Thứ bảy, 9/8/2014, 14h08

Thay đổi chính sách để thúc đẩy kinh tế giàu sức cạnh tranh

Sau hai ngày làm việc (từ ngày 7-8/8), Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư đã kết thúc.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định bối cảnh trong và ngoài nước đang đặt ra thách thức lớn cho Việt Nam phải có những đổi mới mạnh mẽ để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và một trong những đổi mới đó là thay đổi các cơ chế, chính sách để thúc đẩy nền kinh tế giàu sức cạnh tranh hơn khi hội nhập kinh tế thế giới. Đó là phải thay đổi tư duy làm kế hoạch, cần có chiến lược đầu tư trung hạn thay vì manh mún hàng năm như trước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Với Luật Đầu tư công mới được thông qua, khi áp dụng sẽ thay đổi rất nhiều cách làm kế hoạch, đầu tư so với trước. Cụ thể sẽ chuyển xây dựng kế hoạch hàng năm sang 5 năm, việc đầu tư công cũng phải gắn với kế hoạch này.

Thủ tướng Chính phủ hiện đã ban hành hai chỉ thị quan trọng về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và lập kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm 2016-2020. Vấn đề còn lại là phải triển khai sâu rộng để các chỉ thị này có hiệu quả cao trong thực tiễn chứ không phải xây dựng kế hoạch 5 năm rồi để đó, hằng năm xin vốn đầu tư không liên quan gì tới kế hoạch 5 năm.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh: “Việc phải chuyển sang dài hạn là tất yếu, thế giới người ta làm lâu rồi, Việt Nam từ lúc thành lập nước đến nay giờ mới làm, vì vậy sẽ có những bỡ ngỡ, cần phải quán triệt, tạo thống nhất mạnh mẽ trong triển khai. Chúng ta đã thấy rõ, một công trình phải mất 5-0 năm nhưng lại bố trí vốn hằng năm, sau mỗi năm lại xin vốn rồi chờ có cân đối, bố trí được không, điều này khiến nhiều dự án chậm trễ, dàn trải, manh mún, kém hiệu quả.”

Cũng theo Bộ Trưởng Bùi Quang Vinh, để triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2016-2020), nhằm hoàn thành được các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng về Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020 đã đề ra, trước hết, cần phải đánh giá đầy đủ, toàn diện tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011-2015).

Trong giai đoạn này, bên cạnh kết quả đạt được, còn nhiều khó khăn, thách thức, như kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc, tăng trưởng kinh tế thấp hơn 5 năm trước đó, không đạt chỉ tiêu đề ra, tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội, cho biết Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến và ban hành nhiều đạo Luật, trong đó có hai luật rất quan trọng do Bộ kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì soạn thảo đã được Quốc hội thông qua là Luật Đầu tư công và Luật Đấu thầu.

Đây là những đạo luật rất quan trọng, không chỉ góp phần vào tiến trình cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với quy luật thị trường, đóng góp vai trò quan trọng trong việc quản lý nguồn vốn đầu tư công và các nguồn lực khác của đất nước.

Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành Hà Nội, góp ý nguồn lực từ xã hội rất lớn cần phải được huy động vào đầu tư, nhưng muốn làm được thế thì cần thống nhất chính sách, phương thức và có cơ chế minh bạch.

Hai vấn đề cần phải làm sớm để tạo sức hút cho nguồn lực bên ngoài đầu tư phát triển kinh tế xã hội đó là chính sách đất đai và giá thuê đất. Rất nhiều dự án không làm được không phải vì thiếu vốn mà vì không thống nhất được vấn đề bồi thường, không có mặt bằng.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng Trần Văn Sơn, tại thành phố Đà Nẵng, đầu tư công trong những năm qua chủ yếu tập trung phát triển kết cấu hạ tầng; thời điểm thấp nhất như năm 2014 đã là 5.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ở thời điểm có nhiều nguồn lực thì hiệu quả đầu tư vẫn chưa đạt được như mong muốn do kế hoạch đầu tư theo từng năm, chưa có tầm nhìn và kiểm soát vốn đầu tư.

Đầu tư theo kế hoạch từng năm dẫn đến việc địa phương tự chọn dự án, đầu tư nhỏ lẻ, chắp vá. Với Luật Đầu tư công và nghị định của Chính phủ về lập kế hoạch đầu tư trung hạn sẽ có tác động lớn đến kinh tế địa phương.

Từ kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giúp địa phương có được và chuẩn bị được nguồn vốn lớn đầu tư tập trung vào những dự án phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương có tính chiến lược lâu dài, ổn định phát triển bền vững./.

Văn Sơn

(TTXVN/Vietnam+)