Thứ ba, 25/6/2013, 21h06

Kiến nghị ban hành Luật Nhà giáo

Ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - Cụm trưởng cụm thi đua vùng 7 - phát biểu tại hội nghị
Trong hai ngày 24 và 25-6, tại TP.Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị giao ban GD-ĐT 5  TP trực thuộc Trung ương lần thứ 3 năm học 2012-2013. Hội nghị đã ghi nhận những cố gắng và cách làm hay của các  TP trong thực hiện nhiệm vụ năm học.
Tiếp tục phát huy thành quả đạt được
Thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tính đến cuối năm 2012, TP.HCM đã công nhận 24/24 quận, huyện đạt chuẩn; Hải Phòng có 115/223 xã, phường hoàn thành phổ cập; Hà Nội có 13/29 quận, huyện hoàn thành; Cần Thơ có 31/85 xã, phường, thị trấn hoàn thành; Đà Nẵng có 3/7 quận, huyện được công nhận. Đối với lớp 1, tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi ra lớp đạt gần như tuyệt đối. Ở bậc trung học, nhiều hội nghị chuyên môn theo định hướng đổi mới công tác biên soạn đề kiểm tra được tổ chức trong năm học, góp phần thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học. Đặc biệt, phong trào HS nghiên cứu khoa học thu hút một lượng lớn HS tham gia.
Ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - Cụm trưởng cụm thi đua vùng 7 - nhấn mạnh: “Nhiều đề tài của HS thuộc 5  TP đã đạt giải cao tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho HS trung học do Bộ GD-ĐT tổ chức. Có 2 đề tài (1 của HS TP.HCM và 1 của HS Hà Nội) cùng đạt giải 4 tại cuộc thi Intel ISEF thế giới tổ chức tại Mỹ”.
Theo đánh giá, ngành GD-ĐT 5 TP đã có những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của giáo dục chuyên nghiệp như xây dựng và công bố chuẩn đầu ra, lập dự án đầu tư tăng cường cơ sở vật chất và giáo trình, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, gắn kết việc đào tạo với sử dụng nhân lực. Khuyến khích các trường gắn kết với các doanh nghiệp trong đào tạo. Ở lĩnh vực này TP.HCM có bước đột phá khi tăng cường các chương trình hợp tác quốc tế nhằm đưa chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội, góp phần làm tốt công tác phân luồng HS sau trung học…
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội - đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc nhiều năm liền dẫn đầu cả nước về số lượng và chất lượng HS đạt giải cấp quốc gia (năm học 2012-2013 đạt 130 giải); xây trường đạt chuẩn quốc gia (đạt hơn 32%/ tổng số 2.475 trường), giảm sĩ số HS/ lớp học ở bậc THPT. Ông Nguyễn Hữu Độ cho biết: “Hiện nay tại Hà Nội, sĩ số gần 50 HS/lớp. Chúng tôi phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt 40 HS/lớp. Ngoài ra, chúng tôi đang nghiên cứu xây dựng mô hình trường chất lượng cao, vấn đề cần tháo gỡ là tìm cơ chế cho hoạt động của trường”…
Đà Nẵng ngoài việc tiếp tục có HS đứng đầu cả nước trong cuộc thi viết thư quốc tế UPU, HS đạt hạng cao trong kỳ thi Đường lên đỉnh Olympia… một thành quả khác là duy trì sĩ số. Cụ thể, năm học vừa qua chỉ có 94 HS bỏ học. Ông Lê Trung Chinh - Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng - cho biết: “Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành chỉ thị yêu cầu các sở/ngành phải tham gia hỗ trợ ngành giáo dục, những HS khó khăn được giúp đỡ, tạo điều kiện học tập. HS yếu được nhà trường bồi dưỡng để không em nào bỏ học. Muốn vậy, chúng tôi tập trung nâng cao chuyên môn và đạo đức cho đội ngũ thầy cô giáo để họ coi HS như con em của mình, khắc phục tình trạng dạy thêm học thêm”. Đà Nẵng cũng là đơn vị đi đầu cả nước trong việc triển khai chương trình dạy bơi cho HS. Ông Lê Trung Chinh nhấn mạnh: “Ngành GD-ĐT phối hợp các sở/ngành và các trường xây dựng bể bơi. TP hỗ trợ chương trình này 50 tỷ đồng. Chúng tôi phấn đấu từ năm học 2013-2014, 100% HS phải biết bơi sau khi hoàn thành chương trình tiểu học”… Trong khi đó, ông Trần Trọng Khiếm - Giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ - chia sẻ: “Thời gian qua, ngành đã huy động hơn 4 tỷ đồng giúp HS khu vực khó khăn như trao học bổng, quần áo, gạo, tập sách. Số tiền không lớn nhưng là tấm lòng của các cán bộ, thầy cô giáo góp phần giúp nhiều HS có điều kiện đến trường…”.
Nâng tỷ lệ giáo viên dạy 2 buổi/ngày
Tại hội nghị, lãnh đạo ngành GD-ĐT 5 TP đã kiến nghị với Bộ GD-ĐT 16 vấn đề chung quanh công tác quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo đối với cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập. Trong đó, kiến nghị của ông Lê Hồng Sơn được nhiều đại biểu đồng tình: “Bộ GD-ĐT cần kiến nghị ban hành Luật Nhà giáo bởi không thể đánh đồng nhà giáo như viên chức, nhân viên các ngành khác. Tới nay chưa có thông tư hướng dẫn về nghị định 73 chung quanh công tác quản lý các trường có yếu tố nước ngoài. Bộ GD-ĐT cần thoáng hơn khi thực hiện nghị định bởi qui định các trường này chỉ được nhận từ 10% đến 20% HS là người Việt Nam thì rất nhiều gia đình sẽ phải đưa con ra nước ngoài học tập, rất lãng phí tiền bạc cũng như sẽ ảnh hưởng đến công tác thu hút các trường có yếu tố nước ngoài đến Việt Nam đầu tư...”.
Một số kiến nghị khác được các đại biểu tập trung thảo luận như: Bộ GD-ĐT cần ra văn bản hướng dẫn cụ thể về thực hiện thông tư 36 về phổ cập giáo dục đúng độ tuổi mức độ 2, bởi trong trường tiểu học không có biên chế giáo viên thể dục. Ông Lê Trung Chinh nêu thực trạng chung của các TP: Tình trạng tăng dân số cơ học khiến các trường trong khu vực nội ô quá tải, nhiều trường không thể duy trì học bán trú hoặc 2 buổi/ngày. Do đó ông đề xuất: “Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu nâng tỷ lệ giáo viên tiểu học dạy 2 buổi/ngày/lớp, tăng từ 1,5 lên 1,7 để đảm bảo chất lượng giáo dục. Với tỷ lệ này, Đà Nẵng thiếu gần 400 giáo viên, trong khi ĐH Đà Nẵng hằng năm chỉ đào tạo hơn 100 giáo viên tiểu học. Chúng tôi khắc phục bằng cách động viên SV tốt nghiệp ĐH sư phạm các khoa khác vào công tác tại trường tiểu học. Biện pháp này đã tháo gỡ khá hiệu quả bài toán thiếu giáo viên tiểu học”.
Bài, ảnh: Đan Phượng
“Tình trạng tăng dân số cơ học khiến các trường trong khu vực nội ô quá tải, nhiều trường không thể duy trì học bán trú hoặc 2 buổi/ngày”, ông Lê Trung Chinh nêu thực trạng chung của các TP.