Thứ sáu, 17/2/2012, 11h02

Công tác HS-SV năm 2012: Nhà trường phải gắn kết với địa phương

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM trao bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong học kỳ I

Biểu dương thành tích đã đạt được; phát huy các mô hình giáo dục hiệu quả đồng thời khắc phục những hạn chế trong công tác học sinh, sinh viên (HS-SV) là nội dung mà các đại biểu tham dự Hội nghị sơ kết công tác HS-SV học kỳ I năm học 2011-2012 đưa ra thảo luận sáng 16-2.
Nhiều sáng tạo
Hưởng ứng phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực” và chủ đề năm học “Năm tiếp tục thực hiện đổi mới toàn diện nhà trường, hoàn thành phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi”, các đơn vị trường học tại TP.HCM đã thực hiện có hiệu quả nhiều hoạt động thi đua. Trong đó, mảng hoạt động ngoại khóa, thực hành được các trường tích cực đẩy mạnh tạo nên sự đa dạng, phong phú, mang nét đặc trưng riêng của từng đơn vị. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn ngành ngày càng cụ thể hóa và đi vào chiều sâu. Nhiều trường đưa ra hình thức tổ chức hấp dẫn, tác động tích cực tới đội ngũ giáo viên (GV) và HS.
Cô Huỳnh Thị Bé Ren, trợ lý thanh niên Trường THPT Trần Khai Nguyên, cho biết: Nhà trường đã đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thông qua việc xây dựng “Bảo tàng Hồ Chí Minh” và “Tủ sách mini về Bác”. Theo đó, nhà trường kêu gọi toàn thể GV và HS cùng tham gia sưu tầm, ủng hộ sách để làm phong phú nguồn tư liệu. Đồng thời tổ chức thi thiết kế kỷ vật về Bác để đóng góp cho bảo tàng và tủ sách. “Trường còn có đội ngũ thuyết minh không chuyên trực tiếp diễn giải cho các bạn HS và khách tham quan về những chặng đường đáng nhớ trong tiến trình hoạt động cách mạng của Bác. Sáng kiến này của nhà trường được Sở GD-ĐT TP.HCM và UBND Q.5 đánh giá cao. “Bảo tàng Hồ Chí Minh” sẽ là nơi để bạn trẻ tham gia học tập ngoại khóa. Đến đây, các bạn có thể tìm được những tài liệu có giá trị về Người”, cô Ren khẳng định.
Trong khi đó, Trường THCS Ngô Mây (Q.Phú Nhuận) lại có nhiều thuận lợi trong quá trình phòng chống tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung không lành mạnh đối với HS thông qua mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các cơ quan chức năng. Ban giám hiệu thường tổ chức cho HS toàn trường tham gia các hội thi nói về tác hại của game online bạo lực, lồng ghép nội dung giáo dục vào môn GDCD, nhắc nhở GV về trách nhiệm và vai trò của mình đối với HS… “Nhờ đó, số HS chơi game online của trường ngày một giảm xuống. Thay vào đó, các em đã tích cực hơn trong các hoạt động ngoại khóa cũng như tăng cường tự học, tự rèn luyện ở nhà”, đại diện trường này cho biết.
Trong học kỳ I vừa qua, hơn 6.000 HS các trường THPT, trung tâm GDTX tại TP.HCM cũng đã được tham gia Hội trại truyền thống 9-1 lần thứ VI và Liên hoan HS THPT làm theo lời Bác. Những hoạt động vui chơi bổ ích trong dịp này đã mang lại cho các em rất nhiều trải nghiệm thật sự ý nghĩa. Tuy nhiên, vẫn có 35 trường THPT ngoài công lập và 4 trung tâm GDTX không cử HS đi tham dự hai hoạt động trên. Ông Trần Văn Việt, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Phú - cụm trưởng cụm 4 (các trường thuộc quận 6, 11, Bình Tân và huyện Bình Chánh), cho hay: “Việc huy động kinh phí để tổ chức hội trại còn nhiều khó khăn vì hiệu trưởng các trường ngoài công lập không nắm quyền quyết định. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều trường ngoài công lập không tham gia hội trại”.
Đẩy mạnh hoạt động ngoại khóa

Học sinh THPT TP.HCM tham gia hội trại 9-1 năm học 2011-2012

Tăng cường các hoạt động ngoại khóa giúp HS phát triển kỹ năng, rèn luyện lối sống đẹp là nhiệm vụ trọng tâm được hội nghị đề ra trong thời gian tới. Chuỗi hoạt động này sẽ được các trường linh động tổ chức trong những giờ sinh hoạt dưới cờ, ngày lễ tết.
Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác HS-SV (Sở GD-ĐT TP.HCM), nhắc nhở các trường trong việc liên kết với doanh nghiệp tổ chức hoạt động cho HS: “Hầu hết các hoạt động này đều mang tính chất quảng bá thương hiệu cho phía doanh nghiệp. Do đó, các trường cần thận trọng trong việc chọn lọc đối tượng, chương trình để không ảnh hưởng tới phụ huynh và HS. Nhằm đề phòng những trường hợp mạo danh, các trường nên yêu cầu các doanh nghiệp xuất trình văn bản chỉ đạo của lãnh đạo Sở GD-ĐT khi doanh nghiệp khẳng định có sự giới thiệu từ sở”.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đã biểu dương những hoạt động và thành tích mà các trường đạt được trong thời gian qua. Ông Sơn khẳng định, trong thời gian tới sẽ tổ chức hội nghị dành cho chủ tịch hội đồng quản trị các trường ngoài công lập trên địa bàn TP nhằm trao đổi và chấn chỉnh kịp thời những biểu hiện không hay từ các đơn vị này. Sở cũng sẽ rút giấy phép hoạt động đối với những trường ngoài công lập không đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu dạy và học hiện nay. Hướng tới “Năm An toàn giao thông 2012”, ông Sơn đề nghị các trường cần tổ chức nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền và thực hiện có hiệu quả công tác an toàn giao thông, đảm bảo tiêu chí “đi học an toàn” cho HS.
“Các trường phải gắn kết mọi hoạt động với chính quyền địa phương nhằm đảm bảo tính an toàn và phát huy hiệu quả của các công tác, hoạt động. Để nhà trường phát triển vững mạnh, mỗi đơn vị cần có một trợ lý thanh niên giỏi, nhiệt tình, làm việc trách nhiệm cùng một thủ trưởng biết quan tâm tới GV và HS. Do đó, trợ lý thanh niên các trường học cần tích cực, mạnh dạn hơn nữa để tham mưu, hiến kế cho hiệu trưởng, đưa trường phát triển toàn diện”, ông Sơn nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
“Để nhà trường phát triển vững mạnh, mỗi đơn vị cần có một trợ lý thanh niên giỏi, nhiệt tình, làm việc trách nhiệm cùng một thủ trưởng biết quan tâm tới GV và HS”, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.