Chủ nhật, 17/5/2015, 23h05

Khánh thành Tượng đài Bác

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự Lễ khánh thành Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890/ 19-5-2015), ngày 17-5, Thành ủy TP.HCM đã long trọng tổ chức Lễ khánh thành và báo cáo với Đảng bộ và nhân dân thành phố (TP) về hoàn thành Đề án xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tham dự buổi lễ có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí lão thành cách mạng và nhân dân TP.HCM...
Tượng đài được đặt ở vị trí trang trọng nhất
Được sự chấp thuận chủ trương cho TP.HCM xây dựng Tượng đài Bác Hồ tại trung tâm hành chính TP của Ban Bí thư TW Đảng khóa 11, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP đã chuẩn bị, tổ chức triển khai trong 4 năm (từ năm 2011 đến nay). Đặc biệt, từ tháng 5 đến tháng 8-2013, UBND TP.HCM đã phát động cuộc thi Sáng tác mẫu Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo đó đã có 32 mẫu phác thảo được UBND TP tổ chức trưng bày để lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân. Cuối cùng, mẫu phác thảo của nhà điêu khắc Lâm Quang Nới được chọn để thực hiện.
Ông Huỳnh Văn Mười - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, thành viên Hội đồng nghệ thuật công trình xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh - cho biết: “Hình tượng và độ tuổi của Bác trong mẫu tượng đài là giai đoạn từ năm 1960 đến 1969, trong đó thể hiện được sự tươi vui, trìu mến, dung dị, gần gũi thân thương và tình cảm của Bác Hồ đối với miền Nam ruột thịt; khắc họa chân thực thần thái, vóc dáng, phong cách của Người; làm toát lên vẻ đẹp tinh thần, nhân cách cao cả, thể hiện được tầm vóc của vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam”.
Tượng đài được đặt tại Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước trụ sở HĐND, UBND TP.HCM. “Nơi có vị trí trang trọng nhất, đẹp nhất và thuận lợi để nhân dân TP đến báo công với Bác; nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế đến viếng, chiêm ngưỡng chân dung của Người khi đến TP.HCM”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải nhấn mạnh.
Tượng đài Bác được làm bằng hợp kim đồng, cao 7,2m (tượng cao 4,5m, bệ tượng cao 2,7m). Bệ tượng đài là khối đá tảng đặc, màu xám đen, bền chắc, nguyên vẹn đẹp, có xuất xứ trong nước. Cùng với việc triển khai xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, UBND TP cũng đã thực hiện dự án nâng cấp, sửa chữa đường Nguyễn Huệ. Theo đó, toàn bộ trục đường trở thành quảng trường, phố đi bộ, tạo không gian đẹp trước khuôn viên tượng đài, để tôn vinh công trình Tượng đài Bác Hồ.
“Đây là một công trình không chỉ Đảng bộ, chính quyền mà cả nhân dân TP.HCM mong mỏi, ấp ủ trong suốt 40 năm qua, sau khi đất nước thống nhất và cũng bằng ấy thời gian TP này vinh dự được mang tên Người. Công trình là cách cán bộ và nhân dân TP thể hiện lòng tôn kính, biết ơn và tự hào về cuộc đời, sự nghiệp, những cống hiến to lớn có ý nghĩa thời đại sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh...”, ông Nguyễn Hữu Tuấn - cán bộ hưu trí Q.1, TP.HCM - xúc động nói.
Bác đã về với nhân dân TP.HCM
Dưới tượng đài của Bác, đồng chí Lê Thanh Hải xúc động ôn lại những tình cảm thương yêu vô bờ bến lúc sinh thời Bác dành cho đồng bào miền Nam ruột thịt, cũng như tình cảm yêu quý, biết ơn và sự tôn kính của các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân TP đối với Bác. Đồng chí nhấn mạnh: “Trên từng bước đường kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong mỗi chiến công, mọi thành quả của TP đều có ngọn nguồn sức mạnh vô biên, chỗ dựa tinh thần vững chắc, soi đường, chỉ lối, vẫy gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đảng bộ và nhân dân TP mãi mãi ghi tạc công ơn trời biển của Người; luôn ước ao được đón Bác để thỏa lòng kính yêu nhưng Bác chưa kịp về thăm lại đồng bào miền Nam, như Người đã trải lòng thương nhớ: “Bác thì đã đi đến nơi rồi, nhưng Bác chưa về đến chốn”. Nỗi niềm ấy từ tấm lòng thương yêu vô hạn của Bác với đồng bào miền Nam trở thành khát vọng và trách nhiệm của Đảng bộ và nhân dân TP, trong đó có ước muốn tha thiết được xây dựng Tượng đài Bác giữa lòng TP để được gần Người hơn”.
Và từ nay, khi Tượng đài Bác được khánh thành cũng giống như Bác đã trở về với nhân dân TP.HCM nói riêng và nhân dân miền Nam nói chung. “Công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP.HCM là ước nguyện thiêng liêng của Đảng bộ, của đồng chí, đồng bào TP. Công trình hoàn thành tại đây, như Bác sẽ luôn hiện diện bên ta, nhắc nhở chúng ta, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên phải luôn giữ gìn phẩm chất, đạo đức cách mạng, học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, thật sự gương mẫu để giáo dục thế hệ trẻ noi theo, kế tục xứng đáng sự nghiệp vĩ đại của Bác”, ông Phan Minh Tánh - nguyên Phó bí thư Thành ủy TP.HCM xúc động nói.
Ra sức thi đua xây dựng TP

Tiết mục văn nghệ của thiếu nhi tại Lễ khánh thành và báo cáo với Đảng bộ và nhân dân thành phố về hoàn thành Đề án xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tại buổi lễ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt hoan nghênh Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP đã chủ động và tích cực triển khai xây dựng, hoàn thành công trình Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đúng vào dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Bác và 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
“Đối với miền Nam, đối với Sài Gòn, Bác Hồ luôn có tình cảm yêu thương đặc biệt sâu nặng. Trong trái tim Người luôn có một miền Nam thành đồng Tổ quốc, đi trước về sau; một Sài Gòn chan chứa tình yêu thương - nơi người đã cất bước ra đi tìm đường cứu nước và luôn cháy bỏng một khát vọng được trở lại Sài Gòn, thăm lại miền Nam. Bác nói: “Ở miền Nam, mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng, gộp nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại là thành nỗi đau khổ của tôi; miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi”...”, đồng chí Tổng Bí thư xúc động.
Theo đồng chí, công trình Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn thành với chất lượng cao về nội dung tư tưởng, kỹ thuật, mỹ thuật, như một biểu tượng cho niềm tin yêu, tình cảm kính trọng của nhân dân TP.HCM đối với Bác Hồ trong suốt chặng đường cách mạng vẻ vang vừa qua và mãi mãi mai sau. Đây là một công trình văn hóa có ý nghĩa chính trị, lịch sử và nhân văn sâu sắc của nhân dân TP.HCM, đồng bào Nam bộ và cũng là niềm vui chung của tất cả chúng ta.
Đồng chí cũng mong muốn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM sẽ làm tốt việc quản lý, giữ gìn và phát huy công trình Tượng đài Bác một cách hiệu quả, thiết thực, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc, tấm gương vĩ đại của Bác Hồ, nhất là đối với các thế hệ trẻ. Qua đó hun đúc lòng yêu nước, thương dân, tin Đảng, phát huy truyền thống kiên cường, vẻ vang của TP.HCM, của Việt Nam văn hiến và anh hùng...
Đồng chí Lê Thanh Hải trân trọng hứa: “Đảng bộ và nhân dân TP.HCM nguyện suốt đời học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chúng con xin hứa với Bác, vì cả nước, cùng cả nước, phấn đấu xây dựng, bảo vệ, phát triển TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình; lớp lớp cháu con của Người sẽ ra sức tận trung với nước, tận hiếu với dân, sắc son theo Đảng, vì Tổ quốc Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh...”.
Bài, ảnh: Hòa Triều