Ngày 30-11-2024, tại TP.Cần Thơ, Sở Du lịch TP.HCM phối hợp cùng Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) TP.Cần Thơ tổ chức tọa đàm Định hướng phát triển các sản phẩm du lịch đường sông và công bố Tuyến du lịch đường sông kết nối TP.HCM với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Tọa đàm nhằm tạo ra diễn đàn cho các cơ quan tham mưu quản lý Nhà nước về du lịch, giao thông, môi trường; các cơ sở đào tạo, chuyên gia trong các lĩnh vực có liên quan, các doanh nghiệp… trao đổi và thảo luận các vấn đề liên quan đến phát triển du lịch đường sông kết nối TP.HCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Trong phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng nêu những lợi thế của vùng sông nước phương Nam như: Hệ thống sông ngòi dày đặc, dài hơn 28.000km; đa dạng về văn hóa, đặc biệt là văn hóa sông nước gắn với đời sống sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.
Sở Du lịch TP.HCM đã tổ chức đoàn khảo sát tuyến điểm du lịch đường sông kết nối TP.HCM với 9 tỉnh, thành ĐBSCL gồm Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Trà Vinh và Bến Tre, để đánh giá thực trạng cầu bến, các cơ sở dịch vụ du lịch và các tuyến du lịch dọc tuyến sông, nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đường sông chất lượng cao và đa dạng. Chuyến khảo sát là cơ sở để Sở Du lịch TP có cái nhìn tổng quan về tiềm năng và thách thức khi khai thác, mở rộng các tuyến du lịch, ghi nhận ý kiến đóng góp từ các doanh nghiệp du lịch để đưa ra những đề xuất phù hợp.
Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện chia sẻ: ĐBSCL có diện tích hơn 40.000km2, bờ biển dài 700km, dân số trên 18 triệu người, chiếm 21% dân số của cả nước. Là một trong 7 vùng du lịch của cả nước, có tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch với những khu rừng nguyên sinh, 3 khu dự trữ sinh quyển, 5 vườn quốc gia, 3 khu bảo tồn tự nhiên, 3 khu bảo tồn loài, 7 khu bảo vệ sinh cảnh và 1 khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học… Ước năm 2024, lượng khách đến ĐBSCL đạt trên 52 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt trên 62 ngàn tỷ đồng. Những kết quả này có vai trò rất lớn của TP.HCM – là cửa ngõ thu hút khách quốc tế lớn nhất Việt Nam, lan tỏa thúc đẩy du lịch vùng ĐBSCL và các vùng khác phát triển.
Du lịch đường sông là một trong các loại hình du lịch quan trọng của ngành du lịch toàn cầu. Mỗi dòng sông đều có giá trị lịch sử, giá trị văn hóa và hệ sinh thái đặc trưng từng vùng. Phát triển du lịch đường sông cũng sẽ thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng, như cảng du lịch, bến tàu và các khu vực xung quanh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ thừa nhận: Dù có nhiều tiềm năng, nhưng đến nay, du lịch đường sông TP.HCM và vùng ĐBSCL còn phát triển chậm. Chưa có nhiều tour du lịch đường sông được khai thác; nhiều tour rất ít khách, thậm chí có thể phải dừng khai thác…
Phân tích những điểm nghẽn của du lịch đường sông ĐBSCL, ông Nguyễn Minh Tuấn – Giám đốc Sở VH-TT&DL TP.Cần Thơ cho rằng: Đến nay, nhiều địa phương đã có những chú trọng phát triển loại hình du lịch này, như tuyến du lịch trên dòng sông Vàm Cỏ (Long An), sông Tiền (Tiền Giang), sông Cổ Chiên, sông Măng Thít (Vĩnh Long), sông Hàm Luông (Bến Tre), sông Hậu (An Giang – Cần Thơ), sông Sài Gòn – Soài Rạp – Nhà Bè (TP.HCM)… Riêng TP.HCM đang khai thác gần 60 tuyến du lịch đường thủy.
Tuy nhiên, nhìn chung, du lịch đường sông giữa TP.HCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Có nhiều nguyên nhân, trong đó hạ tầng giao thông đường thủy còn kém: “Đây là một trong những rào cản lớn nhất đối với phát triển du lịch đường sông của vùng. Khu vực ĐBSCL có mạng lưới sông ngòi dày đặc nhất cả nước, nhưng nhiều đoạn sông vẫn chưa được nạo vét, dẫn đến tình trạng bồi lắng, độ tĩnh không cầu một số tuyến sông thấp ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện du lịch, đặc biệt là các tàu lưu trú trên sông. Cùng với đó, việc thiếu bến tàu du lịch, giao thông kết nối từ bến sông đến điểm tham quan trên bờ chưa được đầu tư, thiếu điểm tham quan… khiến việc khai thác du lịch đường sông gặp nhiều bất lợi.
Bên cạnh đó, mỗi địa phương có chiến lược phát triển riêng, việc thiếu hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các tỉnh, thành dẫn đến nhiều hạn chế trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch liên vùng hấp dẫn.
Các tour du lịch thường chỉ dừng lại ở việc khám phá một địa phương, mà chưa khai thác hết tiềm năng của cả một vùng rộng lớn. Điều này làm giảm sức hấp dẫn của du lịch đường sông đối với những du khách mong muốn trải nghiệm đa dạng văn hóa và cảnh quan thiên nhiên” – Giám đốc Sở VH-TT&DL Cần Thơ trình bày.
Các đại biểu đều đồng thuận với những “điểm nghẽn” trên, và thống nhất cần có giải pháp khắc phục; kết hợp các chính sách thỏa đáng, trong đó có đầu tư hạ tầng và quy hoạch đồng bộ… Bên cạnh đó phải có sự cân bằng tinh tế giữa bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường và tính bền vững trong phát triển. Về điều này, TS. Trần Thị Bích Thủy – Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cho rằng: Các tỉnh, thành cần phải có những sản phẩm hấp dẫn và không trùng lặp. Mỗi dòng sông ở TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL đều có những câu chuyện lịch sử, giá trị văn hóa và hệ sinh thái riêng. Việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên những giá trị này sẽ tạo ra sự khác biệt và thu hút du khách. Các tour du lịch có thể kết hợp tham quan các di tích lịch sử, văn hóa ven sông, trải nghiệm các lễ hội truyền thống như lễ hội đua thuyền, đua ghe… hay tham gia vào các hoạt động nông nghiệp truyền thống tại các làng ven sông…
Phải có sự kết hợp giữa nhà quản lý, doanh nghiệp, chuyên viên và người dân trong việc tìm giải pháp và mô hình thích hợp để phát triển du lịch đường sông địa phương. Đặc biệt, phải thực hiện cân bằng lợi ích giữa hoạt động du lịch của doanh nghiệp với quyền lợi của người dân: “Nếu người dân được hưởng lợi từ du lịch thì họ sẽ mặc nhiên tích cực tham gia các hoạt động để thu hút du khách, nâng cao chất lượng các sản phẩm, trong đó có việc giữ gìn cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp” – TS. Bích Thủy trình bày.
Ông Nguyễn Minh Tuấn – Giám đốc Sở VH-TT&DL TP.Cần Thơ kiến nghị: Cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương thông qua các chương trình du lịch liên vùng… Áp dụng các biện pháp kiểm soát ô nhiễm; xử lý nước thải, rác thải hiệu quả. Có thể xây dựng các khu bảo tồn thiên nhiên ven sông như mô hình khu bảo tồn rừng ngập mặn Cần Giờ, nơi các hoạt động du lịch và bảo vệ môi trường được kết hợp hài hòa”.
Để kết nối hiệu quả du lịch đường sông giữa TP.HCM với các tỉnh, thành ĐBSCL, ông Nguyễn Lê Phúc – Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, đề nghị: Ưu tiên phát triển các sản phẩm mang đặc trưng riêng của vùng như tìm hiểu di sản văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, vui chơi giải trí; tăng cường liên kết khai thác tài nguyên du lịch và tận dụng lợi thế về kết cấu hạ tầng theo các cụm: An Giang – Đồng Tháp – Long An; Tiền Giang – Bến Tre – Trà Vinh – Sóc Trăng; và Kiên Giang – Cà Mau. Liên kết với vùng Đông Nam bộ theo các hành lang du lịch Bắc – Nam phía Đông và phía Tây; với Campuchia, Thái Lan theo hành lang ven biển phía Nam (Hà Tiên – Rạch Giá – Cà Mau).
Đan Phượng
Bình luận (0)