Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Sự kiện giáo dụcTin tức

Đào tạo nghề cho người lao động yếu thế ở Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) vừa có buổi làm việc với Đại sứ quán Hàn Quốc về dự án đào tạo nghề cho người lao động yếu thế. Theo đó, phía Hàn Quốc có nguyện vọng đưa dự án đào tạo nghề cho người lao động yếu thế vào triển khai tại một cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam. Đây là dự án đầu tư với kinh phí hoàn toàn của Hàn Quốc tài trợ, nguồn vốn từ 10 tới 20 triệu USD trong 5 năm. Nguồn vốn đầu tư có thể thay đổi tùy thuộc vào quy mô thực hiện dự án. Tại buổi làm việc, các đại biểu của đoàn công tác Đại sứ quán Hàn Quốc cho rằng do đối tượng được đào tạo trong dự án là người lao động yếu thế có tính chất đặc thù, vì vậy khi thiết kế chương trình đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cần tính đến tính đặc thù đó. Đồng thời đề nghị Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp hướng dẫn, hỗ trợ về mặt cơ chế, hồ sơ, thủ tục để triển khai đề án tại Việt Nam. Trong khi đó, lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng cho rằng, khi triển khai dự án nhất thiết phải theo cơ chế  đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp mới đảm bảo người lao động yếu thế khi hoàn thành chương trình sẽ có việc làm nuôi sống bản thân, đóng góp cho xã hội. Thay vì triển khai tại một trường theo dự kiến, phía Hàn Quốc nên nghiên cứu để triển khai thêm ở một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác.

Trao đổi với phía bạn, lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết hiện nay Việt Nam có khoảng 1.900 trường CĐ-TC và trung tâm GDNN. Thời gian qua, Chính phủ đã quan tâm đầu tư cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp, tuy nhiên nguồn lực đầu tư còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Vì vậy, tổng cục kêu gọi các nguồn lực đầu tư từ nước ngoài cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Về dự án đào tạo nghề cho người lao động yếu thế, cần có một thỏa thuận hợp tác làm cơ sở để Bộ LĐ-TB&XH đề xuất với Chính phủ hai nước phê duyệt dự án. Việc đào tạo lao động yếu thế cần được triển khai đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Hai bên sớm thành lập tổ công tác để phối hợp, trao đổi sâu và cụ thể các nội dung về dự án.

T.Anh

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)