Thứ bảy, 27/4/2024, 09h50

Cần phát huy văn hóa đọc trong học sinh

Chúng ta nghĩ gì nếu trung bình mỗi người Việt Nam đọc 1 cuốn sách/năm. Như vậy thì quả là một con số khá khiêm tốn đối với một đất nước vốn có truyền thống hiếu học.


Hc sinh đc sách ti Đưng sách TP.HCM. Ảnh: Y.H

Học sinh ít quan tâm đến sách và đọc sách không phải là chuyện mới. Những năm gần đây, việc giới trẻ ít đọc sách đáng báo động. Thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin nên người ta ít quan tâm đến văn hóa đọc. Khá nhiều bạn trẻ sử dụng thời gian vào mạng xã hội vài ba giờ/ngày là chuyện bình thường, trong lúc những cuốn sách đặt sờ sờ trước mắt họ cũng chẳng ngó ngàng tới. Đó là điều đáng buồn.

Làm thế nào để khơi gợi niềm hứng thú đọc sách và sự phát triển của văn hóa đọc? Hai môi trường có thể làm tốt điều này, đó là gia đình và nhà trường. Gia đình là cái nôi đầu tiên và rất quan trọng để gieo sự hứng thú cho trẻ đọc sách ngay từ bé. Cha mẹ dành thời gian để mua những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi của con để con có thói quen đọc sách và học tập được những điều quý báu từ sách, mở mang kiến thức từ những cuốn sách ấy. Và cha mẹ cũng là người thường đọc sách để làm gương cho con. Nhiều phụ huynh chỉ lo mua quà bánh, quần áo cho con mà quên đi chuyện mua sách tặng con hoặc khuyến khích con đọc sách. Bên cạnh đó, đọc sách cũng góp phần bảo vệ đôi mắt hơn so với việc trẻ luôn “dán” mắt vào điện thoại, máy tính, ti vi. Trong khi đó, nhà trường là nơi ươm mầm rất tốt cho việc đọc sách. Chính thư viện là nơi kết nối rất tốt giữa sách và học sinh. Khi ban giám hiệu, tập thể giáo viên phát huy tốt vai trò của thư viện ắt hẳn sẽ tạo nên nguồn cảm hứng đọc sách của học sinh. Muốn vậy, thư viện cần đảm bảo được nhiều yếu tố để thu hút người đọc như không gian rộng rãi - thoáng mát, nhân viên nhiệt tình - niềm nở, tạo điều kiện cho mượn sách về nhà đọc, luôn cập nhật sách mới... Chẳng hạn, ở trường tôi đang công tác, là một trường tư thục nên thư viện không được rộng như trường công lập nhưng các đầu sách cũng rất phong phú, thu hút học sinh đọc trong những giờ giải lao. Bên cạnh đó, để phát huy văn hóa đọc, ngay từ khi thành lập, nhà trường đã có tiết đọc sách (1 tiết/tuần) chính thức vào thời khóa biểu như một tiết học bình thường. Không những thế, vào giờ chào cờ sáng thứ hai hàng tuần, nhà trường còn tổ chức cho học sinh phát biểu cảm nhận về cuốn sách hay, tác phẩm hay… do chính các em thực hiện (luân phiên theo lớp). Những cách làm như vậy góp phần phát huy tinh thần đọc sách của học sinh.

Đó là hai môi trường quan trọng nhất để phát huy tốt văn hóa đọc. Tuy nhiên, để phát huy văn hóa đọc ấy cũng cần nhiều ở môi trường xã hội. Chẳng hạn, ở TP.HCM, một số quán cà phê sách ra đời cũng nhằm mục đích thu hút khách hàng vừa thưởng thức cà phê vừa cảm nhận văn chương qua những cuốn sách hay.

Người ta thường nói, học vấn không chỉ đơn thuần là chuyện đọc sách, song việc đọc sách là một trong những con đường quan trọng của học vấn. Bởi vậy, tác dụng của việc đọc sách là vô cùng lớn. Mỗi cá nhân, tập thể nên ươm mầm và phát huy văn hóa đọc cho bản thân, cho mọi người xung quanh và nhất là giới trẻ.

Thái Hoàng