Thứ hai, 21/7/2014, 10h07

Giáo dục phổ thông Việt Nam: 12 năm hay 11 năm?: Việc cần làm là soạn lại chương trình

Xung quanh vấn đề hệ thống giáo dục (GD) Việt Nam nên giữ nguyên chương trình học phổ thông 12 năm hay giảm bớt 1 năm đã có nhiều ý kiến bàn luận. Xu hướng chung là 12 năm. Cá nhân tôi cũng đồng ý như vậy và xin được trao đổi thêm.
Năm 1975 trở về trước, mọi hoạt động của hai miền nước ta đều có sự khác khau. Ở đây chúng tôi chỉ xin nói riêng về lĩnh vực GD ở miền Bắc. Năm 1945 trở đi là thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ. Chương trình GD hồi ấy có một giai đoạn 9 năm. Qua mấy lần chuyển hướng GD (để tương xứng với sự phát triển của cách mạng Việt Nam) rồi thực hiện chương trình 10 năm. Đấy là chưa tính 1 năm học “vỡ lòng” (lúc bấy giờ chưa đặt trong hệ thống GD phổ thông). Vậy thực tế là 10 năm - 11 năm. Đến khi nước nhà thống nhất thì toàn quốc cũng thống nhất chương trình học phổ thông là 12 năm (trong đó lớp 1 là lớp “vỡ lòng” trước kia). Chúng tôi nghĩ tất cả đều rất phù hợp với từng thời kỳ lịch sử. Cách mạng dân tộc dân chủ được thực hiện khi trình độ dân trí còn thấp, khoa học kỹ thuật - công nghệ thông tin chưa bùng nổ, trình độ ngoại ngữ chưa yêu cầu cao như bây giờ. Hiện nay nước ta đang tích cực hội nhập quốc tế, cần phải có chương trình học phổ thông là 12 năm như nhiều nước trên thế giới mới mong khỏi tụt hậu. Chúng ta đừng nghĩ giảm bớt 1 năm học phổ thông là có lợi về kinh tế. Lợi bất cập hại là điều rất có thể xảy ra. Theo chúng tôi: Vấn đề quan trọng cần đổi mới GD nước nhà nên chăng tham khảo mô hình GD của nước Đức. Ở đó, người ta phân hóa trình độ năng lực học sinh từ cấp học THCS thành 3 bậc: Giỏi (trong đó có cả xuất sắc) - khá - trung bình (yếu kém cũng có nhưng với tỷ lệ rất thấp). Tất cả đều được học lên THPT, sau khi ra trường sẽ được học ĐH-CĐ, hay học nghề là do kết quả của quá trình học tập quyết định. Học sinh giỏi suốt 12 năm học, sau khi tốt nghiệp THPT sẽ được tuyển thẳng vào ĐH (tốp dưới thì học CĐ hoặc học nghề). Học sinh được học trường nào, ngành nghề gì có được giải quyết theo nguyện vọng nhưng chủ yếu là lấy học bạ và điểm thi tốt nghiệp cuối cấp làm căn cứ để xét tuyển. Như vậy giảm được một kỳ thi, đỡ tốn kém cho ngân sách Nhà nước cũng như nhân dân có con em theo học. Cách đây 10 năm, có một số ý kiến đề nghị “nên bỏ kỳ thi ĐH” đã được đăng trên Báo Giáo dục TP.HCM. Thời gian chờ đợi ngần ấy năm, gần đây Quốc hội bắt đầu xem xét kế hoạch của Bộ GD-ĐT đề nghị: Năm 2016 trở đi, hằng năm chỉ tổ chức một kỳ thi quốc gia chung với hai mục đích: Xét tốt nghiệp THPT và là căn cứ để tuyển sinh ĐH-CĐ, đào tạo nghề.
Tất cả mọi sự cách tân đều cần có thời gian chuẩn bị chu đáo chứ không nên nóng vội. Nếu như đến năm 2016 tiến hành kế hoạch nêu trên e có phần gấp gáp. Ngành GD đã rút được nhiều kinh nghiệm qua mấy lần cải cách GD. Chúng tôi nghĩ việc cần làm trước hết để đi đến thành công là vấn đề soạn lại chương trình và thay sách giáo khoa sao cho phù hợp với yêu cầu đổi mới cơ bản toàn diện GD-ĐT theo nghị quyết Trung ương rồi hãy tiến hành “nhất nguyên hóa” theo kế hoạch đã ấn định (chỉ tổ chức một kỳ thi chung).
Đinh Quang Thúy (471/16B Phạm Văn Bạch, Q.Tân Bình, TP.HCM)