Cá nhân kinh doanh chỉ đóng thuế 7% trong khi biểu thuế thu nhập cá nhân lũy tiến với mức cao nhất lên 35% khiến những người làm công ăn lương trở thành đối tượng phải đóng thuế cao nhất.
Người làm công ăn lương đóng thuế thu nhập cá nhân cao nhất. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Tiền lương càng cao, đóng càng nhiều
Đầu năm nay, việc một cô gái ở Hà Nội tự kê khai có thu nhập 330 tỉ đồng trong một năm và nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) 23,4 tỉ đồng cũng như một cá nhân khác tại Q.Cầu Giấy (Hà Nội) có thu nhập 260 tỉ đồng, nộp thuế TNCN 18,1 tỉ đồng gây xôn xao dư luận không chỉ vì thu nhập khủng, mà còn vì mức thuế phải đóng.
Tính ra, các cá nhân này đóng thuế 7% trong khi người làm công ăn lương nếu có thu nhập trên 80 triệu đồng, mức thuế TNCN phải đóng là 35%. Nhiều cá nhân lẫn chuyên gia cho rằng chênh lệch về biểu thuế TNCN nói trên là chưa hợp lý, không bình đẳng.
Mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời những thắc mắc xoay quanh vấn đề này. Bộ cho biết quy định, có 10 khoản thu nhập thuộc diện chịu thuế TNCN với các mức thuế suất và cách tính thuế khác nhau. Trong đó, duy nhất thu nhập từ tiền lương tiền công áp dụng theo biểu thuế lũy tiến từng phần với các mức thuế từ 5 – 35%, còn các khoản thu nhập khác áp dụng theo thuế suất toàn phần.
Đối với hoạt động kinh doanh áp dụng theo biểu thuế toàn phần chi tiết theo từng lĩnh vực ngành nghề, trong đó ngành nghề kinh doanh cung cấp dịch vụ (bao gồm cả cung cấp dịch vụ nội dung thông tin số) chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 5%, thuế TNCN 2% và tổng cộng hai loại thuế này là 7%.
Bộ Tài chính nhấn mạnh: Nếu so sánh mức thuế của cá nhân kinh doanh là 7% với mức thuế bậc cao nhất của cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công 35% là không phù hợp, bởi vì khoảng 90% cá nhân có thu nhập từ tiền lương tiền công chỉ ở mức bậc 1 và bậc 2 (5 – 10%). Ngoài ra, mức thuế suất toàn phần đối với hoạt động kinh doanh của cá nhân cần phải tương đồng với mức thuế suất của doanh nghiệp có cùng loại hình kinh doanh là phù hợp, không thể so sánh với thu nhập từ tiền lương, tiền công để áp dụng biểu lũy tiến. Quy định này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế về thuế TNCN.
Thế nhưng, nhiều ý kiến vẫn chưa đồng tình với giải thích của Bộ Tài chính. Bởi chưa cần so sánh với biểu thuế cao nhất lên đến 35% thì với nhiều người, tỷ lệ đóng thuế TNCN cũng cao hơn nhiều cá nhân kinh doanh.
Chị Ngọc An (ngụ Q.3, TP.HCM) cho hay thu nhập của chị chỉ có duy nhất tại công ty đang làm việc nên không sót một đồng nào. Năm 2020, tổng thu nhập của chị hơn 760 triệu đồng và tổng thuế TNCN của chị được thông báo là hơn 90 triệu đồng sau khi đã khấu trừ gia cảnh cho bản thân chị và 2 người phụ thuộc. Như vậy tỷ lệ đóng thuế TNCN (thuế suất hiệu dụng) của chị Ngọc Anh trên tổng thu nhập trong năm 2020 là hơn 11,8%.
Tương tự, một giáo viên tại TP.HCM có tổng thu nhập đạt hơn 890 triệu đồng, kê khai có 4 người phụ thuộc gồm 2 con và bố mẹ nên số thuế TNCN phải đóng trong cả năm là 73,6 triệu đồng, tương đương tỷ lệ 8,25% trên tổng thu nhập… Như vậy với nhiều người làm công ăn lương như hai trường hợp nêu trên thì tỷ lệ thuế TNCN phải đóng đều cao hơn tỷ lệ 7% áp dụng cho cá nhân kinh doanh.
Đó là chưa kể trường hợp như người có thu nhập từ tiền lương, tiền công càng nhiều thì biểu thuế TNCN lũy tiến càng cao và số tiền phải nộp càng lớn. Ví dụ nếu một cá nhân có thu nhập từ tiền công, tiền lương tổng cộng lên 330 tỉ đồng như trường hợp của cô gái ở Hà Nội như trên thì người này sẽ đóng theo thuế suất cao nhất 35%, tương đương số thuế lên đến 114,5 tỉ đồng, gấp gần 5 lần số tiền của cô gái đã nộp.
Bậc thuế lũy tiến quá cao
Theo TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), những người làm công ăn lương nếu có thu nhập 1 tỉ đồng trong một năm sẽ phải chịu mức thuế 35%, trong khi cá nhân kinh doanh có thu nhập tương tự chỉ phải chịu thuế suất 7%. Vì vậy, nhiều cá nhân sẽ có tâm lý so sánh và cho rằng chưa bình đẳng là điều dễ hiểu.
Hơn nữa, việc áp dụng bậc thuế lũy tiến lên đến 35% là quá cao, khiến những người đi làm không còn động lực để gia tăng thu nhập và nhiều người còn tìm nhiều cách để né thuế. Ví dụ, nhiều cá nhân ở những cấp quản lý sẽ thỏa thuận với công ty để chuyển sang hình thức nhận cổ phiếu thưởng thay vì nhận tiền mặt. Bởi họ đóng thuế TNCN đối với cổ phiếu thưởng chỉ 5% thay vì nếu tính theo tiền mặt cộng dồn với tiền lương thì họ sẽ đóng ở mức cao nhất lên đến 35%.
TS Lê Đạt Chí cho rằng Bộ Tài chính cần xem xét và trình Chính phủ chỉnh sửa biểu thuế lũy tiến áp dụng cho cá nhân có thu nhập từ tiền công, tiền lương theo hướng giãn các mức thuế suất, đồng thời giảm bậc thuế cao nhất.
Đồng quan điểm, luật sư Trần Xoa, chuyên gia tư vấn thuế, nhận định người có thu nhập từ tiền lương thì tăng 1 đồng cũng được ghi nhận đủ. Trong khi đó, với các cá nhân kinh doanh thì chủ yếu là tự kê khai nên thực tế số tiền thu nhập có thể cao hơn nhiều. Hiện nay, biểu thuế TNCN với người làm công ăn lương lên 7 bậc là quá nhiều và quá cao.
Ông đề nghị nhà nước cần sớm xem xét, thu gọn lại chỉ còn 4 bậc là 5%, 10%, 20% và 30%. Đồng thời, nên nâng mức khởi điểm chiết trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế lên 20 triệu đồng. Bởi năm 2009, mức khởi điểm khấu trừ gia cảnh là 4 triệu đồng và chỉ 4 năm sau, đến 2013 mức này đã được nâng lên 9 triệu đồng, tương ứng tăng 125%. Thế nhưng mức khởi điểm này đến tháng 7.2020 chỉ được điều chỉnh lên 11 triệu đồng là vì trượt giá.
Như vậy, đã gần 8 năm mà mức khởi điểm khấu trừ gia cảnh cho người nộp thuế TNCN hầu như chưa được điều chỉnh là không hợp lý, chưa phù hợp với biến động của kinh tế xã hội trong nước.
Theo Bộ Tài chính, khoảng 90% cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công chỉ nộp thuế ở mức bậc 1 và bậc 2 (5 – 10%) nhưng như vậy số 10% còn lại nộp thuế ở bậc cao hơn vẫn cảm thấy bất công, không bình đẳng. Họ sẽ tìm nhiều cách để lách thuế, giảm bớt số thuế phải nộp. Chính sách thuế cần phải tạo ra sự bình đẳng cho tất cả mọi cá nhân nộp thuế. Vì vậy nên cần sớm xem xét giảm, giãn bậc thuế lũy tiến đang áp dụng hiện nay để khuyến khích, tạo động lực cho người dân tuân thủ đúng pháp luật trong việc nộp thuế.
LS Trần Xoa
|
Theo Mai Phương/TNO
Bình luận (0)