Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Sách văn học: Cung không đủ cầu?!? (Kỳ cuối)

Tạp Chí Giáo Dục

Những quyển sách văn học hay dành cho tuổi mới lớn. Ảnh: K.N

Hiện nay vào các nhà sách, chúng ta thấy ngợp với rất nhiều thể loại sách được bày bán. Thế nhưng lại thiếu trầm trọng sách văn học dành cho tuổi mới lớn.
Các nhà xuất bản cần vào cuộc nhiều hơn!
Một tín hiệu đáng mừng từ việc đọc của tuổi mới lớn là trong vài năm gần đây, sách văn học viết về những câu chuyện đẹp từ tâm hồn được các em rất ưa chuộng. Nếu các bản sách “đen” chép tay gây lo ngại cho các bậc phụ huynh thì sự xuất hiện những câu chuyện đó đã “thổi” vào đời sống các em một nét đẹp rất riêng. “Đất nước mình có cả chục triệu bạn đọc thuộc lứa tuổi mới lớn, nhưng có mấy nhà xuất bản (NXB) làm sách cho lứa tuổi này? Nhà thơ Cao Xuân Sơn – người đang thực hiện tủ sách Tuổi mới lớn của NXB Kim Đồng – nói như thế. Tủ sách Tuổi mới lớn của NXB Kim Đồng đang là kênh sách gần như duy nhất phát hành thường xuyên mỗi tuần các tác phẩm dành cho lứa tuổi này. Chính điều đó giúp cho mạch sách tuổi mới lớn còn liên tục “chảy”. Sau một thời gian dài huy động bản thảo, giờ đây số lượng nhà văn cộng tác cho tủ sách Tuổi mới lớn đang nhiều dần lên.
NXB Trẻ mấy năm trước cho ra đời bộ sách Những tấm lòng cao cả được độc giả trẻ yêu thích. Loạt sách đầu tiên nói về tình thầy trò, tình bạn bè, tình cảm gia đình, với những cảm xúc tinh tế, trong sáng, những hành xử đẹp đẽ. Nhưng cũng kiểu sách này, những tập ra sau nhạt dần. Thế là NXB này tiếp tục cho ra đời những tủ sách khác đáng hoan nghênh như tủ sách Văn học cho tuổi mới lớn và Khi ta lớn. Chủ đề sống đẹp với tác phẩm 365 ngày biết sống – Hôm nay mình sẽ… chứa đựng những lời khuyên gần gũi, câu chuyện thực tế sinh động về cách sống. Hay với tác phẩm Sống tốt hơn mỗi ngày hướng dẫn bạn đọc đến với một cuộc sống lành mạnh, biết lựa chọn những gì hữu ích cho mình.
Tủ sách Khi ta lớn không thể bỏ qua phần Những tác phẩm văn học, đó có thể là tác phẩm nhẹ nhàng gần gũi như Nhật ký tuổi teen, nơi bạn gửi gắm những cảm xúc về gia đình, bạn bè, thầy cô hoặc với Tình yêu là… chứa đựng những rung động bâng khuâng đầu đời. NXB Thanh Niên xưa nay có tủ sách Lá me nhưng bản thảo vẫn không dồi dào. Truyện dịch cũng trong tình trạng tương tự. Truyện Không gia đình có ít nhất 4-5 cơ sở in, cùng một tên người dịch, nhưng nội dung bị cắt xén, thêm bớt, dung tục hóa rất nhiều. Thế mới có chuyện một quyển sách ở NXB này dày hơn 300 trang nhưng khi gắn tên NXB kia chỉ có hơn trăm trang. Chạy theo lợi nhuận khiến nhiều NXB quên mất mục đích phục vụ các độc giả trẻ, sách hay thì ít, sách hay bị “biến dạng” lại nhiều. Một số NXB tâm huyết vẫn đang tổ chức bản thảo và in sách cho tuổi mới lớn, nhưng cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Những người viết cần có “tấm lòng”…
Những nhà văn tên tuổi viết cho tuổi mới lớn hiện không nhiều. Chính vì thế đã xuất hiện nhiều cây bút “tuổi mới lớn viết cho tuổi mới lớn”. Đây là một lực lượng rất đáng quan tâm để kế tục các cây bút đã thành danh. Theo nhà văn trẻ Diệu Như Trang, viết cho tuổi mới lớn chính là viết về những kỷ niệm của chính mình. Tuy nhiên, cũng có một số cây bút thành danh lý giải về cái khó khi viết cho tuổi mới lớn: “Viết cho người lớn khó một thì viết cho tuổi mới lớn khó mười. Vì viết để các em hiểu được, thích được, trúng tâm lý, trúng điều đang quan tâm, muốn khám phá là việc không đơn giản. Người viết phải có tấm lòng thì mới làm được điều đó…”. Với các NXB cũng thế, sự tính toán lợi nhuận sẽ khiến thị trường sách tuổi mới lớn rơi vào tình trạng thừa sách nhảm nhí, và khơi rộng hơn khoảng trống về sách có giá trị đối với độc giả tuổi mới lớn.
XUÂN ANH – KHÔI NGUYÊN
“Nhiều người có thói quen xem việc viết cho lứa tuổi mới lớn sẽ không thể trở thành nhà văn lớn được, và cứ thế, chẳng ai xem chuyện viết cho tuổi mới lớn là quan trọng cả”, nhà thơ Cao Xuân Sơn tâm sự.
 

Bình luận (0)