Thứ hai, 7/1/2013, 14h01

Nâng tầm ngành triết học Việt Nam

Thí sinh thi vào ngành triết học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM năm 2012

Chất lượng giảng dạy và nghiên cứu triết học ở Việt Nam thời gian qua đã được nâng lên đáng kể, nhưng để hội nhập cần có những chuyển biến mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, hiện hoạt động giảng dạy triết học nước ta còn lạc hậu so với thế giới…
Chưa theo kịp thế giới
TS. Trần Quang Thái (Khoa Giáo dục chính trị, Trường ĐH Đồng Tháp) nhận định, chất lượng giảng dạy và nghiên cứu triết học Mác - Lênin ở Việt Nam thời gian qua đã được nâng lên một bước, bắt đầu hướng đến hợp tác, hội nhập với cộng đồng triết học thế giới. Cụ thể hơn, trong chương trình đào tạo ĐH và sau ĐH ngành này, thời lượng dành cho lịch sử triết học, các vấn đề triết học được gia tăng. Một số cơ sở đã triển khai đào tạo trình độ tiến sĩ chuyên ngành lịch sử triết học, triết học trong khoa học tự nhiên. Trình độ đội ngũ giảng viên nâng cao rõ rệt, đa số đạt thạc sĩ trở lên, số lượng giáo sư và phó giáo sư cũng tăng.
Dù vậy, theo TS. Trần Quang Thái, vấn đề hội nhập thế giới đối với giảng dạy và nghiên cứu triết học ở nước ta còn nhiều chông gai. Vì nhiều lý do, việc nghiên cứu và giảng dạy triết học thiếu gắn kết, chưa tạo mối tương tác mạnh mẽ với triết học thế giới. “Chúng ta thường không nắm bắt kịp các vấn đề mà giới triết học thế giới đã giải quyết hoặc đang quan tâm tập trung giải quyết nhất là ở lĩnh vực triết học gắn với các khoa học cụ thể (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn) hay với các vấn đề thực tiễn mới nảy sinh (triết học môi trường sinh thái, đạo đức sinh học, triết học mạng máy tính…)”, TS. Trần Quang Thái đánh giá.
Thực tế, có một sự chênh lệch rất lớn giữa đào tạo triết học ở nước ta với thế giới. Không chỉ ở bậc ĐH, chương trình đào tạo sau ĐH ngành triết học ở nước ta cũng chưa có tính tương thông với thế giới, gây cản trở việc hội nhập. Ngoài ra, giới triết học ở nước ta có trình độ tri thức bài bản, chuyên sâu về triết học Mác - Lênin nói chung song lại thiếu chuyên gia theo từng lĩnh vực nghiên cứu hẹp. Chúng ta cũng chưa có nhiều nhóm nghiên cứu mạnh theo từng chuyên ngành hẹp của triết học, ngay cả đối với triết học Mác - Lênin. Sách báo, tài liệu triết học thế giới chưa được phổ biến rộng rãi ở nước ta gây khó cho việc theo kịp những chuyển biến của tình hình triết học thế giới.
Từng bước hội nhập
Bước đầu tiên của hội nhập, theo TS. Trần Quang Thái là nâng cao năng lực ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh cho đội ngũ này. Điều này là hợp lý khi mà phần lớn các ấn phẩm triết học, tạp chí, kỷ yếu sử dụng tiếng Anh. Các diễn đàn, hội thảo, hội nghị triết học quốc tế cũng vậy. Để đảm bảo chương trình đào tạo triết học tương thông với thế giới, cần thiết kế bổ sung các chuyên đề, môn học về các vấn đề triết học hiện đại, triết học trong các khoa học cụ thể, triết học mới nảy sinh từ thực tiễn, các vấn đề lịch sử triết học theo hướng cập nhật và chuyên sâu. Đồng thời, cần xây dựng kho dữ liệu triết học phong phú đầu sách, tạp chí được cập nhật thường xuyên. Xây dựng cả thư viện triết học điện tử kết nối với các trung tâm triết học lớn ở khu vực và thế giới, các nhà xuất bản có uy tín trong lĩnh vực này.
Song song đó, cần thành lập cả các nhóm nghiên cứu đi sâu vào những chuyên ngành hẹp của triết học như: Bản thể luận, nhận thức luận, logic học, đạo đức học… Đặc biệt, có thể mời các cá nhân hay tổ chức nước ngoài có uy tín để giảng dạy chuyên đề, môn học hoặc hướng dẫn cao học, nghiên cứu sinh, trao đổi học giả, sinh viên chuyên ngành triết học. Có thể viết bài gửi đăng ở những tạp chí triết học, các hội thảo quốc tế và khu vực. Tuy nhiên, bài viết để đạt chất lượng cần đầu tư thời gian và công sức xứng đáng, đáp ứng được yêu cầu của tạp chí. Được biết, mỗi tháng diễn ra khoảng 10 hội nghị về triết học ở khu vực và thế giới, đây là cơ hội thuận lợi cho việc hội nhập của triết học nước ta.
Bài, ảnh: Mê Tâm
TS. Trần Quang Thái nhận định: “Chúng ta thường không nắm bắt kịp các vấn đề mà giới triết học thế giới đã giải quyết hoặc đang quan tâm tập trung giải quyết, nhất là ở lĩnh vực triết học gắn với các khoa học cụ thể (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn) hay với các vấn đề thực tiễn mới nảy sinh như triết học môi trường sinh thái, đạo đức sinh học, triết học mạng máy tính”…