Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Zimbabwe: Xây dựng một hệ thống giáo dục hợp lý

Tạp Chí Giáo Dục

Chương trình ETF huy động các nguồn lực khác nhau giải quyết sự thiếu hụt nghiêm trọng tài liệu học tập và giảng dạy (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Khi các trường học ở Zimbabwe khai giảng, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) cùng với Chính phủ Zimbabwe đã đồng hành cùng phân phối sách giáo khoa (SGK) cho hơn 5.575 trường tiểu học trên khắp đất nước.
Cách đây một năm, Chính phủ Zimbabwe đã khởi xướng việc thành lập Quỹ cải cách giáo dục hay còn gọi là chương trình ETF. Chương trình này được thiết kế để huy động các nguồn lực khác nhau nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục với phương pháp tiếp cận hợp lý. Ngoài ra, quỹ này còn để giải quyết sự thiếu hụt nghiêm trọng tài liệu học tập và giảng dạy, trong đó bao gồm SGK và những dụng cụ học tập cơ bản.
Giáo dục là ưu tiên
Con số trung bình được khảo sát là một quyển SGK cho mỗi học sinh tại Zimbabwe. Hệ thống giáo dục quốc gia này có thời gian từng là tốt nhất ở khu vực châu Phi hạ Sahara nhưng đã giảm sút rất nhiều trong những thập niên gần đây do các cuộc khủng hoảng kinh tế. Suốt 5 năm vừa qua, số lượng trẻ em tiếp tục việc học ở cấp 2 sau khi hoàn thành tiểu học đã giảm đi một cách rõ rệt. Dựa trên một nghiên cứu vào năm 2008 được tiến hành bởi Ban Tư vấn Giáo dục quốc gia, gần như một nửa học sinh trong độ tuổi đến trường không tiếp tục học cấp 2.
“Ngân quỹ luôn có phần ưu tiên cho giáo dục và với sự hỗ trợ từ những mạnh thường quân, chúng ta dần có được những kết quả nhất định trong việc hồi phục những dịch vụ xã hội cơ bản của Zimbabwe” – Thủ tướng Zimbabwe Morgan Tsvangirai đã nói vậy khi ông công bố thực hiện chương trình này.
Còn tiến sĩ Peter Sahama – đại diện của UNICEF tại Zimbabwe, nói: “Chúng tôi tin rằng điều này sẽ giúp Zimbabwe trở thành đất nước duy nhất ở khu vực hạ Sahara có tỉ lệ một quyển SGK cho mỗi học sinh trong tất cả các môn học chính”.
Chương trình này đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và giúp Zimbabwe đáp ứng được những yêu cầu liên quan đến giáo dục mà “Những mục tiêu phát triển của thiên niên kỷ” (MDGs) do UNICEF đề ra. MDGs là tổng hợp một số mục tiêu cho toàn thế giới với mong muốn giảm nghèo nàn, lạc hậu; phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành phổ cập tiểu học ở tất cả các nước trên thế giới.
SGK về trường
Nhờ chương trình ETF, hơn 13 triệu SGK của bốn môn chính (môn toán, môn tiếng Anh, môn khoa học môi trường và môn ngôn ngữ địa phương) đã được tiến hành in ấn. Tuy nhiên, để phân phối hết số lượng sách khá lớn chỉ trong vòng ba tháng đang là một bài toán khó. Thống kê sơ lược cho thấy cần phải có khoảng hơn 500 xe tải để chở hết số tài liệu này, một số sẽ được mang đến những vùng xa xôi nhất của Zimbabwe. Để giải quyết vấn đề này, UNICEF đã thiết lập 22 trung tâm phân phối dọc khắp đất nước để nhận sách. Sau đó, sách sẽ được chuyển đến từng trường học địa phương trong khu vực.
ETF hoạt động khá đa dạng. Quỹ sẽ tập trung và hỗ trợ nhằm mục tiêu mở rộng các trường cấp 2, mang đến cho các ngôi trường này sách giáo viên và cả SGK cho những ngôn ngữ bản xứ đang có nguy cơ biến mất hoàn toàn. Các ngôn ngữ này bao gồm tiếng Venda, Shangani, Tonga và Nambiya; ngoài ra còn chú ý phát triển SGK tiếng Braille. Bên cạnh đó, chương trình còn tập trung nghiên cứu thời khóa biểu học tập của học sinh và thực hiện kế hoạch chiến lược mới của Bộ Giáo dục.
“Tất nhiên, việc cung cấp dụng cụ học tập và giúp đỡ chi trả chi phí rất có ích nhưng sẽ không mang lại hiệu quả lâu dài trong việc tái xây dựng hệ thống giáo dục. Cơ sở hạ tầng cho giáo dục – cả về con người và vật chất – đã giảm chất lượng và cần được chú ý nghiêm túc cải thiện. Đầu tư trong tương lai được đề cập trong ETF kết hợp với việc gia tăng quỹ chính phủ cần được quan tâm” – ông H. E. Gunnar Foreland, đại sứ Na Uy tại Zimbabwe cho biết.
Xuân Chi
 (Theo educationandtransition.org)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)