Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Canada: Xin lỗi về giáo dục thổ dân

Tạp Chí Giáo Dục

Đi đến trường lúc ấy bị cưỡng bức. Học sinh và gia đình thổ dân tại một trường học trong vùng bình nguyên - ảnh không rõ ngày tháng      Canada đã xin lỗi do buộc hơn 100.000 trẻ em dân bản xứ đến các trường Thiên chúa do nhà nước tài trợ nhằm đồng hóa họ. Mike Cachagee là một trong những đứa trẻ đó. Mike không có cảm giác gì trước những lời xin lỗi.

Lúc 4 tuổi, cậu được gia đình gởi đến một trong những trường của nhà thờ được nhà nước tài trợ, nơi cậu bị lột bỏ ngôn ngữ, tôn giáo và văn hóa. Cậu còn bị lạm dụng thân xác và tình dục.

Khi cậu trở về nhà 12 năm sau, mẹ cậu không nhận ra con của mình.

Cậu hỏi: “Xin lỗi do đưa tôi xa gia đình, đánh mất văn hóa và tuổi thơ cùng với tình mẫu tử… Sao lại xin lỗi vì vậy kìa?”.

Cậu vẫn đang ở Ottawa khi Thủ tướng Canada Stephen Harper bước lên hội trường Quốc hội để ngỏ lời xin lỗi về hành xử của đất nước và xem đó là một trong những chương đen tối nhất của lịch sử Canada.

Đồng hóa

Từ cuối thế kỷ 19 đến cuối những năm 70 của thế kỷ 20, khoảng 150.000 trẻ em bản xứ ở Canada bị đưa ra khỏi nhà, buộc vào những trường học gọi là trường cư dân.

Thoạt đầu mở rộng truyền giáo là công việc của các nhà thờ, trường học chỉ bắt đầu nhận tài trợ từ nhà nước năm 1874 sau khi Chính phủ không theo đuổi chính sách cổ vũ tự trị cho dân bản xứ và thay vào đó tìm cách đồng hóa họ.

Từ 1920, việc đi học là cưỡng bức với thiếu niên từ 7 đến 15 tuổi, mặc dù nhiều học sinh hồi đó nói các em bị mang đến trường khi còn nhỏ tuổi hơn nhiều.

Trong khi một số phụ huynh muốn con họ được giáo dục và cảm thấy cần hội nhập vào xã hội Canada, nhiều trẻ em bị rứt ra khỏi gia đình và cộng đồng bằng bạo lực.

Mục đích của việc đồng hóa là cải đạo Thiên chúa cho các em và xóa bỏ tất cả mọi dấu vết của văn hóa bản xứ. Một quan chức Chính phủ vào cuối những năm 1920 khoe chỉ trong hai thế hệ, hệ thống đã kết thúc “vấn đề dân Da đỏ”.

Ông ta nói đã “giết chết Da đỏ trong đứa nhỏ.”

Điều này – theo Phil Fontaine, lãnh đạo Hội đồng Những Quốc gia Đầu tiên đại diện cho những người Da đỏ và chính ông là một cựu học sinh – đã gây nên “tổn thất sâu sắc, mất mát và đau buồn cho các cá nhân, gia đình, cộng đồng và những thế hệ tiếp theo.”

Ông còn nói hệ thống là “đồng hóa dựa trên những tiền đề về chủng tộc – tiền đề của tự ti, bất kính, phân biệt và bất bình đẳng”.

Không cảm xúc

Rất nhiều trong số các trường Thiên chúa dành cho các em có điều kiện sinh hoạt tệ hại, với vệ sinh tồi, quá tải và thiếu chăm sóc y tế.

John Milloy, giáo sư nghiên cứu về người Canada thuộc Đại học Trent ở Ontario, đã viết một quyển sách về hệ thống trường học, phản ánh một thực tế gây tranh cãi là để học sinh bệnh và khỏe mạnh ở chung, dẫn đến tỉ lệ tử vong cao do bệnh lao.

Cùng với nỗi buồn khổ phải xa gia đình, nhiều trẻ còn bị ngược đãi và lạm dụng tình dục, mặc dù mãi đến cuối những năm 70 và đầu 80 của thế kỷ 20 những vấn đề này mới được tiết lộ.

Nay không rõ bao nhiêu trẻ đã bị lạm dụng, nhưng báo cáo từ những cựu học sinh cho thấy khá phổ biến.

Ông Cachagee, nay 68 tuổi, kể ông được một nữ nhân viên ở trường của ông tại Chapleau, Ontario, mơn trớn, và rồi bị đánh bằng dây da khi ông yêu cầu cô ngưng lại.

Ông nhớ lại: “Tôi mới khoảng năm-sáu tuổi. Tôi bị bắt nằm co quắp trên sàn nhà trong khi cô ấy cứ thế quất”.

Nay là chủ tịch Hội Cư dân Bản xứ Sống sót trong trường học, vốn đại diện cho những cựu học sinh, ông nói vấn đề lớn nhất cho những người sống sót là có thể diễn đạt cảm xúc của mình: “Tất cả cảm xúc đối với những người bình thường, chúng tôi không có được. Chúng tôi được dạy rằng ngôn ngữ của chúng tôi là của loài quỉ và chúng tôi là bọn Da đỏ bẩn thỉu. Họ giáo dục chúng tôi những điều thật sự phản giáo dục, và chẳng ngại khi đối xử trái khoáy với các học sinh cư dân”.

Là kẻ nghiện rượu và sử dụng ma túy suốt 20 năm, đến khi bước vào tuổi 40 ông Cachagee mới sắp xếp để thay đổi cuộc sống, trở lại đại học, tái lập mọi quan hệ với con cái và gia đình và cuối cùng nhận chân được giá trị văn hóa và ngôn ngữ Cree của mình.

Quan hệ không thể thực hiện

Xin lỗi của Chính phủ là một phần của 2 tỉ đô-la Canada (C$) trọn gói theo thỏa thuận với các cộng đồng cư dân bản địa năm 2005.

Theo đó, khoảng 86.000 cựu học sinh sẽ đủ tư cách nhận 10.000 C$/ người, thêm 3.000 C$ cho mỗi năm họ ở trong trường.

Thỏa thuận cũng tài trợ cho Quĩ Y tế Thổ dân, và một chương trình sự thật và hòa giải.

Nhiều lãnh đạo thổ dân đòi hỏi Chính phủ buộc phải xin lỗi, do đàm phán về thỏa thuận hòa giải được bắt đầu sau khi một số cựu học sinh đòi kiện Chính phủ và Giáo hội Thiên chúa.

Họ cũng chỉ rõ Anh giáo, Giáo hội Scotland và Giáo hội Thống nhất ở Canada đã lên tiếng xin lỗi về phần mình trong hệ thống chung từ cuối những năm 80 đến đầu 90 của thế kỷ 20.

Giáo hội Thiên chúa giáo, vốn điều hành đa số các trường học, chưa bao giờ chính thức xin lỗi, nhưng nhiều giám mục Canada dự phần đàm phán trong thỏa thuận hòa giải.

Ông Fontaine nói ông không được hỏi về câu xin lỗi và Cachagee cũng vậy. Thẩm phán Ontario, Harry LaForme, cầm đầu ủy ban sự thật và hòa giải, nói tất cả sẽ tùy thuộc nội dung của lời xin lỗi.

Ông miêu tả quan hệ hiện tại giữa Chính phủ với cộng đồng thổ dân bản xứ là “không tốt và đầy những ngờ vực và hiểu lầm.” Theo ông: “Không thể thực hiện, và điều đã xảy ra với cư dân từng đi học là một phần trong đó.”

Dửng dưng và lạc quan

Hy vọng là một lời xin lỗi đầy đủ và chân thành sẽ là điểm khởi đầu mới, mà theo Mike Cachagee: “Một điểm tham khảo cho một bắt đầu mới”.

Chuck Strahl, Bộ trưởng Phát triển Vấn đề Da đỏ và miền Bắc, nói ông hy vọng nó sẽ mang lại “hy vọng, lòng tin mới, tôn trọng và tín nhiệm lẫn nhau” giữa dân bản xứ và Chính phủ.

1,2 triệu cư dân bản xứ của Canada là nhóm những người nghèo nhất và lạc hậu nhất nước. Tỉ lệ nghiện rượu, nghiện ma túy và tự tử trong số thổ dân đều cao hơn so với những người Canada không phải gốc bản xứ.

Ông Cachagee nói: “Thổ dân đã sinh sống ở Canada hàng 30.000 năm. Chúng tôi từng là một cộng đồng đầy sức sống và nghị lực trong suốt ngần ấy năm. Rồi chúng tôi gặp bước ngoặt hoàn toàn về đạo đức, văn hóa và tinh thần”.

Theo ông, nhìn chung thái độ của người Canada với những gì đã xảy ra là dửng dưng: “Giống như con voi trong phòng khách mà chẳng ai muốn để mắt tới”.

Quan điểm của ông được ông LaForme lập lại, thêm công chúng Canada không mấy ý thức về lịch sử của người dân bản xứ.

Ông Cachagee nói ông nghĩ lời xin lỗi của Chính phủ sẽ không giúp ông cảm thấy khác biệt chút nào về những gì đã xảy ra đối với ông hoặc dân tộc ông. Ông nói: “Nhưng tôi lạc quan điều này sẽ rọi ánh sáng vào những vấn đề mà cư dân bản xứ phải giải quyết, để thái độ của cháu tôi và chắt tôi – và thái độ của những người Canada đối với chúng – sẽ khác đi”.

Quang Hùng

(theo AP)


Bình luận (0)