩnh vực GDĐH và dạy nghề – những lĩnh vực quyết định năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đây là điều cần sớm được khắc phục.
Bây giờ đã là cuối năm 2013 rồi. Nhanh nhất cũng phải cuối 2014 mới hoàn thành biên soạn CT và chắc phải 2015 mới thẩm định xong. Mà đó cũng mới là CT thử nghiệm. CT xong, soạn và thẩm định SGK thử nghiệm nhanh cũng mất 1 năm. Thử nghiệm hết một vòng 3 hoặc 4 năm mới quay trở lại hoàn thiện và ban hành CT chính thức. Sớm cũng phải 2020 mới có SGK mới triển khai đại trà. Như vậy, vẫn có đủ thì giờ để đổi mới công tác đào tạo ở các trường sư phạm. Nhưng bắt đầu càng chậm thì sẽ càng lúng túng. Theo tôi, ngay bây giờ Bộ GD-ĐT nên làm việc với các trường sư phạm để xây dựng CT, phương thức đào tạo mới. Việc thực hiện CT và phương thức đào tạo mới này nên bắt đầu trước khi CT, SGK phổ thông mới được triển khai đại trà ít nhất 4 năm. Khi CT-SGK phổ thông mới được triển khai đại trà, những sinh viên học theo CT đào tạo cũ đã ra trường có thể được triệu tập về trường bồi dưỡng một số chuyên đề để thích ứng với CT, SGK mới.
GS. Nguyễn Minh Thuyết
Đội ngũ GV của chúng ta có nhiều thầy cô tâm huyết, có tiềm năng. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải đổi mới chính sách nhân lực để những người GV tâm huyết làm được nhiều việc và họ ngày càng phát triển hơn. Còn những người không làm được việc tất nhiên phải sàng lọc. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)