Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Sách cho tuổi mới lớn: Sách giáo dục giới tính thiếu trầm trọng

Tạp Chí Giáo Dục

Các bạn tuổi mới lớn đang lựa chọn sách phù hợp với mình. Ảnh: S.M

Gần đây, một số nhà văn hóa cảnh báo: “Văn hóa đọc” dần dần bị mai một trong giới trẻ do nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân đó là sự xuất hiện của nhiều kênh giải trí khác nhau, do lối sống ồn ào đã chiếm lĩnh thời gian của các em… Nhưng vấn đề cơ bản là ngày càng quá ít sách có giá trị, phù hợp với tâm lý lứa tuổi mới lớn.
Thấy gì từ truyện tranh giới tính?
Thực ra, lứa tuổi 15-17 đang “đói” sách, nhất là sách khám phá giới tính, giáo dục giới tính (GDGT). Ngoài một vài cuốn thuộc loại “truyện tranh có màu sắc sex và bạo lực” đã bị ngưng phát hành thì hiện trên thị trường, có hàng trăm đầu sách khác nhau của nhiều nhà xuất bản (NXB) theo kiểu “tình yêu học trò” nhảm nhí, trong đó có nhiều truyện tranh thuộc diện khó chấp nhận. Một phụ huynh có hai con học lớp 8 và lớp 11 cho biết: “Tôi vừa mới phát hiện hai con chia nhau một “suất” tiền ăn sáng, suất còn lại gom vào mua và thuê truyện tranh rồi chuyền nhau đọc. Tôi bỏ ra một ngày để đọc những truyện tranh của các con giấu trong ngăn bàn học mà giật mình. Tại sao các NXB lại thi nhau xuất bản những cuốn truyện tranh như thế. Nào là những nữ sinh vì “yêu” mà bỏ bê chuyện học hành. Vì yêu phải lừa dối, rồi dằn vặt đau khổ… Lẽ nào phải để cho trẻ “trải qua” những cuộc tình kiểu ấy thì mới là “GDGT”?…” . Rất nhiều bậc phụ huynh khác cũng có nỗi băn khoăn này khi thấy con mình lao vào đọc những quyển truyện tranh như thế.
Nhiều truyện, phim nước ngoài nói đến những “tình bạn” của lứa tuổi mới lớn nhưng trong sáng, đáng trân trọng, những cảm xúc thánh thiện và mỏng manh len lỏi vào tâm hồn các em làm cho tâm hồn giàu có hơn, tạo nên những ký ức đẹp khi trở thành người lớn. Truyện tranh giới tính dù có nhiều nhưng không đem lại cho tuổi mới lớn những cảm xúc như thế. Sở dĩ truyện tranh giới tính kiểu mangan, comics “ăn khách” vì đánh trúng sự tò mò của các em, nhất là khi các em đang “đói sách”. Một phụ huynh băn khoăn: “Ngày trước, tôi mê mệt những truyện như Không gia đình, Tom Sawyer, Hai vạn dặm dưới biển… còn bây giờ, các con tôi lại xa rời những truyện có giá trị văn học, những truyện lành mạnh, giàu tính nhân văn như thế?”. Thực ra, tuổi mới lớn thời nào cũng vậy, vấn đề ở chỗ những quyển sách hay, hấp dẫn lứa tuổi mới lớn đang có một khoảng trống thì các em phải “lấp chỗ trống” bằng những quyển sách “giải trí tầm thường”.
GDGT qua sách, cần nhưng phải thận trọng
Sách GDGT cho lứa tuổi mới lớn hiện nay quá nghèo nàn. Một số quyển sách viết theo dạng “hỏi đáp”, giới thiệu kiến thức về giới tính thì quá khô cứng, chung chung. Truyện đề cập đến những thay đổi về tâm sinh lý, những suy nghĩ, tình cảm phức tạp của lứa tuổi mới lớn, lý giải và hướng độc giả trẻ theo những hành xử, tình cảm đẹp, lành mạnh thì hầu như vắng bóng. Một số giáo viên bày tỏ sự bức xúc: “Yêu cầu GDGT trong nhà trường, nhưng giáo dục như thế nào còn là một vấn đề khó khăn. Vì hiện nay không hề có chương trình, giáo trình, sách hướng dẫn giáo viên cho môn GDGT, sách tham khảo cho giáo viên, học sinh càng thiếu…”.
Nói đến thực trạng trên để thấy sách GDGT cho tuổi mới lớn còn cần hơn mảng truyện mang tính thưởng thức khác. Việc các NXB lao vào lĩnh vực “xương xẩu” này, cùng các tác giả góp phần với nhà trường và các bậc phụ huynh giải quyết vướng mắc trong việc GDGT cho học sinh là việc cần. Nhưng không phải theo cách phát hành tràn lan những truyện nhảm nhí, nhân danh việc này để thu lợi nhuận.
Xuân Anh
Kỳ 2:  Sách văn học: Cung không đủ cầu
Hiện nay, rất ít em tuổi mới lớn có khả năng lựa chọn những quyển sách cần, có giá trị và lành mạnh. Ngày trước, những quyển sách đến tay tuổi mới lớn đa phần đều hay, còn nay, giữa “thượng vàng hạ cám”, các em cần một sự định hướng thị hiếu, trong đó không chỉ có vai trò của nhà trường, gia đình mà cả những nhà xuất bản…
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)