Thứ hai, 7/3/2011, 11h03

Hai hiệu trưởng chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới

Trò chơi tập thể như thế này chỉ cần tổng phụ trách Đội tổ chức là được, không cần hiệu trưởng đứng ra lo. Ảnh: T.Tri
Chủ đề năm học 2010-2011 là “Đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện”. Chúng ta cần hiểu rõ mục tiêu lớn mà Bộ GD-ĐT đề ra: Phải mạnh dạn thay đổi từ nhận thức, suy nghĩ và những cách làm cũ đã lỗi thời, không còn phù hợp với mục tiêu giáo dục toàn diện con người trong một bộ phận những người làm công tác quản lý.
Muốn giáo dục phát triển, trước hết cần thay đổi cách quản lý, thậm chí thay đổi cả những người quản lý (hiệu trưởng) không có chất lượng, không làm cho giáo dục phát triển. Bởi vì, người hiệu trưởng như một đầu tàu, mà xe không có đầu tàu thì sẽ không chạy được. Do đó, đổi mới công tác quản lý là đổi mới nhận thức của hiệu trưởng để cả “đoàn tàu” của cơ quan mình chạy nhanh, chạy có hiệu quả mà không bị ngừng trệ bởi chính đầu tàu quá cũ, quá bảo thủ và luôn mang ý nghĩ trong đầu chỉ với một động từ “sợ”: sợ trách nhiệm, sợ liên lụy… nên cứ một mình làm như ông hiệu trưởng A hay như kiểu làm “lè phè” của ông hiệu trưởng B.
1. Đối với hiệu trưởng A: Qua cách thể hiện của ông, tôi có thể kết luận rằng: ông mang trong người căn bệnh “sợ giao việc”. Ông A chẳng khác nào “một bà nội trợ đảm đang” làm hết mọi việc lớn nhỏ trong gia đình. Việc nhỏ ông cũng không dám giao cho các bộ phận, cho những “thuộc hạ” của mình mà lại nhúng tay vào làm hết, làm tất tần tật thì chính ông đã tự “thêm việc” cho mình. Vô tình ông lại tạo ra cho đồng nghiệp trong trường một căn bệnh khác là “ỷ lại”. Mọi thành viên trong trường đã được dịp để ỷ lại, không phải suy nghĩ, không cần đầu tư cho từng công việc chung trong trường, vì họ đang “sở hữu” một vị hiệu trưởng quá tốt rồi! Do vậy, họ đã “yên tâm” rảnh tay để làm việc khác. Hãy xem lại tình huống đã nêu, “ngay cả việc xếp hàng chào cờ đầu tuần, ông cũng đứng ra hò hét đốc thúc từng lớp chỉnh đốn hàng ngũ”. Việc này, tôi nghĩ đâu phải là việc làm của ông mà là của tổng phụ trách, của những thầy cô giáo trực tuần (theo một số trường), phải chăng ông đã vô tình “giẫm chân” lên đồng nghiệp của mình? Rồi đến việc thi thố văn nghệ, thể thao… cũng lại có mặt ông để đạo diễn, thiết kế. Nói chung, có việc là có mặt của ông và ông đã làm hết. Như vậy, cái đầu tàu này xem ra chạy tốt nhưng cả đoàn tàu lại “ì à ì ạch” mỗi khi ông không có mặt để làm việc như tình huống của đề đã nêu - “khi nào vì lý do nào đó ông không có mặt là mọi chuyện lại rối tung”. Có thể “kết tội” cho ông hiệu trưởng này “cố ý tạo ra tình trạng làm việc lè phè cho nhân viên của mình”. Sự thật hiển nhiên là vậy, họ đã quá quen với kiểu làm của ông là chẳng giao việc cụ thể cho ai thực hiện nên khi vắng ông, họ đâu biết làm thế nào cho đúng, cho hợp lý và chuyện rối tung là điều không tránh khỏi. Vả lại, lúc đó ai cũng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau “Không phải việc tôi. Việc của thầy hiệu trưởng mà!”. Và các bạn nghĩ xem, cách quản lý này của hiệu trưởng A có làm cho trường phát triển tốt hơn không?
2. Đối với hiệu trưởng B: Phong cách lãnh đạo của ông này hoàn toàn trái ngược với hiệu trưởng A. Ông không nhúng tay vào làm mà là “giao việc hoàn toàn” cho từng bộ phận thực hiện để ông có thời gian rảnh rỗi “ung dung ngồi uống nước trong phòng” đến khi giới thiệu danh xưng mới thủng thẳng bước ra… Như vậy, ông quá quan liêu, cách điều hành chẳng khác nào như cách điều hành của “một ông chủ” mướn đầy tớ về để làm việc cho mình. Ngoài ra, ông cũng không quan tâm một cách sâu sát việc làm đó có hiệu quả hay không, nhân viên làm có khó khăn, vướng mắc gì để kịp thời điều chỉnh, sửa chữa. Ông chỉ biết nghe báo cáo của từng bộ phận quản lý. Quả là một cách làm quan liêu trong một thế giới đầy năng động như hiện nay. Ngôi trường tốt thì không có bóng dáng của những người quản lý kiểu ấy.
Với những phân tích của cá nhân tôi qua tình huống giáo dục mà đề đã nêu, tôi cho rằng cả hai vị hiệu trưởng này đều chưa đáp ứng được yêu cầu của chủ đề năm học “Đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện”.
Nguyễn Phi Ngọc
(GV Trường THCS Nguyễn Du, Gò Vấp, TP.HCM)