Năm nay, kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài 4 ngày. Với tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát chặt chẽ, dự kiến kỳ nghỉ lễ sẽ là dịp để người dân cả nước đi du lịch, về quê nghỉ dưỡng. Trong điều kiện hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn, kẹt xe, ùn ứ tại sân bay, bến cảng thường xuyên xảy ra vào dịp lễ tết, theo thông tin từ các ngành chức năng, hy vọng đi lại dịp lễ năm nay sẽ thông thoáng!
Vào các dịp nghỉ lễ lượng xe đổ về ĐBSCL rất đông
TPHCM: Đảm bảo nhu cầu đi lại
Ngày 28-4, Phó Giám đốc Bến xe miền Đông (TPHCM) Tạ Chương Chín cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại cũng như đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong dịp lễ 30-4 và 1-5, bến sẽ điều chỉnh biểu đồ xe chạy, tăng lượng phương tiện ở những tuyến có lưu lượng hành khách đi nhiều.
Dự báo từ tối 28 đến hết ngày 2-5 có khoảng trên 70.000 lượt khách đi lại thông qua bến, tăng 188% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 168% so với ngày thường. Do đó, bến sẽ theo dõi tình hình lưu lượng khách, phương tiện vận tải trên tuyến để có kế hoạch điều chỉnh phù hợp, tăng cường phục vụ các tuyến trọng điểm để giải tỏa khách. Đồng thời, tăng cường xe cho các tuyến đường thiếu xe do lượng khách tăng đột biến nhằm đảm bảo không ứ đọng khách tại bến.
Theo ông Chín, dịp lễ này giá cước sẽ tăng từ 20%-40%, tùy khu vực. Trong đó, khu vực từ Quảng Ngãi vào Bình Thuận, các tuyến thuộc khu vực Tây Nguyên và khu vực miền Tây điều chỉnh tăng không quá 40% giá vé so với ngày thường. Các tuyến đường khu vực Đồng Nai, Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước điều chỉnh giá vé tăng không quá 20% so với ngày thường. Các đơn vị vận tải không được chở quá số người quy định và không bán quá giá cước đã niêm yết, đăng ký kê khai theo quy định.
Còn đại diện Bến xe miền Tây (TPHCM) cho biết, dịp lễ 30-4 và 1-5, dự báo lượng hành khách tại bến tăng gấp 1,5-2 lần so với cùng kỳ năm 2020, cao điểm là ngày 29-4, lượng hành khách xuất bến có thể đạt mức từ 35.000-38.000 khách/ngày. Bến xe cũng có kế hoạch tăng biểu đồ chạy xe, tăng quay vòng phương tiện trên tuyến, điều động phương tiện của tuyến ít khách sang tuyến đông khách nhằm đảm bảo cung ứng đủ xe, kịp thời giải tỏa khách trong dịp lễ. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cả 2 bến xe yêu cầu các đơn vị vận tải tuân thủ nghiêm ngặt công tác phòng chống dịch.
Sân bay Tân Sơn Nhất, dịp lễ dự báo lượng hành khách sẽ tăng đột biến, nhằm đáp ứng nhu cầu làm thủ tục nhanh chóng, đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết đã lắp thêm 5 máy soi chiếu, các máy này được chuyển từ ga quốc tế qua sảnh A (khu vực khách đi Vietnam Airlines Group, Bamboo Airlines, Vietravel Airlines). Trong đó, 3 máy và 3 cổng từ lắp ở tầng 1, 2 máy và 2 cổng từ bố trí tại đảo thủ tục H dưới tầng trệt sảnh A.
Sau khi thêm 5 máy, sảnh A ga quốc nội hiện có 19 máy, đáp ứng nhu cầu soi chiếu 2.400-2.500 khách/giờ. Cùng 11 máy đang có tại sảnh B (khách của Vietjet) phục vụ gần 1.600 khách/giờ, cơ bản khắc phục tình trạng ùn ứ tại các điểm soi chiếu, phục vụ hành khách tốt hơn trong cao điểm đi lại dịp 30-4 và 1-5.
Sau khi thêm 5 máy, sảnh A ga quốc nội hiện có 19 máy, đáp ứng nhu cầu soi chiếu 2.400-2.500 khách/giờ. Cùng 11 máy đang có tại sảnh B (khách của Vietjet) phục vụ gần 1.600 khách/giờ, cơ bản khắc phục tình trạng ùn ứ tại các điểm soi chiếu, phục vụ hành khách tốt hơn trong cao điểm đi lại dịp 30-4 và 1-5.
ĐBSCL: Chủ động điều tiết giao thông
Ngày 28-4, Thượng tá Văn Thế Thái, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Long An, cho biết, để đảm bảo trật tự, ATGT và tránh ùn tắc giao thông trong dịp lễ 30-4 và 1-5, đơn vị đã chủ động xây dựng phương án điều tiết giao thông trên các tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 50, quốc lộ N2, quốc lộ 62…
Theo đó, lực lượng CSGT tỉnh phối hợp với CSGT Công an TPHCM, Tiền Giang, Đồng Tháp… điều tiết giao thông từ xa, theo các hướng từ TPHCM qua quốc lộ N2 về Đồng Tháp và hướng quốc lộ 50 qua cầu Mỹ Lợi đi cầu Rạch Miễu, phà Rạch Miễu về Bến Tre và các tỉnh ĐBSCL.
Theo đó, lực lượng CSGT tỉnh phối hợp với CSGT Công an TPHCM, Tiền Giang, Đồng Tháp… điều tiết giao thông từ xa, theo các hướng từ TPHCM qua quốc lộ N2 về Đồng Tháp và hướng quốc lộ 50 qua cầu Mỹ Lợi đi cầu Rạch Miễu, phà Rạch Miễu về Bến Tre và các tỉnh ĐBSCL.
Qua đó, giảm tải trên quốc lộ 1 đoạn qua cầu Bến Lức, ngã ba Long Hiệp, ngã tư Long Kim (nút giao quốc lộ 1 và ĐT830) thuộc địa bàn Bến Lức (Long An). Ngoài ra, lực lượng CSGT tỉnh Long An đẩy mạnh tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT, phối hợp với Đội tuần tra CSGT cao tốc TPHCM – Trung Lương và lực lượng chức năng xử lý nhanh những vụ TNGT trên cao tốc, tránh ùn tắc kéo dài.
Tại Tiền Giang, Trung tá Lê Anh Tuấn, Đội trưởng Đội CSGT (Công an tỉnh Tiền Giang), cho biết, lực lượng CSGT tỉnh đã chuẩn bị mọi phương án phân luồng từ xa, cũng như kế hoạch điều tiết giao thông trước, trong, sau lễ 30-4 và 1-5; đồng thời phối hợp với CSGT các huyện, kể cả lực lượng giao thông công chánh để làm tốt nhiệm vụ.
Cụ thể, trên tuyến quốc lộ 1 qua tỉnh Tiền Giang, nhất là các điểm thường xảy ra ùn tắc giao thông; CSGT tỉnh đã bố trí lực lượng túc trực ở những nút giao thông như: cầu Rạch Miễu, vòng xoay Thân Cửu Nghĩa, ngã tư Lương Phú, một số cầu hẹp trên khu vực Cái Bè và cả tuyến quốc lộ 1 từ Long An hướng xuống miền Tây. Trường hợp xảy ra ùn tắc giao thông trên quốc lộ 1, đơn vị sẽ phối hợp với CSGT tỉnh Long An, CSGT tỉnh Vĩnh Long và CSGT tỉnh Đồng Tháp, Cục CSGT nhanh chóng phân luồng, đảm bảo người dân đi lại trong dịp lễ.
Chiều 28-4, ông Hà Ngọc Nam, Phó Giám đốc Công ty BOT cầu Rạch Miễu, cho biết, đơn vị chủ động phối hợp với các ngành chức năng ở Bến Tre, Tiền Giang… để lên kế hoạch sẵn sàng mọi phương án giảm ùn tắc giao thông trong dịp lễ 30-4 và 1-5.
Theo ông Hà Ngọc Nam, dự kiến các phương tiện lưu thông qua cầu Rạch Miễu sẽ tăng đột biến trong kỳ nghỉ lễ năm nay; do đó đơn vị sẽ lên phương án xả trạm thu phí BOT Rạch Miễu nếu có hiện tượng ùn tắc. Dự kiến, lượt xe đổ về sẽ đông, nếu xảy ra hiện tượng ùn tắc, đơn vị sẽ chấp hành hiệu lệnh của CSGT xả trạm, để giải phóng lượng xe bị ùn ứ cục bộ. Nếu xảy ra ùn tắc trên tuyến chính quốc lộ 60, đơn vị sẽ kết nối với kênh VOV giao thông, thông báo cho tài xế biết tình hình giao thông để chuyển hướng đi xuống phà tạm Rạch Miễu. Ngoài ra, đơn vị cũng đã triển khai thu phí không dừng cho 6 làn xe, nên dự đoán số lần xả trạm cũng sẽ ít hơn.
Ông Hà Ngọc Nam thông tin thêm, dự kiến ngày 30-4 lượng xe đổ về quê nghỉ lễ tăng, nhưng không bằng ngày 3-5, bởi ngày này người dân sẽ đồng loạt trở lại ngày làm việc.
Miền Bắc: Không lo thiếu phương tiện
Ngày 28-4, ông Lý Trường Sơn, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình, cho biết, kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày, do vậy nhu cầu của người dân đi lại sẽ tăng 30% so với ngày thường. Bến xe Mỹ Đình tăng cường khoảng 230 lượt xe cho tất cả các tuyến trọng điểm vào ngày cao điểm.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, ngày 28-4, tất cả loại hình phương tiện đã sẵn sàng căng mình phục vụ cho cao điểm nghỉ lễ. Trong đó, ngành đường sắt đã lập thêm 60 đoàn tàu tăng cường, chủ yếu từ Hà Nội đi Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng, Lào Cai và từ TPHCM đi Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, ngày cao điểm 30-4, vé tàu của nhiều đoàn tàu đã hết từ sớm, một số đoàn tàu bán thêm ghế phụ. Để khuyến khích người dân sử dụng đường sắt, giá vé tàu năm nay giảm 10%-15% so với cùng kỳ.
Về đường bộ, dự kiến lượng khách về các bến xe sẽ tăng khoảng 300% so với ngày thường, cao điểm là ngày 29 và 30-4. Các bến xe Hà Nội đã tăng cường thêm 500 lượt xe khách để sẵn sàng giải tỏa.
Với hàng không, đại diện Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho biết, hiện các hãng hàng không trong nước đã đăng ký khai thác tối đa slot (lượt cất, hạ cánh) tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài trong giờ cao điểm, đồng thời được cấp thêm slot dự phòng để khai thác cả ban đêm và slot chuyến bay quốc tế.
Theo thông tin phòng vé, vé máy bay giá rẻ đã bán hết cách đây nhiều ngày, vé hạng phổ thông của các chuyến bay giờ đẹp chỉ còn ít với mức giá cao, vé thương gia còn nhiều. Với những chuyến bay tăng cường, chủ yếu trong khung giờ bay đêm muộn hoặc sáng sớm, vé vẫn còn với giá khá rẻ.
Ghi nhận tại sân bay Nội Bài ngày 28-4, lượng khách đông nhưng không xảy ra ùn tắc. Hệ thống máy soi chiếu an ninh hàng không, hệ thống băng tải hành lý, quầy làm thủ tục được mở tối đa với 102 quầy tại sảnh A và 11 quầy dự phòng sảnh E. Các hãng hàng không đều bố trí bàn hỗ trợ khai báo y tế, đơn vị quản lý cảng bố trí lực lượng thanh niên hỗ trợ hành khách khai báo y tế để nhanh chóng hoàn thiện thủ tục.
Ngày 28-4, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đã công bố các phương án và đề ra các tình huống cụ thể để đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5.
Theo đó, các tuyến đường cửa ngõ ra vào TP Hà Nội và TPHCM đều được lực lượng CSGT bố trí phân tuyến, đảm bảo không gây ùn tắc giao thông, nhất là trên các tuyến cao tốc, cửa ngõ ra vào thủ đô Hà Nội. Cục CSGT cũng bố trí phương án phân tuyến từng tuyến đường cụ thể trên các nút giao thông phía Đông, phía Nam, phía Bắc, phía Tây của thủ đô Hà Nội; phân tuyến cụ thể trên tuyến Vành đai 3. Lực lượng CSGT sẽ bám chốt, phân làn trên các tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đồng thời có kịch bản khi các phương tiện ùn tắc trên tuyến này. |
PV (theo SGGP)
Bình luận (0)