Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

An toàn để sản xuất

Tạp Chí Giáo Dục

Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2021 đang được triển khai trên toàn quốc nhằm đẩy mạnh phòng ngừa tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp và nâng cao năng suất lao động tại nơi làm việc. Trong thời điểm hiện nay, an toàn sản xuất còn bao gồm việc doanh nghiệp, người lao động thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19.

Ban Thanh tra an toàn lao động Công ty TNHH Juki Việt Nam kiểm tra máy móc tại nhà xưởng
Ban Thanh tra an toàn lao động Công ty TNHH Juki Việt Nam kiểm tra máy móc tại nhà xưởng

Hỏa hoạn, chết người vì chủ quan
Ngày 1-5, trong lúc nhóm công nhân đang sửa chữa, thi công một số hạng mục tại căn nhà trên đường Trần Hưng Đạo (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TPHCM) thì xảy ra tai nạn thương tâm làm 1 người chết và nhiều người bị thương. Nguyên do, trong lúc hàn xì, công nhân vô tình làm tia lửa bắn vào các vật dụng bên cạnh gây hỏa hoạn. Theo các nhân chứng, hầu hết công nhân thi công tại đây không được trang bị quần áo, thiết bị bảo hộ lao động.
Nhớ lại vụ tai nạn xảy ra 3 năm trước, khi thi công xây dựng một căn nhà tại huyện Bình Chánh (TPHCM), anh Trần Văn Tuấn (quê Vĩnh Long) vẫn còn rùng mình. Lúc đó, anh Tuấn cùng nhóm bạn đang đứng trên giàn giáo tô phần tường tầng 1, bất ngờ giàn giáo đổ sập. Anh Tuấn rơi tự do, bị gãy một chân, cột sống bị ảnh hưởng. Di chứng để lại là đến nay anh không thể làm được việc nặng.
Theo thống kê, năm 2020, cả nước xảy ra 8.380 vụ TNLĐ, làm 966 người chết và 7.644 người bị thương; ước tính thiệt hại hơn 6.000 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu xảy ra TNLĐ dẫn đến chết người (chiếm gần 45%) là do sự thiếu trách nhiệm của người sử dụng lao động và gần 24% do người lao động vi phạm quy trình, quy chuẩn an toàn lao động. Riêng tại TPHCM, tổng số vụ TNLĐ dẫn đến chết người trong năm 2020 là 85 vụ, làm 89 người chết và 3 người bị thương nặng. Trong đó, TNLĐ xảy ra nhiều nhất trong lĩnh vực xây dựng, chiếm gần 70%.
Theo ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM, TNLĐ xảy ra là do sự chủ quan, lơ là của người lao động và sự thiếu trách nhiệm của người sử dụng lao động. Đó là cố ý không chấp hành Luật An toàn vệ sinh lao động, thiếu quan tâm đầu tư cải thiện điều kiện lao động, đưa vào sử dụng máy móc, thiết bị không bảo đảm an toàn, không huấn luyện an toàn lao động cho người lao động, bố trí lao động làm việc không phù hợp. Mặt khác, một số người làm công tác an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp chưa nắm vững các quy định pháp luật, thiếu kiến thức về lĩnh vực này. Do vậy, họ chưa mạnh dạn đề xuất với doanh nghiệp trong thực hiện các quy định an toàn lao động. Ngoài ra, chế tài xử lý các vi phạm về an toàn vệ sinh lao động chưa đủ sức răn đe khiến doanh nghiệp còn chủ quan, lơ là.
Góp sức vì môi trường sản xuất an toàn
Cả nước đang triển khai Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2021. Theo đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu các cấp công đoàn có hoạt động cụ thể, thiết thực và bảo đảm tuân thủ yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19. Cụ thể, các cấp công đoàn phối hợp với cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh lao động. Đặc biệt là tập trung vào một số ngành, nghề, lĩnh vực có nguy cơ cao về mất an toàn như xây dựng, khai khoáng, hóa chất, điện, hàn cắt…
Thực tế, nhiều doanh nghiệp tại TPHCM nhờ làm tốt các biện pháp an toàn đã giúp hạn chế xảy ra TNLĐ. Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Phó Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Juki Việt Nam (KCX Tân Thuận, quận 7, TPHCM), nhờ thực hiện phong trào sáng kiến cảnh báo mà hơn 955 ngày qua công ty không xảy ra TNLĐ, dù công ty hoạt động trong lĩnh vực cơ khí ẩn chứa nhiều nguy cơ TNLĐ.
Theo đó, Công ty Juki yêu cầu, hàng tháng mỗi công nhân lao động phải có ít nhất một phát hiện về nguy cơ mất an toàn tại nơi làm việc. Đó có thể là kỹ thuật trên máy móc hay đơn giản là ổ cắm điện, bậc thềm lên xuống thiếu an toàn… Khi nhận được đề xuất, trong khả năng của mình, trưởng ca phải xử lý ngay và phải báo lên cấp trên nếu vấn đề ngoài khả năng xử lý. “Đây cũng là một tiêu chí để công ty đánh giá thi đua cuối năm của người lao động. Cách làm này khuyến khích công nhân lao động tích cực phát hiện nguy cơ mất an toàn để cùng ngăn chặn, xử lý”, bà Mỹ Linh chia sẻ.
Theo LĐLĐ TPHCM, đây là việc làm cụ thể, giúp doanh nghiệp, người lao động nhận diện được nguy cơ xảy ra TNLĐ cùng những thiệt hại do TNLĐ gây ra. Ông Nguyễn Thành Đô nhận xét, điều này sẽ góp phần nâng cao ý thức nhằm phòng ngừa, hạn chế xảy ra các vụ TNLĐ nghiêm trọng. Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng, Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2021 cũng nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn để người lao động và doanh nghiệp thấy được nguy cơ, thiệt hại do TNLĐ mà nâng cao ý thức, chủ động phòng ngừa. Để tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động thực sự đi vào chiều sâu và hiệu quả, các đơn vị cần triển khai hoạt động thiết thực gắn với chức năng, nhiệm vụ của mình; đồng thời chăm lo người lao động bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.
Chương trình quốc gia về an toàn vệ sinh lao động giai đoạn 2021-2025 xác định, duy trì mục tiêu giảm 5% TNLĐ, TNLĐ chết người; bảo đảm 100% số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện báo cáo TNLĐ; 100% số vụ TNLĐ chết người được khai báo, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật. Trong đó, ưu tiên các ngành, nghề có nguy cơ cao về TNLĐ các lĩnh vực khai khoáng, sản xuất hóa chất, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất kim loại và các sản phẩm từ kim loại; thi công công trình xây dựng…
Ngày 7-5, LĐLĐ TP Thủ Đức (TPHCM) tổ chức họp mặt, thăm hỏi, tặng quà công nhân bị TNLĐ. LĐLĐ TP Thủ Đức tặng quà 217 công nhân bị TNLĐ, tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên. Trong đó, 83 trường hợp tỷ lệ thương tật trên 51% được chăm lo mức 1 triệu đồng/người; 134 trường hợp tỷ lệ thương tật từ 31%-50% được chăm lo 500.000 đồng/người. Đây là những công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp, không ổn định.
THÁI PHƯƠNG (theo SGGP)

Bình luận (0)