Thứ ba, 13/1/2015, 21h01

Tập trung chăm lo Tết cho giáo viên

Bằng nhiều hình thức các trường đang cố gắng chăm lo Tết cho giáo viên. Ảnh: Cô Nghiêm Quế Nhi - lớp 4/2 Trường TH Phan Văn Trị, Q.1, TP.HCM đang giảng bài)
Còn hơn một tháng nữa, các trường học trên địa bàn TP.HCM sẽ nghỉ Tết. Và đây đang là thời điểm các thầy, cô giáo mong chờ tiền Tết và tiền thu nhập tăng thêm. Theo ghi nhận của chúng tôi thì năm nay các trường gặp không ít khó khăn trong việc chăm lo Tết cho giáo viên. Tuy vậy, các trường vẫn đang cố gắng để tất cả giáo viên đều có Tết…
Thu nhập tăng thêm… không tăng
Nhiều hiệu trưởng thừa nhận, năm nay tiền thu nhập tăng thêm cho cán bộ - giáo viên - nhân viên không những không tăng so với năm trước mà ở một số trường còn có xu hướng giảm. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do bắt đầu từ năm học 2014-2015, số tiền kết dư của các trường thay vì chia hết cho giáo viên như trước đây thì phải nộp vào kho bạc 40% để cải cách tiền lương cho năm tới. Ngoài ra, ở mỗi trường còn có những nguyên nhân riêng khiến cho khoản tiền này ngày càng thấp.
Cụ thể như ở Trường Mẫu giáo Sơn Ca 3, Q.11, do phần lớn là giáo viên có thâm niên nên ngân sách cấp cho trường chủ yếu là chi lương. Mặt khác, trường chỉ có hơn 300 học sinh nên các nguồn thu như học phí… không đáng là bao. Cô Nguyễn Thị Tám - Hiệu trưởng nhà trường - khẳng định: “Tiền thu nhập tăng thêm năm nay khoảng 4,8 triệu đồng/người, thấp hơn năm trước”.
Cô Tám cũng cho biết thêm, ở những trường có quy mô trung bình như Trường Mẫu giáo Sơn Ca 3 thì thu nhập tăng thêm năm 2014 chỉ khoảng trên dưới 5 triệu đồng/người.
Mức thu nhập tăng thêm của giáo viên Trường Tiểu học Phan Văn Trị, Q.1 có khá hơn, khoảng 9-10 triệu đồng/người. Tuy nhiên, so với những năm trước thì có phần khiêm tốn. Ngoài nguyên nhân phải trích lại 40% cải cách tiền lương từ số tiền kết dư cuối năm thì năm nay nguồn thu từ việc cho thuê mặt bằng cũng giảm mạnh. “Trước đây có một trung tâm bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ thuê phòng để dạy học buổi tối nên ngoài tiền cho thuê mặt bằng còn có tiền từ bãi giữ xe cho học viên. Nhưng năm nay, trung tâm không thuê nữa, do vậy trường mất luôn cả 2 nguồn thu”, thầy Nguyễn Văn Thình - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết.
Tương tự, năm nay những khoản thu từ việc cho thuê mặt bằng của Trường THPT Bùi Thị Xuân cũng bị cắt giảm. Do đó cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tiền thu nhập tăng thêm của giáo viên. Tuy vậy, so với nhiều trường thì cũng không phải là thấp, từ 9-13 triệu đồng/người. Trước đó, hàng tháng giáo viên đã nhận một khoản là 650 ngàn đồng.
Cô Vũ Thị Ngọc Dung - Hiệu trưởng nhà trường - giải thích: “Nhiều trường chia tiền thu nhập tăng thêm cho giáo viên vào cuối năm, cũng có trường chia theo học kỳ, theo quý nhưng Trường THPT Bùi Thị Xuân thì chia theo tháng. Bởi vì không phải cuối năm giáo viên mới cần tiền…”.
Quan tâm đến giáo viên khó khăn
Lâu nay nhiều người vẫn nhầm lẫn tiền thu nhập tăng thêm là tiền thưởng Tết. Song, đúng như lời thầy Thình thì: “Số tiền này là do tiết kiệm tiền điện, tiền nước, văn phòng phẩm trong cả năm của cán bộ - giáo viên - nhân viên”. Và tùy theo điều kiện của mỗi trường mà có cách chia khoản tiền này khác nhau. Nhưng phần lớn là chia vào cuối năm. Bởi, ngành giáo dục không có tháng lương thứ 13, việc chia vào cuối năm là để giáo viên có tiền lo Tết cho gia đình.
Sở Lao động, Thương binh & Xã hội TP.HCM vừa công bố kế hoạch thưởng Tết năm 2015 của các doanh nghiệp trên địa bàn. Theo đó, đối với các doanh nghiệp hoạt động ngoài KCX-KCN, mức thưởng Tết cao nhất 400 triệu đồng, mức thưởng thấp nhất là 3,1 triệu đồng; các doanh nghiệp hoạt động trong KCX-KCN, mức thưởng Tết cao nhất 457 triệu đồng, thấp nhất là 2,8 triệu đồng.
Còn tiền Tết, thường thì mức thưởng của các trường từ 1-2 triệu đồng/người. Và mức thưởng này giữa biên chế và hợp đồng là như nhau. Chẳng hạn như ở Trường THPT Bùi Thị Xuân, theo quy chế chi tiêu nội bộ thì mức tiền Tết âm lịch năm nay là 2 triệu đồng/người. Ngoài ra, mỗi cán bộ - giáo viên - nhân viên còn được thưởng 1 triệu đồng cùng một phần quà khoảng 300 ngàn đồng. Riêng những giáo viên khó khăn, nhà trường cũng có chế độ chăm sóc đặc biệt. Cụ thể với những người thuộc diện hợp đồng thay vì không có tiền thu nhập tăng thêm thì bằng nhiều nguồn Ban Giám hiệu trường cũng lo cho các đối tượng này 1 suất bằng 2/3 của những giáo viên biên chế. Bên cạnh đó, trường còn có quỹ tương trợ để chia sẻ gánh nặng với một nhân viên bị ung thư vú, một giáo viên có chồng bị ung thư máu…
Năm học 2014-2015, Trường Tiểu học Phan Văn Trị có 2 giáo viên mới chuyển về. Theo đó, thay vì chỉ được hưởng 4 tháng thu nhập tăng thêm (tính từ tháng 9 đến tháng 12) nhưng nhà trường đã cho hưởng 50% của 1 suất nguyên năm. Ngoài ra, bảo mẫu và nhân viên phục vụ - những trường hợp hợp đồng với trường (không hưởng lương ngân sách) được nhà trường chăm lo 2 triệu đồng/người. Đồng thời quỹ phúc lợi của trường cũng chăm lo cho mỗi cán bộ - giáo viên - nhân viên trên dưới 2 triệu đồng. Số tiền này mới thực sự là tiền Tết của giáo viên.
Cô Tám cũng cho biết: “Năm nay trường có 2 giáo sinh, theo quy định thì phải làm đủ một năm mới được hưởng tiền thu nhập tăng thêm nhưng nhà trường cũng hỗ trợ các cô một số tiền khoảng 1 triệu đồng/người. Thêm vào đó, sắp xếp cho các cô trực trước Tết để có thời gian về quê vì 2 cô này đều ở miền Trung”.
Về phía Công đoàn ngành giáo dục cũng đang đề nghị công đoàn cơ sở lập danh sách những giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ nhằm đảm bảo mọi người đều được hưởng một cái Tết đầm ấm, vui vẻ.
Bài, ảnh: Hòa Triều
Tại chương trình “Lắng nghe và trao đổi” tháng 1-2015 với chủ đề “Tết an vui cho mọi nhà” do HĐND và Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức, bà Lê Ngọc Đào - Phó giám đốc Sở Công thương TP - cho biết: TP đã chi trên 15 tỷ đồng (tăng gần 110% so với năm ngoái) để chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Ất Mùi 2015 cho người dân. Những mặt hàng thiết yếu như thịt, trứng, gạo, đường, dầu ăn, bánh kẹo… tăng sản lượng khoảng 60%. Về giá cả sẽ bình ổn trước và sau Tết một tháng, song song đó là các chương trình giảm giá - nhất là những ngày cận Tết. Hàng hóa bình ổn không chỉ bán trong các siêu thị lớn nhỏ mà còn được bán tại nhiều điểm, dự kiến sẽ có trên 340 đợt bán hàng lưu động để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, trong đó có công nhân ở KCX-KCN, người lao động nghèo ở khu nhà trọ và người dân ở vùng sâu vùng xa…