Thứ sáu, 12/4/2024, 09h03

Hơn 90% phụ huynh hài lòng về dịch vụ giáo dục công của nhà trường

Kết quả được Sở GD-ĐT TP.HCM công bố trong đề án đo lường chất lượng hoạt động và cung cấp dịch vụ công tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố năm 2023.


Theo khảo sát, hơn 90% phụ huynh TP.HCM hài lòng về dịch vụ giáo dục công trong trường học

Cụ thể, ngày 11-4, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, công tác điều tra xã hội học đánh giá sự hài lòng của người học, phụ huynh về chất lượng dịch vụ trực tuyến của các cơ sở giáo dục được thực hiện tại 36 trường, tổng số phiếu thu về là 7.004 phiếu, gồm 6.404 phiếu từ phụ huynh và 600 phiếu từ học sinh cho thấy, tỉ lệ hài lòng chung của phụ huynh đối với dịch vụ của nhà trường đạt 90,5% và tỉ lệ hài lòng chung của học sinh đối với dịch vụ nhà trường đạt tỉ lệ 91%.

Trong đó, tiêu chí về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đạt tỉ lệ thấp nhất 89,4% (phụ huynh) và 89,6% (học sinh), cao nhất ở tiêu chí về hoạt động giáo dục, đạt 91% và 91,2% đối với phụ huynh và học sinh.

Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, căn cứ Quyết định số 3476/QĐ-BGDĐT ngày 4-10-2019 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành Bộ công cụ khảo sát và tài liệu hướng dẫn triển khai đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công, Sở GD-ĐT dự kiến tổ chức và chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện khảo sát sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục bằng hình thức trực tuyến theo bộ công cụ khảo sát của Bộ GD-ĐT trong quý II năm 2024. Đảm bảo trong quá trình điều tra xã hội học phục vụ đánh giá chỉ số cải cách hành chính (CCHC), đo lường sự hài lòng của người dân thực hiện một cách khách quan, khoa học, phản ánh đúng kết quả thực hiện CCHC.

Hơn 350.000 học sinh được phân bổ chỗ học gần nhà

Ngoài ra, cũng theo Sở GD-ĐT TP.HCM, trong năm học 2023-2024, hơn 350.000 học sinh được các quận, huyện và TP.Thủ Đức bố trí chỗ học qua bản đồ GIS trong năm đầu áp dụng bản đồ GIS trong tuyển sinh đầu cấp, theo nguyên tắc học sinh được học ở trường gần nhà, tạo được sự đồng thuận của phụ huynh, học sinh.

Sở GD-ĐT TP cho biết, năm 2023 Sở đã làm việc với tổ giúp việc đề án 06 và đại diện Sở Tư pháp để trao đổi các nội dung phối hợp rà soát, cập nhật dữ liệu, cấp giấy khai sinh, mã định danh cá nhân, căn cước công dân đối với các đối tượng trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi), từ đó đã thực hiện làm sạch dữ liệu học sinh trên cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành nhằm phục vụ cho việc triển khai thực hiện công tác tuyển sinh trực tuyến 100% cho năm học 2023-2024.

Dựa vào kết quả xác thực, Sở GD-ĐT đã khoanh vùng và phối hợp với phòng PC06 Công an TP.HCM hỗ trợ cấp mã số định danh công dân cho những trường hợp chưa được cấp giúp nâng tỉ lệ dữ liệu học sinh được xác thực lên hơn 99% trước khi vào năm học 2023-2024.

Thí điểm áp dụng hệ thống thông tin địa lý GIS tại TP.Thủ Đức, quận 8 và quận Tân Bình, tạo nhiều thuận lợi cho đông đảo phụ huynh trong tất cả các bước đăng ký tuyển sinh, tiếp nhận kết quả, xác nhận nhập học từ đó nâng cao hiệu quả quản lý của Sở.

Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá, năm 2023, thông qua việc triển khai Hệ thống Trục dữ liệu tuyển sinh trên nền dữ liệu được xác thực với CSDL dân cư quốc gia thuộc Đề án 06/CP, ngành GD-ĐT đã bố trí chỗ học cho hơn 350.000 học sinh, với nhiều kết quả đáng khích lệ được ghi nhận.

Cụ thể: Không còn tình trạng hồ sơ ảo, ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác tuyển sinh khi số liệu thực tế khác biệt so với số liệu làm căn cứ phân bổ.

Quy trình tuyển sinh được thực hiện hoàn toàn dựa trên dữ liệu nên không còn tình trạng phụ huynh phải lên trường nộp hồ sơ giấy để đăng ký chỗ học cho học sinh cũng như nhận kết quả trúng tuyển.

Học sinh được phân vào trường học gần nơi cư trú nhất, giảm áp lực của các trường ở địa bàn có đông học sinh, đồng thời tạo thuận lợi cho học sinh vì được học ở trường gần nhà. Sở GD-ĐT sẽ căn cứ kết quả khảo sát Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023 để đối chiếu so sánh nhằm đánh giá mức độ hiệu quả của giải pháp…

Yến Hoa