Thứ ba, 23/4/2024, 21h12

Đi giám sát trường học hạnh phúc, Trưởng Ban VHXH, HĐND TP “ước con được học ở trường”

Chiều 23-4, Đoàn giám sát Ban Văn hóa Xã hội, HĐND TP.HCM đã có buổi giám sát với UBND quận 7 về tình hình triển khai, tổ chức thực hiện Đề án giáo dục thông minh và học tập suốt đời tại TP.HCM giai đoạn 2021-2030; tình hình triển khai việc xây dựng trường học hạnh phúc; và việc thực hiện kết luận sau giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện NQ số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT.


Đoàn giám sát khảo sát tại thư viện Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ (quận 7)

Lùi giờ vào học để học sinh… hạnh phúc

Ông Đặng Nguyễn Thịnh - Trưởng phòng GD-ĐT quận 7 cho biết, việc xây dựng trường học hạnh phúc là trọng tâm của ngành, làm sao để học sinh, giáo viên, nhân viên mỗi ngày đến trường đều là một ngày vui. Ban giám hiệu đến trường mỗi ngày mặt mày đều vui vẻ chứ không phải là cau có. Với bộ tiêu chí trường học hạnh phúc Sở GD-ĐT ban hành, giúp trường biết mình đang ở đâu, cần những gì để thay đổi. Phòng giáo dục đã có buổi tập huấn tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc cho các trường…

“Hiện nay, nhiều trường THCS đã lùi giờ vào học đến 7g30, bằng với bậc tiểu học, để học sinh cảm thấy thoái mái. Chiều 4g30 đã về. Trường tiểu học có những lớp học mở, học sinh không chỉ học ở trong lớp mà học ở bất cứ nơi nào, tạo thoải mái cho học sinh” - ông Thịnh nêu dẫn chứng.

Ông kiến nghị Sở GD-ĐT có thêm bộ tiêu chí trường học hạnh phúc cho trường mầm non. Đồng thời sớm có danh mục trang thiết bị chuyên dùng cho phòng học thông minh, phòng học tương tác đa chức năng, trung tâm thực hành thí nghiệm thông minh. Có kinh phí hoạt động thường xuyên cũng như nguồn hỗ trợ lâu dài cho các trung tâm học tập cộng đồng.


Khảo sát tại phòng thực hành Trường THCS- THPT Đinh Thiện Lý

Báo cáo với đoàn giám sát, ông Ngô Xuân Lộc- Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ cho biết 100% phòng học được trang bị máy lạnh, ti vi, hệ thống màn chiếu, máy chiếu…

Trường sử dụng các phần mềm quản trị, phần mềm ôn luyện, đồng thời số hóa hồ sơ điện tử học sinh, sổ điểm, sổ liên lạc; Áp dụng thẻ học đường tích hợp điểm danh nhắn tin điện tử với phụ huynh về học tập, lịch thi, báo bài…

Năm học 2024-2025 trường xây dựng thư viện thông minh, với kinh phí 3,6 tỷ đồng, vay trong 7 năm với gói vay kích cầu, học sinh đóng mỗi tháng 52 ngàn đồng. Năm học tới được UBND quận đồng ý cho sử dụng ngân sách xây dựng thêm 20 phòng học, đáp ứng thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Về trường học hạnh phúc, trường thành lập ban chỉ đạo xây dựng trường học hạnh phúc, có quyết định phân công cụ thể từng thành viên phụ trách nhóm tiêu chí. Cuối năm học sẽ đánh giá. Việc đầu tư trang thiết bị được quan tâm,

“Thực hiện Chương trình GDPT 2018, học sinh mạnh dạn tự tin, dám thể hiện quan điểm… Dù vậy, do đặc thù môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử địa lý thì giáo viên đa phần là đơn môn, được tập huấn nâng cao song vẫn còn là khó khăn khi dạy chéo môn; Hoạt động trải nghiệm, giáo dục địa phương còn mới, việc phân bổ giáo viên thích hợp song vẫn là khó khăn để giáo viên thích nghi cái mới”.

Tại Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý, bà HoàngoangHo Thị Diễm Trang - Hiệu trưởng nhà trường cho biết xác định, trường học thông minh, trường học hạnh phúc là các nhiệm vụ trọng tâm.


Ông Cao Thanh Bình bày tỏ ấn tượng với kết quả 2 trường thực hiện được

Xây dựng trường học thông minh, trường coi trọng cải cách hành chính, số hóa vì giảm tải công việc cho đội ngũ… Đến nay trường đã phủ các khối lớp học sinh mang máy tính đến trường. Mỗi lớp có một không gian ảo. Quá trình học sinh thực hành thí nghiệm cũng được kết nối trên không gian ảo, học sinh thấy được sản phẩm của mình đồng thời có sự góp ý của thầy cô,bạn bè. Quá trình này có sự theo sát của phụ huynh. Nhà trường cũng xây dựng được hồ sơ học tập điện tử của học sinh để các em thể hiện được bản sắc riêng của mình.

Về trường học hạnh phúc, được thể hiện ở 3 góc độ: phương thức dạy học để học sinh cảm thấy an toàn, không ngại phát biểu ý kiến, có tư duy phản biện; giáo dục học sinh tích cực; sức khoẻ tinh thần của học sinh.

Về việc đổi mới chương trình, SGK, theo bà Trang do là trường tư thục nên trường có thuận lợi chủ động đội ngũ, nâng cao năng lực chuyên môn. Bà kiến nghị các đơn vị tư thục được hỗ trợ một phần ngân sách nhà nước cho công tác đào tạo nâng cao chuyên môn với các chương trình do ngành giáo dục triển khai.

Thông tin thêm đến đoàn giám sát, ông Châu Xuân Đại Thắng - Phó Chủ tịch UBND quận 7 cho biết, đến năm 2025 quận sẽ xây thêm 8 trường học. Trong năm nay sẽ khởi công 4 trường. Sắp tới quận có liên kết phối hợp với Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, chuyển giao để ĐH Kinh tế vận hành trường, cách làm mới nâng chất lượng giáo dục của quận. “Thời gian tới quận sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo các nội dung của đoàn giám sát với các cơ sở giáo dục để thực hiện thực chất, hiệu quả”.

Theo ông Lê Duy Tân - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM, thực hiện đề án giáo dục thông minh, ngành giáo dục đã huy động tổng thể nguồn lực toàn ngành, không phân biệt trường công lập, tư thục.

Ông nhìn nhận, việc đổi mới dạy học, trang bị chương trình, đề án thì tính mục đích là phải thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018, hướng tới nhẹ nhàng cho học sinh.

“Đề án giáo dục thông minh tập trung giải quyết điều này chứ không chỉ là tập trung vào trang thiết bị. Trước đây, đánh giá hạnh kiểm học sinh bằng điểm số nhưng với Chương trình GDPT 2018 thì đánh giá học sinh thông qua hoạt động, do vậy phải tổ chức hoạt động mới đánh giá được học sinh”.

“Ước gì con được học ở 2 trường này”

Ấn tượng với kết quả 2 trường giám sát, ông Cao Thanh Bình - Trưởng Ban VHXH, HĐND TP-Trưởng đoàn giám sát bày tỏ: “ước gì con mình được học ở 2 trường này”.

Song, ông cho rằng còn nhiều vấn đề cần đánh giá rõ, như thực hiện các đề án đó thì tài chính ra sao, chất lượng hiệu quả của từng tiêu chí đạt được ở mức độ nào, đã thực sự lấy học sinh làm trung tâm chưa, học sinh đã mạnh dạn chia sẻ tương tác, dám nói khi đối thoại với ban giám hiệu chưa…


Khảo sát tại phòng thí nghiệm thông minh, Trường THCS- THPT Đinh Thiện Lý

Ông đề nghị Sở GD-ĐT cần đánh giá rộng những vấn đề trên, đồng thời đánh giá thêm việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT thì học sinh được tự chọn môn học lựa chọn để học, nhưng thực tế điều kiện của trường đã đáp ứng được chưa. Chương trình liên kết với Trường ĐH Sài Gòn để tập huấn bồi dưỡng đội ngũ thì áp dụng đến đâu, tính toán đào tạo bồi dưỡng giáo viên như thế nào, đầu ra ra sao… Nếu không đảm bảo đội ngũ, cơ sở vật chất thì dù có đề án thì vẫn khó khăn…

Từ mô hình của Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý, ông Bình cho rằng ngành giáo dục cần đánh giá lại công tác xã hội hóa giáo dục đang làm đến đâu. Rà soát xem hiện nay có bao nhiêu nhà đất công để mời gọi nhà đầu tư, giảm áp lực cho thành phố, thực hiện hiệu quả NQ98.

“Kiến nghị của đơn vị về thiết bị chuyên dùng cho phòng học thông minh, thư viện thông minh, phòng học tương tác thì ngành giáo dục cần khẩn trương thực hiện, không nên cầu toàn. Vì thiết bị chuyên dùng hàng năm đều thay đổi. Sở GD- ĐT cần cần tổng hợp từ văn bản của đơn vị và cập nhật theo các kỳ họp của HĐND. Trong lúc chưa có thì trường không thể đầu tư mua sắm thiết bị thực hiện đề án được…” - ông Cao Thanh Bình yêu cầu.

Yến Hoa