Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

ĐH đẳng cấp quốc tế: Đường dài xa ngái…

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Một trường dạy chay thì không ai gọi là ĐH đẳng cấp quốc tế. Rõ ràng là phương tiện để nghiên cứu của mình còn thiếu và yếu. Muốn đạt được đẳng cấp quốc tế cần phải có chính sách và phải nhanh lên vì số người biết làm NCKH không còn nhiều nữa.

VietNamNet đã có cuộc trao đổi với GS Phạm Duy Hiển, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt về vấn đề này.

Đẳng cấp quốc tế – chặng đường dài

Thưa GS, hiện nay trên thế giới người ta xếp hạng ĐH đẳng cấp quốc tế theo những tiêu chí nào?

– Nói chung, có 2 cách xếp hạng. Thứ nhất, ĐH Giao thông Thượng Hải đã xếp hạng 500 trường ĐH “top” trên thế giới qua các thành tích nghiên cứu khoa học (NCKH) tầm quốc tế như giải Nobel và Fields, số nhà khoa học được trích dẫn thường xuyên nhất, số bài báo quốc tế và số lần được trích dẫn dựa trên cơ sở dữ liệu của Viện Thông tin Khoa học ISI (Philadelphia).

Một cách xếp hạng thứ 2 theo Times Higher Education ở Anh dựa trên kết quả thăm dò hàng nghìn học giả thuộc nhiều nước cùng với ba tiêu chí khác là tỷ số giảng viên/sinh viên, mức độ toàn cầu hoá căn cứ trên phần trăm số giảng viên và sinh viên nước ngoài và số lần trích dẫn các bài báo quốc tế.   

Dĩ nhiên là 2 cách xếp hạng cho ra những kết quả có khác nhau. Rất nhiều trường ở khu vực châu Á vì đông người nước ngoài đến dạy, đông sinh viên nước ngoài đến học như nhiều trường ĐH của Úc chẳng hạn, họ lọt được vào top 200 theo cách xếp hạng thứ hai, nhưng không có trong danh sách theo cách thứ nhất.

Cũng như thế, trong cách xếp hạng thứ hai năm 2005, ĐH Chulalongkorn ở Bangkok “bất ngờ” lọt vào vị trí thứ 121 trong “top” 200 trên toàn thế giới, thậm chí còn trên cả các ĐH rất nổi tiếng như Maryland hay Texas A&M của Mỹ, hoặc bằng vai phải lứa với các bậc lão làng như Gottingen ở Đức và Liverpool ở Anh. Trong khi theo kiểu xếp hạng của ĐH Giao thông Thượng Hải thì Chulalongkorn chưa lọt vào top 500.

Tuy hai cách xếp hạng khác nhau nhưng tựu trung lại, trường ĐH đẳng cấp quốc tế trước hết phải có NCKH ở trình độ quốc tế. Các công trình khoa học phải công bố ra được ở các tạp chí quốc tế có uy tín, được nhiều người trích dẫn, đây là tiêu chí rất quan trọng. Chứ anh đóng cửa, không giao thiệp với ai cả, thì dĩ nhiên không thể gọi là quốc tế được. Hoặc nghiên cứu ra được nhiều sản phẩm hay, hiệu quả lớn, mà không có bài báo quốc tế hoặc bằng phát minh, thì thế giới cũng không công nhận. Hội nhập vào sân chơi quốc tế thì phải chấp nhận luật chơi quốc tế.

Nhưng luật chơi quốc tế không phải không có lý. Bởi vì NCKH ở trình độ cao quyết định chất lượng đào tạo, chất lượng người thầy, nhờ đó mới có mối quan hệ quốc tế rộng rãi, thu hút nhiều học sinh từ các nước đến học. Còn anh nói đủ chuyện hay ho về nhà trường của mình, nhưng không NCKH ở trình độ cao thì… chịu!  Nhưng theo tôi, NCKH trình độ cao lại chính là điểm yếu nhất của các trường đại học nước ta hiện nay khi bàn đến chuyện đẳng cấp quốc tế.

Gần đây, Trường ĐH KHTN (ĐHQGHN) có đặt mục tiêu phấn đến đến năm 2020 trở thành trường ĐH nghiên cứu tiên tiến trong đó có một số ngành và chuyên ngành có chất lượng đào tạo và NCKH ngang tầm các trường ĐH tiên tiến trong khu vực châu Á. GS có nghĩ rằng mục tiêu này sẽ thành hiện thực và lúc đó chúng ta sẽ có trường ĐH đẳng cấp quốc tế?

– So với các trường trong nước, ĐH KHTN HN là trường lâu năm, có kinh nghiệm, có chất lượng và cũng có nhiều công bố quốc tế, nhưng chả thấm gì so với các trường hàng đầu ở Thái Lan, Malaysia, chưa nói đến các trường danh tiếng ở Nhật, Trung Quốc, Ấn độ hay Singapore. Muốn đến năm 2020 đuổi kịp các trường ĐH như Chulalongkorn hay Malaysia thì đã phải “vắt chân lên cổ” mà chạy rồi, huống hồ đuổi kịp các trường ở những nước tiên tiến hơn. Nếu cứ duy trì tình trạng như hiện nay thì rất khó!

GS Phạm Duy HiểnMột thực tế là ở các trường ĐH hiện nay, thế hệ trẻ làm khoa học chuyên nghiệp ngày càng ít dần. Trường ĐH KHTN HN, nơi công bố nhiều bài báo quốc tế nhất là Khoa Vật lý. Vừa rồi tôi có tham gia ra đề và chấm thi cho Olympic Vật lý quốc tế, qua đó có dịp tiếp xúc với nhiều thầy giáo Vật lý từ nhiều trường ĐH. Các thầy giáo đều than rằng số người dạy tốt và biết NCKH ngày càng ít đi, có khi sắp đến sẽ không còn bao nhiêu. Đây thực sự là một đe dọa lớn nên các anh phụ trách phải tính toán rất chu đáo và phải dốc sức quyết liệt thì may ra mới nâng chất lượng đào tạo và NCKH lên được.

Nhưng đây đâu chỉ là việc riêng của các vị phụ trách Trường ĐH KHTN, thậm chí của Bộ GD-ĐT. Bộ KHCN không thể đứng ngoài cuộc, vì NCKH thuộc hệ thống của Bộ KHCN. Phải thay đổi cơ chế quản lý khoa học để tập trung xây dựng các trung tâm, nhóm nghiên cứu và giảng dạy trình độ cao ở các trường đại học. Những trung tâm chất lượng cao này phải là chủ thể và hiện thân của nền khoa học và ĐH nước nhà thay vì bộ máy hành chính rườm rà, khô cứng và kém hiệu quả như hiện nay.

Đây còn là việc của nhiều bộ, ngành khác có liên quan đến hoạch định chính sách. Thí dụ, không thể có ĐH đẳng cấp quốc tế mà người thầy không sống nổi bằng đồng lương, phải đi chạy xô dạy ngoài. Người thầy phải toàn tâm toàn ý, một phần ba thời gian giảng dạy, hai phần ba thời gian NCKH. Lại phải khuyến khích các thầy tham gia các diễn đàn khoa học quốc tế, có chế độ thích đáng khi công trình được đăng trên các tạp chí quốc tế…

Một trường đại học Việt Nam nào đó lọt vào top 200 của thế giới vào năm 2020 không thể là chuyện riêng của trường ấy. Nó là đỉnh của một hình tháp về KHCN, giáo dục và dân trí. Không thể xây đỉnh cao trên một nền tháp yếu. Vì vậy cần phải thay đổi rất nhiều chuyện, cả bên trong lẫn bên ngoài nhà trường.    

Theo báo cáo của trường, năm 2008, họ thu học phí chỉ có 14 tỷ nhưng NCKH lại đạt được 25 tỷ đồng, đồng thời cũng có 110 bài báo đăng tạp chí quốc tế, GS đánh giá thế nào về thành tích này?

– Bài báo quốc tế cũng có lắm loại. Hiện nay, Trung tâm Thông tin Khoa học, Bộ KHCN vừa mới mua được quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu ISI Web of Knowledge, nơi đây cập nhật thông tin từ hơn 8.000 tạp chí khoa học quốc tế có uy tín và thường được xem là đủ “tiêu chuẩn” quốc tế. Việt Nam ta chưa có tạp chí nào lọt vào chỗ “sang trọng” này. Xin trích ra dưới đây thông tin cập nhật cuối năm 2006 so sánh hai ĐH KHTN Hà Nội với ĐH Chulalongkorn, Bangkok, mà tôi có sẵn trong máy tính từ trước để minh họa.

Thành tích công bố quốc tế năm 2004 của ĐH KHTN Hà Nội so với ĐH Chulalongkorn, Bangkok

 

Tổng số bài báo quốc tế lấy địa chỉ từ hai trường

Số bài báo do người Thái hoặc người Việt làm corresponding author

ĐH KHTN Hà Nội

33

10

ĐH Chulalongkorn, Bangkok

468

363

Số lần đội bạn nhiều hơn ta

14

36

Xin giải thích thêm. Trong số các bài báo quốc tế lấy địa chỉ từ hai trường (cột thứ hai) có nhiều bài do cán bộ của trường đi hợp tác với nước ngoài, bài báo có tên người nước ngoài đồng tác giả. Vì con số này không phản ánh thực chất các nỗ lực phát triển NCKH ở trong nước, nên chúng tôi lọc ra những bài báo do người của trường chủ trì -corresponding author (cột thứ ba). Ở đây bao gồm những bài báo làm ngay tại nước sở tại (nội lực) cộng với số bài do hợp tác với người Mỹ, người Nhật…, nhưng người Thái hoặc người Việt đóng vai trò chính, chứ không phải người Mỹ, người Nhật.

Những con số ở bảng trên cho thấy nội lực của Thái Lan về NCKH rất mạnh, vượt xa ta rồi. Điều đáng nói là người Thái tăng tốc rất nhanh trong vài năm gần đây.

Không tiền không làm khoa học được

Như vậy theo GS, để giáo dục ĐH Việt Nam tiến lên tầm khu vực cũng như quốc tế thì chúng ta phải bắt đầu từ đâu?

– Phải bắt đầu, thậm chí bắt đầu lại, từ nhiều việc như tôi vừa nói trên. Song soát xét lại, tôi thấy nội lực của ta hiện chưa đủ để có những bước đột phá trong vài năm tới. Bộ GD-ĐT chủ trương đào tạo 2 vạn tiến sỹ để bổ sung nhân lực trình độ cao cho hệ thống ĐH trong nhiều năm tới, trong số đó một nửa được đào tạo trong nước.

Có thể con số 2 vạn quá lớn, làm cho nhiều người dị ứng với chủ trương này. Song tôi cho rằng mạnh dạn chủ trương như thế là rất đúng. Có điều, thực hiện như thế nào. Ta không chờ đợi 2 vạn ông tiến sỹ mang áo mão về trình làng từ nay đến 2020.

Nếu không có chỗ NCKH và giảng dạy nghiêm túc, thì phần lớn hoặc sẽ leo lên các nấc thang hành chính, hoặc sẽ tìm đường trở lại nước ngoài. Nghĩa là công cốc! Do đó, phải gắn mục tiêu đào tạo 2 vạn tiến sỹ và trường ĐH đẳng cấp quốc tế với việc xây dựng những trung tâm NCKH chất lượng cao ở một số trường ĐH.

Tôi đề nghị cần khởi động ngay một đề án mười năm nhằm nâng cấp và xây dựng mới khoảng 200 bộ môn ở các trường ĐH đủ trang thiết bị hiện đại và hàng năm mời 200 chuyên gia nước ngoài đến làm việc.

Đầu tư trung bình cho mỗi cơ sở khoảng 5 triệu USD, bao gồm trang thiết bị và vận hành trong mười năm. Tổng đầu tư sẽ bằng 5 triệu USDx 200 = 1 tỷ USD, nghĩa là 100 triệu USD/năm. Tính thêm chi phí hợp tác quốc tế và thuê chuyên gia nước ngoài sẽ lên đến 125 triệu USD/năm.

Nhưng như thế thì rất tốn kém, mà chúng ta là nước nghèo, GS nghĩ sao về nghịch lý này?

– 125 triệu USD/năm có thấm vào đâu so với các thất thoát hiện nay. Xem ra con số này lại rất phải chăng. Nó chưa bằng ¼ ngân sách nhà nước rót cho KHCN trung bình hàng năm trong mười năm tới tính theo 0,5% GDP. Mà có ai đánh giá được hiệu quả đầu tư hơn 400 triệu USD hằng năm cho KHCN hiện nay là thế nào đâu? Tôi cho rằng thất thoát và kém hiệu quả nhiều lắm! Chi bằng bỏ ra một phần tư khoản ngân sách nhà nước đó để làm như tôi đề nghị trên đây, hiệu quả sẽ rõ ràng ngay.

Vả lại, kinh phí để đào tạo 1.000 tiến sỹ ở nước ngoài hằng năm cũng đã lên đến 70 triệu USD, mà tiền của đó không để lại một dấu vết nào ở trong nước. Còn nếu làm theo phương án tôi đề nghị, bộ mặt KHCN và ĐH nước ta chẳng những thay đổi nhiều, mà các trung tâm tiên tiến này sẽ còn trực tiếp đào tạo SV, góp phần không nhỏ vào việc giải quyết những bài toán kinh tế – xã hội của đất nước. Rồi thì các trung tâm chất lượng cao này sẽ “hái” ra tiền đấy!

Ngay một nửa số tiến sỹ đào tạo trong nước cũng cần rất nhiều tiền, đào tạo chay sao được. Bộ GD-ĐT yêu cầu mỗi tiến sỹ phải công bố được một bài báo quốc tế. Nghĩa là mỗi năm, các “lò luyện” tiến sỹ nội địa phải công bố ít nhất 500 bài báo quốc tế, với cái “giá” 50 triệu USD căn cứ theo giá “chuẩn” không dưới 100 nghìn USD/bài báo ở một số nước nghèo như Trung Quốc, Ấn Độ. Đưa ra một vài con số trên đây để thấy rằng đầu tư vào đây không nhiều, hoàn toàn trong tầm tay của các chương trình kế hoạch Nhà nước đang thực thi.

Tôi nhớ lại sau giải phóng Thủ đô (năm 1954), cách đây hơn 50 năm, ta có biết khoa học là gì đâu, nên phải xây dựng các phòng thí nghiệm, rồi mời chuyên gia Liên Xô sang giúp, có người làm việc 2-3 năm, nhờ vậy mà xây dựng được những cơ sở khoa học và trường đại học đầu tiên của đất nước. 

Như thế theo GS cần thời gian bao lâu để đạt được trường ĐH đẳng cấp quốc tế?

– Không thể nói trước chuyện này được bởi vì khoảng cách giữa các trường của mình về mặt NCKH với các trường chỉ trong khu vực thôi còn khá xa và rất không đồng đều. Ví dụ, Trường ĐH KHTN có Khoa Toán, Lý nghiên cứu tốt, giờ làm sao đẩy các khoa khác lên. Bao giờ đạt được? Có lẽ chưa nên đặt câu hỏi đó trước khi nói hết các giải pháp toàn diện.

Nếu chưa thấy những giải pháp thực sự mang tính đột phá, thì tôi xin nói đến năm 2020 ta không thể lọt được vào top nào cả, bởi các nước khác họ tiến lên còn nhanh hơn ta, làm gì còn chỗ mà chen chân.

Tôi không đồng tình cách làm quy hoạch cho năm mốc 2020 mà chỉ dựa trên ý muốn, ý thích. Hứa sẽ có trường ĐH lọt vào top này top khác của thế giới mà không thấy nói ra giải pháp gì thì chẳng khác nào ta đi vay niềm tin của công chúng mà không hề có thế chấp. Hậu quả nhãn tiền.

– Xin cảm ơn Giáo sư!

Bảo Anh (vietnam.net)

 

 

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)