Tập yoga từ lâu đã được công nhận là một phương pháp khoa học rèn luyện sức khỏe đem lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe lẫn tinh thần con người. Chính vì vậy, ngày càng có nhiều người tìm đến và gắn bó với bộ môn này. Tuy nhiên, một số trường hợp khi mới bắt đầu tập đã mắc phải những sai lầm dẫn đến chấn thương và vô tình “rước” bệnh vào người.
Chuyên gia khuyến cáo người tập yoga cần tập từ bài căn bản đến nâng cao, nhằm tránh bị chấn thương và đảm bảo cho sức khỏe |
Những chấn thương khó ngờ
Trong tuần qua, Khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương) đã tiếp nhận điều trị cho trường hợp chấn thương do tập yoga sai cách của chị Vũ Phương (ngụ phường 6, quận Tân Bình). Trước đó, chị đã được người em trai (đang theo học yoga tại một trung tâm lớn ở quận 1) hướng dẫn tập các bài tập với tư thế con bò/con mèo (Cat cow pose) và rắn hổ mang (bhujangasana). Các bài tập này có công dụng làm ấm cơ thể, củng cố cột sống lưng và cổ, cải thiện tư thế, giảm bớt căng thẳng và mệt mỏi, kích thích tim và phổi… Trong đó chủ yếu là các tư thế gập người, ưỡn lưng, võng lưng (hạ eo xuống nhưng vẫn giữ nguyên vị trí mông và vai. Sau vài ngày tập quá sức và không khởi động trước khi tập khiến cho chị Phương bị đau nhói ở lưng vào buổi sáng ngày 26-6. Cơn đau mỗi lúc càng nặng nề khiến chị không thể ngồi dậy, đi đứng, thậm chí không thể lật người sang bên phải hoặc bên trái vì quá đau đớn.
Theo kết quả chụp X quang cột sống thắt lưng động, gập ưỡn và thẳng nghiêng tại Khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương), bác sĩ Lê Đức Định Miên xác định chị Phương bị bong gân cơ cạnh cột sống lưng do tập yoga sai cách. Nhằm khắc phục tình trạng này, bác sĩ Miên ra phác đồ điều trị gồm thuốc uống 14 ngày và hẹn tái khám sau đó. Đồng thời chỉ định bệnh nhân nghỉ ngơi hoàn toàn trong 1 tháng bằng cách nằm trên giường, hạn chế di chuyển, không mang vác nặng nhằm tránh bị bong gân tái lại về sau. Bác sĩ Miên lưu ý, bệnh nhân cần tuân thủ thời gian nghỉ ngơi một cách nghiêm ngặt, vì những chấn thương vùng cột sống có thể dễ bị tái lại nếu việc kiêng cữ không đúng cách. Theo bác sĩ Miên, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều ca chấn thương do ảnh hưởng của việc tập yoga không đúng cách. Trong đó có một số trường hợp bị chấn thương nặng do thực hiện động tác trồng cây chuối hoặc cong ưỡn lưng quá mức. Chính bác sĩ đã từng phẫu thuật cho một học sinh nữ (lớp 12) bị chấn thương nặng gây ảnh hưởng đến việc học hành.
Bác sĩ Phạm Thế Hiển khuyến cáo: “Để hạn chế tối đa chấn thương do tập yoga, người tập cần tìm đến những trung tâm uy tín để được hướng dẫn chọn kiểu yoga nào phù hợp nhất với nhu cầu của cơ thể. Đặc biệt, trong quá trình tập yoga, người tập cần làm nóng (khởi động) kỹ lưỡng trước buổi tập, vì gân cơ dây chằng “nguội” sẽ rất dễ bị tổn thương. Trong trường hợp, nếu vẫn còn đau hoặc bị chấn thương, người tập nên đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời”. |
Tương tự, nữ nhân viên văn phòng tên Nguyễn Thị Minh cũng bị chấn thương do tập yoga để chữa chứng mỏi cổ. Tuy nhiên, chỉ sau 2 tuần đi tập, bất ngờ chị bị đau lưng dữ dội, đi lại rất khó khăn. Kết quả chụp X quang tại Bệnh viện 115 kết luận chị Minh bị đau lưng cấp tính do giãn dây chằng cột sống. Bác sĩ điều trị Trương Công Dũng (Khoa Y học thể thao, Bệnh viện 115) đã cho chị uống thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm, giãn cơ và nằm nghỉ một chỗ trong vòng một tuần. Bên cạnh những chấn thương phổ biến do tập yoga chưa đúng phương pháp, trường hợp của bà Kim Liên (60 tuổi, ngụ phường 9, quận 5) trở nên nghiêm trọng hơn khi lưng của bà đang từ lưng thẳng thành lưng gù vì tự tập yoga theo hướng dẫn trong sách trong 10 năm. Kết quả thăm khám bác sĩ xác định bà Liên đã thực hiện các động tác yoga không phù hợp, trong đó có các động tác nguy hiểm như vặn xoắn người hoặc cúi người quá mức. Chiếc lưng gù không chỉ làm cho bà bị thấp xuống 8cm so với trước đó, mà hậu quả của việc tập sai phương pháp còn khiến cho bà bị xẹp đốt sống và vẹo cột sống sang trái.
Bệnh nhân ngày càng đông
Bác sĩ Phạm Thế Hiển, Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM cho biết, số lượng bệnh nhân được thăm khám và điều trị về các dạng đau lưng, vai, cổ, hông… ngày càng gia tăng. Trong số đó, có nhiều trường hợp là do tập yoga không đúng cách, sai tư thế. Hậu quả của tình trạng này gây nên những chấn thương thường gặp như bị căng cơ ở vùng cột sống lưng, cổ, vai, đầu gối, cẳng chân do các động tác vặn xoắn đột ngột, lặp lại hoặc kéo giãn quá mức; đau khớp vùng chậu khi tập các động tác xoạc hai chân, xoay người; giãn dây chằng, bong gân cơ cạnh cột sống lưng hoặc bong gân cổ chân; chấn thương đĩa đệm cột sống do tư thế không đúng của động tác cúi vặn người quá mức; giãn dây chằng bên ngoài đầu gối; rách cơ đùi sau; hội chứng ống cổ tay (tê tay)… Trong những trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến trơ trọi khớp, gãy xương, tai biến tim mạch, suy kiệt cơ thể.
Ông Đặng Hùng, Giám đốc Học viện Yoga Việt Nam cảnh báo, một trong những nguyên nhân khiến ngày càng có nhiều người phải vào bệnh viện điều trị chấn thương vì tập yoga không đúng cách, là do có không ít người nghĩ rằng tập yoga là việc đơn giản nên đã tự tập ở nhà. Ông Hùng lưu ý, đa phần các trường hợp bị chấn thương đều là do duy trì tập dượt quá sức, thực hiện động tác không đúng lặp lại nhiều lần nên rất dễ dẫn tới bị chấn thương. Theo thông tin từ Học viện Yoga Việt Nam, những năm gần đây chấn thương trong yoga ngày càng nhiều. Bên cạnh nguyên nhân do chính những sai lầm của bản thân người tập, khi cơ thể chưa đạt đến sự dẻo dai nhất định, còn phải kể đến một nguyên nhân khác là do sự hướng dẫn của người giáo viên hay huấn luyện viên.
Bài, ảnh: Đinh Vũ
Bình luận (0)