Thứ ba, 23/8/2011, 21h08

Căng thẳng cuộc đua “vớt” nguyện vọng

Cuộc tranh giành thí sinh xét nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 (NV) năm nay xem ra có phần căng thẳng hơn các năm. Nguyên nhân có thể liệt kê do điểm thi đầu vào các trường khá thấp; điểm tuyệt đối 30/30 hầu như không có; điểm khối C sụt giảm, hàng ngàn bài thi môn Sử bị điểm 0... Thêm vào đó, Bộ GD&ĐT vẫn giữ nguyên mức điểm sàn tương đương mọi năm. Các trường ngoài công lập, trường "top” dưới đã xuất hiện tình trạng xé rào quy chế, "khuyến mãi”, ưu tiên thí sinh, mục đích cũng chỉ mong vớt vát cho đủ lượng chỉ tiêu.
Quanh quẩn điểm sàn
Một trong những thực trạng chung năm nay là nhiều trường ĐH-CĐ chỉ đưa ra mức điểm chuẩn vào trường khiêm tốn là ngang bằng với điểm sàn của Bộ GD&ĐT. Không chỉ thế, một số trường còn hạ tới mức thấp nhất với NV1 và NV2 bằng nhau và cùng ngang điểm sàn của Bộ. Điển hình là trường ĐH Chu Văn An, ĐH Cần Thơ. Điều đó xuất phát do quy định NV sau không được thấp hơn NV trước. So với mọi năm, những trường hợp trên có thể gọi là khá hy hữu.
Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm sàn, đã có hai trường ĐH phải sớm đóng cửa ngành rời cuộc đua là ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) đóng cửa hai ngành Kinh tế Chính trị và Thống kê-Tin học; ĐH Phạm Văn Đồng đóng cửa đào tạo ngành Tài chính-Ngân hàng. Hai ngành Kinh tế Chính trị và Thống kê-Tin học thuộc ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) đã không thể có thí sinh trúng tuyển; ngành Tài chính-Ngân hàng thuộc ĐH Phạm Văn Đồng tỏ ra "an ủi” hơn với ...1 thí sinh trúng tuyển.
Nhưng đó mới chỉ là bước khởi đầu của cuộc đua nguyện vọng khắc nghiệt. Vì chắc chắn con số trường ĐH phải đóng cửa ngành sẽ còn tăng khi kết thúc thời điểm xét tuyển NV3. Trở lại thời điểm mùa tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011, hàng loạt trường ĐH đã chính thức đóng cửa do không có khả năng tuyển thêm thí sinh. Điển hình là ĐH Lương Thế Vinh đóng cửa 5 ngành gồm Văn hóa du lịch, Nuôi trồng thủy sản, Thú y, Cơ khí, Bảo vệ thực vật. ĐH Hồng Đức đóng cửa 3 ngành Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi thú y, Nuôi trồng thủy sản. ĐH Đông Đô đóng cửa 2 ngành Thông tin học, Điện tử Viễn thông. Trường ĐH An Giang ngưng tuyển 5 ngành gồm SP Kỹ thuật công nghiệp, SP Kỹ thuật nông nghiệp, SP Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp, Chăn nuôi và bậc CĐ SP âm nhạc...
Theo ông Trần Hồng Quân- Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH ngoài công lập, trước khi Bộ xét điểm sàn, Hiệp hội Các trường ĐH ngoài công lập đã có cuộc hội thảo thống nhất ý kiến, đề xuất việc Bộ cần xem xét thay đổi mức điểm sàn. Nhưng điều đó đã không được Bộ chấp nhận. Việc Bộ giữ nguyên mức điểm như năm nay là không lường hết khó khăn của những trường ngoài công lập, trường "top” dưới.
Bức tranh chung của các trường ngoài công lập năm nay là tập trung phần lớn chỉ tiêu xét tuyển vào NV2, NV3. Rất ít trường ngoài công lập đạt mức điểm NV1 cao. Thực trạng xảy ra là các trường ngoài công lập, trường "top” dưới chỉ dám lấy NV1 bằng hoặc nhỉnh hơn điểm sàn của Bộ từ 1 đến 2 điểm mà mới chỉ đủ 50-60% chỉ tiêu. Còn lại trông chờ hết vào các NV sau. Dù vậy, nhiều trường vẫn đứng trước nguy cơ đóng cửa một số ngành.
Bất chấp quy chế
Điều đáng lo ngại của các trường ngoài công lập, trường "top” dưới năm là tuyển không đủ chỉ tiêu, là đóng cửa ngành. Có lẽ vì sức ép quá lớn, nhiều trường đã "xé rào”, bất chấp quy chế của Bộ đưa ra bởi một tâm lý chung là "thà chịu bị xử lý, chứ quyết không để đóng cửa ngành”. Đầu tiên là một số ĐH vùng đề nghị xin được xét lọt vào diện điểm chênh lệch vùng theo khoản 1, điều 33-Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT về việc xây dựng điểm trúng tuyển (chênh lệch giữa các vùng là 1 điểm, chênh lệch hai khu vực kế tiếp là 0,5 điểm).
Tiếp đến, nhiều trường tự ý đặt ra lịch nhận hồ sơ NV2, thời điểm công bố điểm chuẩn sớm hơn quy định của Bộ. Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà (Hà Nội) năm nay công bố điểm trúng tuyển NV2 từ rất sớm (bằng mức điểm sàn), trước cả thời gian nhận hồ sơ xét tuyển theo quy định. Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu công khai hơn với các thủ tục "Nhận hồ sơ; Xét tuyển; Công bố kết quả; Làm thủ tục nhập học” NV2 từ 15-8, trước thời gian quy định nhận hồ sơ của Bộ tới 10 ngày. ĐH Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh thì sáng tạo ra NV1B ưu tiên dành cho những thí sinh rớt NV1 nhưng có điểm cao được xét NV2 vào trường. Nếu thí trúng tuyển NV1B có nhu cầu học lại ngành đã đăng ký, thì hết học kỳ I năm thứ nhất sẽ đăng ký thêm ngành, ra trường sẽ có 2 bằng ĐH.
Một số trường ĐH khác được đánh giá nằm trong nhóm có nhiều nguy cơ đóng cửa ngành thì tung ra hàng loạt các chiêu quảng cáo, tiếp thị nhằm thu hút thí sinh. Điển hình là ĐH Hà Hoa Tiên, ĐH dân lập Hải Phòng, ĐH Kinh tế - Tài chính TP. Hồ Chí Minh hoặc có tiềm lực như ĐH Dầu khí Việt Nam cũng đều áp dụng hình thức tặng tiền cho thí sinh điểm cao đăng ký vào NV2, tặng học bổng toàn phần hoặc bán phần, miễn học phí nhiều năm hoặc 1 năm, ưu tiên KTX, giảm 30-40% học phí v.v... ĐH Thái Bình Dương (Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) còn chơi "trội” với hình thức tặng tiền mặt cho các thí sinh nộp hồ sơ vào trường, trả tiền môi giới thí sinh cho các trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên. Đại học Đông Á còn đăng trên website nhà trường sẽ cộng nửa điểm cho thí sinh nộp hồ sơ NV2 sớm.
Mặc dù các trường thiếu thí sinh đã làm đủ mọi hình thức thu hút, nhưng xem ra hiệu quả lại không mấy khả quan. Một phần, do thương hiệu nhà trường chưa đủ mạnh để thu hút thí sinh, một phần nữa, tâm lý "tiền nào, vải ấy” đã khiến các trường càng quảng cáo, càng vắng thí sinh. Bức tranh tuyển NV2, NV3 năm nay lại càng thêm phần căng thẳng khi các trường "lên cót” cuộc chạy đua giành giật vớt thí sinh về số lượng, mà yếu tố chất lượng dường như đã bị xem nhẹ đi rất nhiều.
Theo Hoàng Anh Thắng
(daidoanket)