Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Bói Kiều – nét đẹp văn hóa của Tết Việt xưa

Tạp Chí Giáo Dục

Trong di sản văn học Việt Nam, ít có tác phẩm nào có sức sống mạnh mẽ và chinh phục tình cảm của người đọc bền lâu như Truyện Kiều của Nguyễn Du. Từ khi ra đời đến nay, Truyện Kiều đã trở thành cuốn sách “gối đầu giường” của nhiều người và là tâm thức văn hóa, như hơi thở, của người Việt.

Truyện Kiều đi vào nhiều sinh hoạt văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam với các loại hình như: ngâm Kiều, vịnh Kiều, bình Kiều, lẩy Kiều, trò Kiều, chèo Kiều, cải lương Kiều và tranh Kiều… Nhân đầu năm mới Ất Tỵ 2025, chúng ta cùng nhìn lại tục bói Kiều – vốn là một nét đẹp văn hóa của Tết Việt xưa – để thêm trân trọng di sản văn hóa Truyện Kiều.

Tục bói Kiều là gì?

Nhà nghiên cứu văn hóa Phan Kế Bính (tác giả Việt Nam phong tục) đã tóm tắt ý chính về tục bói Kiều như sau: “Bói Kiều là mình có việc gì muốn được biết hay dở đường nào thì khấn với Thúy Kiều, Kim Trọng xin cho mấy câu dòng nào, gặp chỗ nào thì lấy mấy câu thứ mấy ở trang ấy mà đoán. Cách này là một cách bói chơi, nhưng cũng nhiều khi nhiều người cho là nghiệm”.

Trong cuốn Truyện Kiều và các nhà nho thế kỷ XIX (NXB Thanh Niên, 2003), tác giả Phạm Đan Quế giải thích cách bói Kiều khá chi tiết. Theo đó, bói Kiều có nhiều hình thức. Cách bói dân dã là mượn một quyển Kiều, rồi tâm niệm điều ao ước, nỗi băn khoăn và tin tưởng thành tâm. Có khi lại thắp hương khấn vái, vừa lật các trang Kiều: “Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều, con tên… ở… xin được…”. Và theo luật “trai tay trái, gái tay mặt”, nghĩa là đàn ông thì xem trang bên trái, đàn bà thì xem trang bên phải, để tìm câu ứng nghiệm. Sau khi nhận được câu trả lời, tự mình suy ngẫm, so sánh với tình cảnh thực tại của bản thân để tự đưa ra lời giải thích.

Hiểu đại khái thì tục bói Kiều có 3 cách sau: Cách một là gieo quẻ bằng đồng xu. Đây là phương pháp truyền thống và phổ biến nhất. Người xem bói sẽ gieo 3 đồng xu và dựa vào kết quả (sấp ngửa) để tính ra số quẻ tương ứng. Cách hai là gieo quẻ bằng thẻ bài. Phương pháp này sử dụng bộ bài được đánh số tương ứng với các câu thơ trong Truyện Kiều. Và cách ba là chọn ngẫu nhiên một câu thơ nào đó trong Truyện Kiều. Đây là cách đơn giản nhất, được đa số người xem sử dụng sau này, theo đó người xem bói chỉ cần nhắm mắt lại và chọn một trang bất kỳ, sau đó đọc câu thơ đầu tiên trên trang đó. Hoặc chọn số dòng/câu nào đó trong trang. Câu thơ này được coi là “điềm báo” hay “lời khuyên” cho người xem trong tình huống hiện tại. Để diễn giải ý nghĩa của câu thơ đó trong Truyện Kiều đòi hỏi người coi bói phải có kiến thức về Truyện Kiều cũng như khả năng liên kết câu thơ với tình huống thực tế của người xem bói.

Để việc bói Kiều thêm ý nghĩa, trang trọng, người muốn xem quẻ cần chọn một không gian yên tĩnh, thoáng đãng và thời gian thích hợp để tạo ra bầu không khí trang nghiêm, linh thiêng, nên phù hợp nhất là trong ngày Tết, đầu năm mới. Cũng cần giữ tâm trạng bình tĩnh, thoải mái, không bị chi phối bởi những lo lắng hay căng thẳng. Sau đó mở ngẫu nhiên một trang trong cuốn sách Truyện Kiều và chọn một câu thơ bất kỳ. Các chủ đề thường được đưa ra để xin lời giải là học hành, công việc, tình duyên, sự nghiệp, gia đạo…

Tôi nhớ một kỷ niệm với người cậu ruột cách đây khá lâu. Lúc đó là ngày mùng 1 Tết Nguyên đán, cậu tôi đến chúc Tết nhà ba mẹ tôi. Thấy trên bàn có quyển Kiều, cậu tôi bảo tôi đem ra lật bói xem thử. Sau khi cậu chọn trang, chọn dòng, tôi lật đúng vào câu thơ “Sao cho trong ấm, thì ngoài mới êm”. Cậu tôi nghe xong câu thơ thì sắc mặt hơi đổi nét, đầy nghĩ ngợi, dường như có điều gì đó rất đúng với hoàn cảnh gia đình của cậu. Ngồi lại chơi không lâu, cậu tôi lo lắng ra về. Thực ra đây chỉ là trường hợp ngẫu nhiên giữa Truyện Kiều với hoàn cảnh gia đình cậu. Câu thơ này (câu thứ 1.506) là lời của Thúy Kiều nói với Thúc Sinh trong hoàn cảnh hai vợ chồng sống với nhau nhưng người vợ cả là Hoạn Thư chưa biết. Kiều lo lắng khuyên Thúc Sinh về thú thật với Hoạn Thư để cho đôi đường yên ấm (Sao cho trong ấm, thì ngoài mới êm).

Trong Truyện Kiều có nhiều sự trùng hợp ngẫu nhiên như thế. Chẳng hạn ngày 8-3 là Ngày Quốc tế Phụ nữ, thì câu thơ 83 của Truyện Kiều là “Đau đớn thay phận đàn bà”. Câu 1.954 trong Kiều là “Cắn răng bẻ một chữ đồng làm hai” tương ứng với sự kiện năm 1954 của Việt Nam bị chia đôi đất nước sau hiệp định Geneve. Người viết bài này tại thời điểm giao năm 2024 và 2025, thì hai câu Kiều số 2.024 và 2.025 là: “Phật tiền sẵn có mọi đồ kim ngân” và “Bên mình giắt để hộ thân”. Quả là “linh ứng”, mấy năm kiệt quệ sau đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam đang hồi phục nhanh chóng, mọi nhà chuẩn bị đón Tết Ất Tỵ 2025 vui vẻ, sum vầy với “mọi đồ kim ngân”. Nhưng cũng phải dè chừng, không “vung tay quá trán” mà phải dè sẻn, tiết kiệm “để hộ thân”.

Vì sao Truyện Kiều rất “linh nghiệm” khi dùng để xem bói?

Để việc bói Kiều thêm ý nghĩa, trang trọng, người muốn xem quẻ cần chọn một không gian yên tĩnh, thoáng đãng và thời gian thích hợp để tạo ra bầu không khí trang nghiêm, linh thiêng, nên phù hợp nhất là trong ngày Tết, đầu năm mới. Cũng cần giữ tâm trạng bình tĩnh, thoải mái, không bị chi phối bởi những lo lắng hay căng thẳng…

Truyện Kiều rất “linh ứng” khi dùng để bói bởi nhiều lý do. Giáo sư Phan Ngọc cho rằng Truyện Kiều là “cuốn Bách khoa toàn thư về tâm hồn con người”. Muôn hình vạn trạng của cái gọi là “thế giới Truyện Kiều” về cuộc sống đều được kết tinh trong Truyện Kiều. Truyện Kiều trở thành tác phẩm kinh điển có tính “đa thanh”, “phức điệu”, như cách nói về thi pháp học của M.M. Bakhtin. Mọi yếu tố, từ kết cấu, tình tiết, đến cảnh ngộ, nhân vật, tính cách, tâm lý, ngôn ngữ… đều có sức lan tỏa, giao thoa, tạo nên sự liên tưởng, cộng hưởng rộng lớn.

Bên cạnh đó, với nội dung có tính thế sự, cõi nhân sinh “trăm năm” của kiếp người, nên Truyện Kiều có tính chiêm nghiệm, nếm trải và mọi người đều thấy bóng hình mình trong đó. Ngoài giá trị văn chương độc đáo, Truyện Kiều còn gói ghém những tình tiết tâm lý éo le khiến người đọc có thể tìm thấy đâu đó trong nó hoàn cảnh và tâm trạng của mình, bóng dáng chính mình. Hàng loạt nhân vật của Truyện Kiều như Thúy Kiều, Từ Hải, Hoạn Thư, Sở Khanh, Tú Bà… đã bước ra khỏi các trang sách, trở thành “những điển hình bất tử” cho vẻ đẹp thể chất và tâm hồn, cho một hạng người xấu xa, đồi bại, hay một nét tính cách trong xã hội. Nhiều câu Kiều mang ý nghĩa khái quát những triết lý nhân sinh sâu sắc về các mối quan hệ xã hội, về cuộc đời, về số phận con người và về những “cảnh huống” của đời người. “Ma lực” của các con chữ mạnh tới mức người đọc cảm thấy “ứng vận”, thấy bóng dáng mình đâu đó trong các cảnh ngộ, thân phận, hạnh phúc, khổ đau của các nhân vật.

Cũng có lẽ là vì, dù Truyện Kiều chỉ với 3.254 câu thơ nhưng “đó là quyển bách khoa thư của vạn tâm hồn, cuốn sách của muôn ngàn tâm trạng mà ở trang nào cũng thấy bóng dáng của thực tiễn cuộc đời” (Truyện Kiều và các nhà nho thế kỷ XIX, Phạm Đan Quế, NXB Thanh Niên, 2003, tr. 251).

Trần Ngọc Tuấn

Bình luận (0)