Hệ thống học tập cộng đồng tại TP.HCM được tổ chức dưới nhiều loại hình trường, lớp đã mang đến một môi trường học tập, rèn luyện mọi lúc, mọi nơi trên mọi lĩnh vực cho người dân. Qua đó góp phần cải thiện sinh hoạt văn hóa, nếp sống văn minh người dân.
Đồng chí Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM phát biểu tại “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” cấp thành phố năm 2019
Đa dạng loại hình để người dân tham gia học tập
Những năm gần đây, mạng lưới trung tâm GDTX, GDNN – GDTX có nhiều chuyển biến tích cực về chất lượng dạy và học. Năm học 2019 – 2020, các trung tâm đã tận dụng tối đa cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để tiếp nhận học viên vào học văn hóa, kể cả học viên vừa học văn hóa vừa học nghề. Có 73 lớp bậc THCS với hơn 1.800 học viên, 618 lớp bậc THPT với hơn 23.400 học viên theo học. Một số trung tâm phối hợp với các trường trung cấp dạy văn hóa theo chương trình GDTX cấp THPT cho hơn 3.700 học viên, đồng thời thực hiện dạy trung cấp nghề cho gần 2.000 học viên và dạy nghề ngắn hạn cho khoảng 700 người dân.
Kết quả đánh giá về học lực, hạnh kiểm và tỷ lệ lên lớp, đậu tốt nghiệp THPT, đậu vào các trường đại học, cao đẳng của học viên luôn duy trì và củng cố, phát triển hàng năm. Được giáo dục toàn diện, học viên có kỹ năng sống tốt. Nhiều trung tâm được các cấp quản lý từ quận, huyện đến thành phố khen thưởng.
Hoạt động hệ thống trung tâm ngoại ngữ, tin học cũng không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng, đa dạng loại hình. Toàn thành phố có 868 trung tâm, trong đó có 787 trung tâm chuyên dạy ngoại ngữ, 8 trung tâm chuyên dạy tin học và 73 trung tâm dạy cả hai loại hình. Riêng trung tâm dạy tiếng Anh chiếm gần 98%, còn lại dạy tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Hoa, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Việt cho người nước ngoài.
Công tác dạy tin học, chương trình ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản và dạy nghề tin học cho học viên được thực hiện tốt. Các trung tâm thường xuyên phối hợp với các trường đại học, đơn vị khác trong việc tư vấn tâm lý, giáo dục kỹ năng sống cho học viên thông qua các chủ đề cụ thể.
Với hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng cũng hết sức sôi nổi. Có 319 trung tâm tại 319 phường, xã, thị trấn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia học tập, sinh hoạt. Mỗi quận, huyện xây dựng một số trung tâm nguồn để làm hạt nhân cho các hoạt động ở địa phương, đồng thời hỗ trợ hoạt động cho các trung tâm khác. Phần lớn các trung tâm có máy vi tính kết nối mạng internet, có tủ sách riêng với hàng chục ngàn đầu sách các loại phục vụ học tập cho người dân.
Nhiều hộ dân đạt danh hiệu “Gia đình học tập”
“Học tập cộng đồng” còn là sự học tập của một cộng đồng dân cư với quy mô từ một gia đình đến cấp quốc gia. Trong đó có sự nỗ lực của mỗi người dân trong vấn đề tự học, tự đào tạo cùng với chính sách của quốc gia và quốc tế về phát triển học tập trong các cộng đồng dân cư. Do đó, xây dựng hệ thống học tập cộng đồng còn được ngành GD-ĐT TP.HCM phối hợp với các sở, ngành, hội, đoàn thể, các quận, huyện, phường, xã thực hiện xóa mù chữ, phổ cập giáo dục theo các đề án của trung ương và thành phố.
Nổi bật phải kể đến thực hiện Thông tư số 44 năm 2014 của Bộ GD-ĐT quy định về đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập cấp xã”. Hàng năm, hội khuyến học quận, huyện, phường, xã, thị trấn phối hợp với các phòng GD-ĐT tổ chức kiểm tra, đánh giá, xếp loại phường, xã, thị trấn theo 15 tiêu chí và 50 chỉ tiêu. Các tiêu chí, chỉ tiêu đặt ra trong tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội như GD-ĐT, công bằng xã hội, giảm nghèo, đời sống văn hóa, bình đẳng giới, vệ sinh môi trường, sức khỏe cộng đồng, an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Những học sinh vượt khó học giỏi được động viên, khen thưởng tại “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” cấp thành phố năm 2019
Năm 2019, có 301 phường, xã, thị trấn đạt loại tốt (tỷ lệ 94,36%); 17 phường, xã đạt loại khá (tỷ lệ 5,33%) và 1 phường chưa đánh giá (tỷ lệ 0,31%). Kết quả cho thấy, môi trường học tập và điều kiện an sinh xã hội của người dân thành phố luôn được các cấp quản lý quan tâm, đầu tư đúng mức và đạt hiệu quả cao.
Thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020” của UBND thành phố, các chỉ tiêu đặt ra về xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, phổ cập giáo dục; chỉ tiêu về học tập nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề của cán bộ, công chức, viên chức; chỉ tiêu lao động nông thôn đang làm việc đã qua đào tạo và tham gia học tập tại trung tâm học tập cộng đồng; chỉ tiêu giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên … về cơ bản đều đạt và vượt.
Thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” theo Quyết định 281 của Thủ tướng Chính phủ cũng luôn đạt kết quả cao. Các mô hình học tập, hội khuyến học quận, huyện tiếp tục triển khai thực hiện bộ tiêu chí và hướng dẫn quy trình đánh giá, công nhận các mô hình học tập một cách đồng bộ. Cán bộ, đảng viên và hội viên nắm vững ý nghĩa, nội dung tiêu chí, cách đăng ký và đánh giá các mô hình.
Năm 2019, có 1.174.351/1.843.041 tổng số hộ dân đạt danh hiệu “Gia đình học tập” (tỷ lệ 63,72%); 743/962 dòng họ đạt “Dòng họ học tập” (tỷ lệ 77,23%); 2.478/2.832 khu phố và tổ dân phố đạt “Cộng đồng học tập” (tỷ lệ 87.50%) và 1.926/2.130 đơn vị đạt “Đơn vị học tập” (tỷ lệ 90,42%). Danh hiệu học tập được công nhận đã lan tỏa trong mỗi người, mỗi gia đình, dòng họ, mỗi cơ quan, đơn vị và cả cộng đồng, minh chứng được tinh thần học tập không ngừng của mọi người dân trong cuộc sống đang chuyển mình đổi mới từng ngày.
Ngoài ra, thành phố còn tích cực tổ chức các sự kiện “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời”; “Ngày sách Việt Nam”; Xây dựng “Thành phố học tập” và tham gia mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.
Trong đó, “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu vào tuần đầu tháng Mười hàng năm của người dân. Năm 2019, “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” cấp Thành phố diễn ra với chủ đề: “Học tập suốt đời – Học tập thông minh để trở thành công dân tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội văn minh”. Các quận, huyện và Thành phố đã khen thưởng cho 219 tập thể và 1.296 cá nhân có thành tích gương mẫu, điển hình trong việc tự học nâng cao trình độ bản thân và các hoạt động nổi trội trong công tác xây dựng xã hội học tập tại địa phương.
Hoạt động “Ngày sách Việt Nam” được đẩy mạnh qua việc thực hiện treo băng tôn tuyên truyền tại các cơ sở giáo dục; rà soát số lượng sách, báo, tạp chí để bổ sung vào tủ sách, thư viện, phục vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh. Đồng thời tổ chức các chuyên đề giới thiệu sách trong kế hoạch đọc sách hàng tháng nhằm đưa thư viện đến gần hơn với học sinh và giáo viên, giúp học sinh hình thành thói quen đọc sách mở rộng kiến thức…
Nhìn chung, hệ thống học tập cộng đồng tại TP.HCM hiện nay đạt được nhiều kết quả tốt đẹp nhờ ngành giáo dục thực hiện nhiều giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Hệ thống đã mở được nhiều lớp học, chuyên đề bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp và người dân không ngừng được nâng cao nhận thức về học tập thường xuyên, học tập suốt đời, học tập thông minh… để phát triển bản thân. Qua đó góp phần cải thiện sinh hoạt văn hóa, nếp sống văn minh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân.
Minh Phương
Bình luận (0)