Cuối tuần qua, tại Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP.HCM) đã diễn ra chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần 10 năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức. Chương trình có sự đồng hành của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) và Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF).
Ông Phạm Doãn Nguyên (Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) trao đổi thông tin về ngành nghề với các em học sinh |
Lao động có tay nghề sẽ có vị trí tốt
Thông tin sơ lược đến các em học sinh về thị trường lao động trong những năm tới, ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM) cho biết năm 2018, TP cần 300.000 lao động ở các vị trí, trong đó tỷ trọng lao động khối ngành kỹ thuật công nghệ chiếm khá cao. “Việt Nam là quốc gia tăng trưởng khá cao về nhu cầu việc làm, riêng TP.HCM năm 2018 tăng 5% so với năm 2017. Với một thị trường lao động đang hội nhập và phát triển, trong thời gian tới lao động được tự do dịch chuyển trong khu vực ASEAN thì lao động có giá trị hành nghề sẽ chiếm được vị trí tốt. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, robot sẽ thay thế lao động chân tay, tuy nhiên khi có sự xuất hiện của robot sẽ tạo ra một số vị trí việc làm đòi hỏi cần trình độ, trí tuệ của con người. Bên cạnh đó, lao động phải đáp ứng những kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng công nghệ và thêm nữa là tính kỷ luật”, ông Tuấn phân tích.
Ông Tuấn thông tin thêm, cả nước hiện có khoảng 500 trường ĐH-CĐ, riêng TP.HCM có 58 trường ĐH và 38 trường CĐ có quy mô lớn, thực hiện nhiều chương trình liên kết và đào tạo 500.000 nhân lực/năm. Đặc biệt là có nhiều trường CĐ-TC tham gia đào tạo nghề trọng điểm khu vực và quốc tế. “Chúng ta không thể coi thường trình độ sơ cấp và trung cấp, bởi bên cạnh nguồn nhân lực trình độ CĐ-ĐH thì lao động hai bậc này hiện đang thiếu, phần vì chất lượng đào tạo vênh với yêu cầu doanh nghiệp”, ông Tuấn nói.
Ngành tâm lý phát triển mạnh trong 5 năm tới
Tại chương trình, nhiều học sinh quan tâm đến ngành tâm lý học và có nhu cầu tìm hiểu thêm về các chuyên ngành nhỏ. Với vấn đề này, ông Vũ Thiện Toàn (chuyên gia tâm lý) thông tin: Tại Việt Nam, hiện mọi người chưa xem trọng ngành tâm lý học. Dự báo trong vòng 5 năm tới, ngành này sẽ phát triển mạnh. Các chuyên ngành hẹp của tâm lý học cũng hạn chế nhưng bản thân người học có đam mê thì nên xác định mình có tố chất gì để hướng tới một công việc phù hợp trong tương lai. Ví dụ, các em muốn tham gia tư vấn tâm lý học đường thì nên chọn học tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Thích làm tư vấn nhân sự thì chọn học tại Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, hoặc Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Văn Hiến…
Học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo đặt câu hỏi với ban tư vấn |
Ngọc Châu (học lớp 12A8) hỏi: “Chương trình du học 12+2 là gì, có gì khác so với các chương trình liên kết hiện nay?”. Trả lời câu hỏi này, ông Trần Minh Dương (Đại diện ĐH Brown, Mỹ) cho biết chương trình 12+2 là chương trình học 2 năm tại Việt Nam và 2 năm ở nước ngoài. Theo đó, việc học tại Việt Nam là để củng cố vốn ngoại ngữ và quan trọng hơn hết, đây là thời gian để gia đình chuẩn bị kế hoạch tài chính. Ông Dương khuyên: “Khi các em đã xác định đi du học thì ngay từ bây giờ hãy trang bị cho mình vốn ngoại ngữ tốt, tâm lý tự tin, nền văn hóa quốc gia mình đến…, tránh tình trạng nửa đường đứt… gánh”.
Trở thành giáo viên mầm non khó không?
Một học sinh nam chia sẻ rằng: “Em có ước mơ sau này trở thành giáo viên mầm non, vì vậy em muốn các chuyên gia tư vấn thêm về môi trường học tập cũng như những điều kiện cần để đến với nghề”. Trước chia sẻ này, ông Trần Anh Tuấn khẳng định, hiện TP.HCM có rất ít nam giáo viên mầm non. Bởi không phải cứ yêu trẻ là có thể trở thành giáo viên mầm non được. Bên cạnh những tố chất cần thiết mang tính đặc thù thì năng khiếu về ca múa, đàn, hội họa… cũng là một điều kiện, và đặc biệt là phải chịu được áp lực cao trong công việc. “Nghề nào cũng cần phải có đạo đức nhưng với sư phạm, đạo đức nghề nghiệp được đặt hàng đầu”, ông Tuấn nói.
Trong khi đó, Anh Khoa (học lớp 12A15) cho biết rất thích ngành CNTT và mong muốn được học ở môi trường đào tạo song ngữ nhưng trình độ tiếng Anh chỉ ở mức trung bình, liệu em có nên tiếp tục theo đuổi ước mơ? Giải tỏa băn khoăn của Anh Khoa, ông Nguyễn Thành Tâm (Đại diện Hệ thống đào tạo lập trình viên Aptech) cho rằng nếu có đam mê ngành này và thái độ học tập tích cực thì ngoại ngữ không là rào cản. Tại Aptech có khóa tiếng Anh chuyên ngành 9 tháng, là môi trường để các em trau dồi thêm. Đề cập đến cơ hội làm việc ở các công ty, tập đoàn nước ngoài, ông Tâm khẳng định: “Tất cả phụ thuộc vào khả năng của chính mình. Hiện tại, các công ty đa quốc gia về lĩnh vực CNTT chọn Việt Nam để đầu tư bởi có nguồn nhân lực trình độ cao. Hơn nữa, Việt Nam đang phát triển mạnh về khởi nghiệp, các dự án khởi nghiệp về công nghệ mới cũng đang rất cần lao động đào tạo bài bản về CNTT”.
T.Anh
Bình luận (0)