Thứ ba, 8/4/2014, 14h04

Gia Lai: Nông dân trắng tay, vỡ nợ vì.. giá dưa hấu

Hiện các ruộng dưa hấu ở Gia Lai đang vào mùa thu hoạch rộ. Tuy nhiên, khác với năm ngoái, không khí mua bán tại các điểm trồng dưa vẫn khá tẻ nhạt, nhiều nhà nông đang đứng trước tình trạng trắng tay, thậm chí là ôm nợ bởi giá dưa hạ xuống còn quá thấp.

Từ xã Cửu An (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) lên huyện Đăk Pơ thuê 1,7ha đất với giá 34 triệu đồng/vụ dưa, cả gia đình anh Nguyễn Viết Lâm dồn hết vốn liếng để trồng dưa. Thế nhưng, giá dưa chỉ còn 1.500 đồng/kg khiến cả nhà "đứng ngồi không yên."

(Ảnh minh họa: Trần Cảnh Yên/TTXVN)

Anh Lâm cho biết gia đình anh đã đầu tư 100 triệu đồng/ha dưa nhưng với giá thu mua như hiện nay thì chắc chắn lỗ.

"Đầu mùa thì giá dưa cao hơn, gia đình tôi bán được 0,7ha với giá 2.400 đồng/kg, lãi khoảng 20 triệu, nhưng 1ha còn lại này bán với giá 1.500 đồng/kg, sẽ lỗ từ 20-50 triệu đồng," anh Lâm cho biết.

Để đầu tư trồng dưa, các hộ gia đình đều phải vay vốn từ ngân hàng bởi chi phí trồng dưa rất cao, vì vậy việc giá dưa rớt xuống thấp đang đẩy nhiều hộ gia đình rơi vào cảnh nợ nần.

Gia đình anh Nguyễn Văn Phương (xã Xuân An, thị xã An Khê) cho biết mùa dưa năm nay, anh đầu tư hơn 300 triệu đồng, trong đó vay ngân hàng 150 triệu đồng. Nhưng với giá dưa hiện tại, cước vận chuyển tăng khiến thương lái e dè, hạn chế thu mua làm cho dưa bị tồn đọng, giá đã thấp lại càng thấp hơn.

"Toàn bộ chi phí cho xe vận chuyển đều tính vào giá dưa nên cước tăng thì giá dưa hạ, người nông dân đành phải chịu thiệt. Dưa tuyển loại một có giá 1.500 đồng/kg, còn dưa loại hai, loại ba chỉ còn biết bán theo đống, vừa bán vừa cho. Vụ dưa này gia đình tôi bị lỗ tới hơn 50% vốn.

Hiện ngân hàng không cho nông dân vay thêm vốn, rồi không biết lấy gì mà trả nợ,” anh Phương than thở.
Theo nhiều nông dân trồng dưa, sở dĩ giá dưa xuống thấp như vậy một phần là do gần đây trên địa bàn các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai có xuất hiện những cơn mưa nhỏ khiến dưa bị giảm chất lượng.

Nhưng quan trọng hơn, theo các thương lái, cước xe vận chuyển dưa năm nay cao gấp đôi so với năm ngoái nên số lượng xe mua dưa giảm hẳn.

Anh Nguyễn Bảo Quốc, một thương lái dưa lâu năm từ Quảng Ngãi lên cho biết do Trung Quốc chỉ nhập từ 60-70 xe dưa/ngày, trong khi số lượng xe tập trung về cửa khẩu quá lớn, thời gian chờ để được bán dưa thường từ 8-10 ngày khiến dưa bị hỏng nhiều, tổn thất rất lớn.

Ngoài ra, chi phí vận chuyển cũng tăng cao hơn rất nhiều so với năm ngoái. Năm ngoái, chi phí cho một xe tải chở 28 tấn dưa ra tới cửa khẩu Lạng Sơn chỉ khoảng 40-50 triệu đồng. Nhưng năm nay chi phí lên tới 85-90 triệu đồng, vì thế giá dưa phải thấp xuống mới đủ bù vào tiền vận chuyển.

Với mong muốn vực dậy cuộc sống qua những mùa dưa nên hàng chục hộ dân di canh tìm thuê đất để trồng dưa.

Nhưng với tình trạng giá dưa như hiện nay, người trồng dưa ở Gia Lai đang đứng ngồi không yên khi dưa đến mùa thu hoạch nhưng vẫn để nằm đồng. Và nguy cơ một mùa “dưa đắng” nữa lại đến với người trồng dưa ở tỉnh Gia Lai./.

Quang Thái

(TTXVN/Vietnam+)