Thứ sáu, 24/5/2013, 10h05

Dạy trẻ kỹ năng sử dụng tiền

Một tiết học kỹ năng sử dụng tiền của HS Trường TH Chính Nghĩa (Q.5)

Cho trẻ tiền tiêu vặt là thói quen hàng ngày của phụ huynh. Nhưng dạy trẻ kỹ năng sử dụng tiền thì không phải ai cũng từng làm. Từ đó, trẻ chỉ biết tiêu xài mà chưa hiểu được giá trị, ý nghĩa của đồng tiền.
Cho nhiều mà dạy chẳng bao nhiêu
Khi đề cập đến việc dạy trẻ kỹ năng sử dụng tiền, đa số phụ huynh đều cho rằng: “Tôi thường cho cháu tiền tiêu vặt nhưng dạy cháu phải tiêu như thế nào cho ý nghĩa thì chưa để ý”, hay “trẻ còn nhỏ chưa biết sử dụng tiền lớn, cùng lắm chỉ là ăn hàng, mua nước uống nên tôi không khắt khe bắt phải tiêu thế này thế kia”…
Chị Nguyễn Minh Tâm, phụ huynh em Phạm Minh Chấn (HS lớp 1 Trường TH Trần Quốc Toản, Q.Tân Bình, TP.HCM), cho biết: “Hàng ngày, ngoài việc ăn sáng, tôi cho cháu 10 ngàn đồng để uống nước, ăn quà trong trường. Nhưng hướng dẫn con phải tiêu như thế nào thì chưa. Mà cháu còn nhỏ, không nên nói nhiều về chuyện tiền nong, như thế sẽ hay hơn”. Còn chị Vũ Thu Thảo, phụ huynh em Trần Anh Thoại (HS lớp 3 Trường TH Minh Đạo, Q.5) thì: “Tôi không cho cháu nhiều, chỉ 5 ngàn đồng ăn quà, uống nước mỗi ngày. Thỉnh thoảng tôi nhắc cháu không mua đồ chơi linh tinh chứ chưa thực sự dạy cháu phải tiết kiệm, phải sử dụng tiền đúng mục đích, hiệu quả. Tôi không quá khắt khe với con về số tiền đó”.
Hiện nay một HS lớp 1 mỗi ngày đến trường có thể có ít nhất vài ngàn đồng trong túi. Trẻ có thể mua quà này hay món ăn kia nhưng không màng ý nghĩa tiêu xài. Chị Lâm Lệ Phấn, phụ huynh em Trần Lệ Lan (HS lớp 4 Trường TH Châu Văn Liêm, Q.6) chia sẻ: “Cho con tiền tiêu xài ngay từ nhỏ là thói quen của phụ huynh. Thậm chí phụ huynh còn xem đó là nghĩa vụ cần hoàn thành trong ngày, cho xong sẽ cảm thấy yên tâm hơn…”.
Tại hội thảo Giáo dục con trẻ về tài chính do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức mới đây, diễn giả Neale S.Godfrey (người Mỹ, tác giả cuốn sách Tiền không mọc trên cây), cho rằng ở Việt Nam, giáo dục trẻ kỹ năng sử dụng tiền còn khá mới mẻ đối với các bậc phụ huynh. Theo bà đây còn là bài toán khá hóc búa với chính người lớn, vì thế việc dạy trẻ tiêu tiền một cách khoa học quả không mấy dễ dàng. Vì tâm lí thương con, không muốn con mình thua thiệt bạn bè, nhiều phụ huynh sẵn sàng đáp ứng thói quen vòi vĩnh của con. Hay có phụ huynh nghĩ rằng vì mình không có thời gian quan tâm nên bù đắp vào đó là tiền cho khỏa lấp tình thương. Việc làm này nếu lặp lại nhiều lần có thể trở thành hội chứng “con muốn” ở trẻ. Nguy hiểm hơn, thói quen ấy có thể ăn sâu vào tính cách, khiến trẻ suy nghĩ cha mẹ là người phải đáp ứng bất kỳ lúc nào khi chúng muốn. Đến khi thiếu sự đáp ứng trẻ sẽ khó chấp nhận, tỏ thái độ không vui, hờn dỗi, thậm chí ganh tỵ với người xung quanh.
Dạy con từ thuở còn thơ
Bà Neale S.Godfrey cho biết: “Dạy trẻ kỹ năng sử dụng tiền không đơn thuần là dạy tiết kiệm, mà còn giúp trẻ hiểu được giá trị đồng tiền để biết quý trọng, biết cách sử dụng tiền một cách khôn ngoan, chia sẻ khó khăn với người làm ra tiền và học được cả tính chia sẻ với người xung quanh. Hơn hết trẻ hiểu rằng tiền có được từ sức lao động, qua đó phải tiêu cho đúng cách”.
Một đứa trẻ ở độ tuổi từ 3-5 đã biết dùng tiền. Đây cũng là độ tuổi trẻ có khả năng tiếp thu cao nhất. Bà Neale S.Godfrey cho rằng phụ huynh dạy kỹ năng sử dụng tiền cho trẻ ở tuổi này là hợp nhất. Việc làm này không khó, nên bắt đầu từ những việc đơn giản. Như có thể trả công khi trẻ giúp đỡ công việc vặt, dọn dẹp nhà cửa, lau chùi bàn ghế… để giúp chúng thấy mình có được tiền từ sức lao động của bản thân. Tuy nhiên, những công việc tự phục vụ cho bản thân như đánh răng, tắm giặt, học hành… thì không nên trả tiền công vì đây là công việc bắt buộc bản thân trẻ phải làm.
Hàng ngày phụ huynh hay cho trẻ tiền tiêu vặt, hoặc trẻ có tiền từ các phần thưởng, từ công việc làm thêm… vì thế phụ huynh cũng có thể dạy trẻ theo nguyên tắc S.O.S (Saving = Tiết kiệm, tức hướng dẫn trẻ trích một phần tiền tiêu vặt để dành cho mục đích tiết kiệm ngắn hạn lẫn dài hạn; Offering = Ủng hộ, biếu tặng nghĩa là khuyên trẻ nên dành một phần tiền để quyên góp làm từ thiện, giúp đỡ bạn bè có hoàn cảnh khó khăn; Spending = Chi tiêu: Là hỗ trợ trẻ lập ra kế hoạch cho các khoản chi tiêu và chi tiêu trong sự kiểm soát của cha mẹ).
Qua những cách này giúp trẻ biết cách tiêu tiền, quản lý tiền bạc. Đồng thời hiểu tích tiểu thành đại, có thể hôm nay trẻ có tiền lẻ nhưng một thời gian sau trẻ có khoản tiền lớn để mua được những món đồ mà trẻ yêu thích, phục vụ học tập bằng chính số tiền bản thân tiết kiệm được. Để bài dạy được hiệu quả hơn, theo bà Neale S.Godfrey cần có cả sự phối hợp tốt giữa phụ huynh và nhà trường. Ở nhà cha mẹ dạy, lên trường thầy cô dạy.
Đánh giá về vấn đề này, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Phạm Ngọc Thanh, cho biết: “Giáo dục kỹ năng sử dụng tài chính cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ là hết sức cần thiết. Việc làm này tác động lớn đến những quyết định tài chính đúng đắn cho tương lai của các em sau này. Hiểu được giá trị đồng tiền các em vừa sử dụng đúng cách, hiệu quả, ý nghĩa và ý thức được trách nhiệm bản thân. Nhà trường và phụ huynh cần làm tốt công việc này”.
Ngọc Trinh - Ái Trương
Cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ chi tiêu theo mô hình 4 chiếc bình. Bình thứ nhất bỏ vào 10% khoản tiền, dành cho các hoạt động từ thiện; bình 2 bỏ vào 30% chi tiêu cho mua bánh trái, đồ chơi, đồ ăn sáng; 30% cho bình thứ 3 dùng mua những đồ dùng mà trẻ có kế hoạch mua từ trước và 30% còn lại cho bình 4 là tiết kiệm dài hạn cho những việc học ĐH, những công việc sau này.