Một ngày đầu tháng 4-2021, thầy trò Trường THCS Đoàn Thị Điểm (Q.Ninh Kiều) rộn rã đón đoàn giáo viên và học sinh lớp 5 của Trường TH Lê Quý Đôn đến tham quan, giao lưu. Tại đây, thầy và trò Trường TH Lê Quý Đôn được tham quan phòng thí nghiệm thực hành lý, hóa, sinh; phòng vi tính, thư viện, STEM, góc ngoại ngữ, khu học tập trải nghiệm lịch sử – địa lý – giáo dục công dân và vườn sinh vật…
Tiết học bài “Vi khuẩn” tại lớp 5A4 Trường TH Bình Thủy do cô Nguyễn Thị Lệ Hoa (Khối trưởng khối 5) giảng dạy
1. Cô Nguyễn Kim Như Thủy (giáo viên chủ nhiệm lớp 5/5 Trường TH Lê Quý Đôn) bộc bạch: “Được tham quan Trường THCS Đoàn Thị Điểm, các học sinh bước đầu hiểu về môi trường và những yêu cầu trong học tập khi lên lớp 6. Tôi tin các em sẽ không còn bỡ ngỡ khi chuyển cấp như trước đây và sẽ học tốt chương trình thay SGK”. Trước đó, tổ trưởng chuyên môn và giáo viên dạy lớp 6 của Trường THCS Đoàn Thị Điểm đã đến dự giờ các môn học ở nhiều trường TH mà năm học tới có học sinh vào lớp 6 của trường để nắm bắt phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá cũng như tìm hiểu tâm sinh lý học sinh. Thầy Trương Vĩnh Khoa (Hiệu trưởng THCS Đoàn Thị Điểm) nhận xét: “Có dự giờ và tìm hiểu, chúng tôi mới biết thầy cô ở trường TH đã tổ chức giảng dạy và thực hiện theo tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông mới. Thầy cô dạy theo năng lực học sinh, hướng dẫn các em học theo nhóm, tổ chức các hoạt động giúp phát huy tính tích cực, chủ động trong học tập và hình thành kỹ năng cho các em”. Trong khi đó, cô Nguyễn Lê Hương (Hiệu trưởng Trường THCS An Hòa 2) cho rằng: “Dự giờ ở bậc TH, chúng tôi học được nhiều điều. Giữa hai bậc học có sự chênh nhau về phương pháp, hình thức, mục tiêu học tập nên trước đây khi học sinh vào lớp 6, chúng tôi áp đặt các em học theo yêu cầu của bậc trung học khiến nhiều em bị sốc, hoặc không theo kịp chương trình. Bây giờ chúng tôi phải thay đổi phương pháp dạy và quan tâm đến tâm sinh lý của các em”. Công tác bàn giao chất lượng giữa các bậc học là hoạt động chung của toàn ngành, theo sự chỉ đạo của Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ. Ngoài việc dự giờ, tham quan trường lớp, sắp tới lãnh đạo các trường THCS sẽ họp với ban đại diện cha mẹ học sinh các trường TH trên địa bàn để giới thiệu chương trình thay SGK lớp 6, bộ SGK nhà trường chọn và giúp phụ huynh hiểu mục tiêu học tập ở bậc THCS (cần chuẩn bị những gì từ điều kiện vật chất đến tâm thế học tập để con không bỡ ngỡ khi bước vào lớp 6). Theo quyết định phê duyệt danh mục SGK của UBND TP.Cần Thơ, lớp 2 có 24 đầu SGK thuộc 3 nhà xuất bản: Giáo dục Việt Nam, ĐH Sư phạm TP.HCM và ĐH Sư phạm. Lớp 6 có 33 đầu SGK cũng thuộc 3 NXB trên. Đến nay các trường TH và THCS đã chọn xong SGK lớp 2 và lớp 6 cho năm học tới. Đội ngũ giáo viên cốt cán, giáo viên dạy lớp 2 và lớp 6 được tập huấn phương pháp giảng dạy mới và đánh giá năng lực học sinh, đồng thời tham gia hội thảo trực tuyến về chương trình SGK mới cùng những điểm mới về nội dung, cấu trúc, phương pháp tiếp cận các bộ SGK lớp 2, lớp 6. Tại Trường THCS Lương Thế Vinh, thầy Võ Thành Tâm (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết: “Từ năm 2017, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT về lộ trình cải cách giáo dục, trường đã cử giáo viên học các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao tay nghề. Hiện cơ sở vật chất khá đầy đủ nên trường đã sẵn sàng cho công tác thay SGK lớp 6”.
Thầy Trương Vĩnh Khoa (Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm, bìa trái) hướng dẫn thầy trò Trường TH Lê Quý Đôn tham quan vườn sinh vật
2. Ở bậc TH, các trường có kinh nghiệm qua một năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1, kết hợp hướng dẫn của Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT về quy trình chuẩn bị cho việc thay SGK lớp 2 nên công tác chuẩn bị khá nhẹ nhàng. Thầy Lê Kinh Đô (Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Du) chia sẻ: “Nếu lớp 1 đảm bảo các điều kiện để dạy chương trình SGK mới thì lớp 2 cũng vậy. Để đạt tỷ lệ vàng về sĩ số học sinh/lớp, năm rồi trường nâng cấp phòng ăn và nhà để xe thành phòng học nên được 6 lớp 1, mỗi lớp 35 em. Giáo viên chủ nhiệm các lớp đều thành lập group trên Zalo để liên lạc và trao đổi các thông tin với phụ huynh, do vậy công tác truyền thông về chương trình SGK lớp 2 cũng thuận lợi…”. Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, để chuẩn bị tâm thế cho học sinh lớp 5 khi học lớp 6 chương trình mới, các trường TH dạy bổ sung chương trình điều chỉnh cho các em. Để thực hiện, đội ngũ giáo viên lớp 5 được tập huấn phương pháp dạy học tích cực, hướng dẫn học sinh nghiên cứu, tổ chức các hoạt động để khám phá kiến thức, phát huy năng lực trên cơ sở đảm bảo kiến thức, kỹ năng. Tại Trường TH Bình Thủy, chúng tôi có dịp dự tiết dạy bài “Vi khuẩn” thuộc môn khoa học tại lớp 5A4 do cô Nguyễn Thị Lệ Hoa, Khối trưởng khối 5 giảng dạy. Sau phần kiểm tra bài cũ về virus gây ra các bệnh như sốt xuất huyết, viêm gan siêu vi…, cô Hoa đi vào bài mới bằng cách chiếu trên màn hình một số loại vi khuẩn có lợi và những vi khuẩn có hại cho con người. Trước đó cô đã soạn và in những thông tin cơ bản về vi khuẩn trong phiếu học tập để phát cho học sinh. Sau khi học sinh xem hình ảnh kết hợp nội dung trong phiếu học tập, cô Hoa đặt những câu hỏi để học sinh suy nghĩ và trả lời như: Vi khuẩn là gì? Có mấy loại? Gây những bệnh gì cho con người? Cách phòng tránh bệnh do virus gây ra?… Từng câu trả lời của học sinh đều được cả lớp tham gia nhận xét. Sau cùng, cô Hoa kết luận nội dung chính của bài học, giáo dục học sinh về vệ sinh cá nhân, đồ dùng, ý thức giữ gìn môi trường sống. Qua đó cô liên hệ công tác phòng chống dịch Covid-19. Tiết học rất sinh động, học sinh tích cực tham gia các hoạt động học tập. Thầy Lê Kinh Đô cho rằng: “Để thực hiện thành công chương trình SGK mới, theo tôi, cái tâm của nhà giáo rất quan trọng. Các thầy cô phải nghiên cứu bài, đầu tư soạn giáo án, sưu tầm hình ảnh minh họa hoặc làm đồ dùng trực quan. Lãnh đạo nhà trường phải thường xuyên dự giờ, thăm lớp, tổ chức cho giáo viên chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy và động viên, khen thưởng kịp thời những thầy cô làm tốt”.
TS. Trần Hồng Thắm (Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ) cho biết: Q.Ninh Kiều đang chuẩn bị khởi công xây mới 12 phòng học cho các trường TH bị áp lực về quy mô học sinh, tăng cường phòng thí nghiệm, thực hành cho một số trường THCS. Sở GD-ĐT đã đề nghị Sở Nội vụ bổ sung biên chế giáo viên, đặc biệt là giáo viên tin học cho bậc THCS. Tới đây sở sẽ tham mưu UBND TP thành lập đoàn liên ngành đến các quận/huyện kiểm tra công tác chuẩn bị thay SGK lớp 2, lớp 6 và tháo gỡ khó khăn kịp thời cho các địa phương.
Bài, ảnh: Đan Phượng
Bình luận (0)