Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sở GD-ĐT TP.HCM hướng dẫn khai thác tài sản công tại các cơ quan, đơn vị trường học

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 6-2, Sở GD-ĐT TP.HCM có hướng dẫn về việc khai thác tài sản công tại các cơ quan, đơn vị trường học theo Nghị định số 114/2024/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 151/2017/NĐ-CP. Điểm mới đáng chú ý so với trước đây là Sở GD-ĐT TP nêu rõ: trường công lập không phải lập đề án sử dụng tài sản công, hiệu trưởng được trực tiếp quyết định khai thác tài sản công theo hình thức đấu thầu hoặc đấu giá.

Trường học không phải lập đề án sử dụng tài sản công

Không phải lập đề án, không phải báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng nêu rõ, theo quy định tại các khoản 1a, 2a, 3a, 4a, 5a, 6a Điều 41b Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 114/2024/NĐ-CP năm 2024, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng tài sản công để phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị thì không phải lập Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; không phải báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quyết định khai thác tài sản.

Tương tự, theo quy định tại các khoản 1b, 2b, 3b, 4b, 5b, 6b Điều 41b Nghị định số 151/2017/NĐ- CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 114/2024/NĐ-CP, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng tài sản công để phục vụ hoạt động phụ trợ, hỗ trợ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị không phải lập Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; đơn vị có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị khai thác tài sản trình người đứng đầu đơn vị quyết định.

Hiệu trưởng quyết định việc khai thác tài sản công tại trường

Đối với việc khai thác tài sản phục vụ hoạt động phụ trợ, hỗ trợ cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, Sở GD-ĐT TP.HCM nêu rõ người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định việc khai thác tài sản công tại đơn vị.

Có 2 hình thức khai thác:

– Đơn vị sự nghiệp công lập tự quản lý, sử dụng tài sản công để cung cấp các dịch vụ phục vụ hoạt động phụ trợ, hỗ trợ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị: Giá dịch vụ được thực hiện theo quy định của Nhà nước (đối với các dịch vụ thuộc trường hợp giá dịch vụ do Nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giá) hoặc do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định theo quy định về xác định giá dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách Nhà nước (đối với các dịch vụ không thuộc trường hợp giá dịch vụ do Nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giá).

– Cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện quyền khai thác tài sản công để cung cấp các dịch vụ phục vụ hoạt động phụ trợ, hỗ trợ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị: Người đứng đầu đơn vị có tài sản quyết định việc lựa chọn tổ chức, cá nhân khác thực hiện quyền khai thác theo hình thức đấu thầu/đấu giá và quyết định giá gói thầu/giá khởi điểm để tổ chức đấu thầu/đấu giá.

Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền khai thác được thu tiền dịch vụ theo mức giá quy định của Nhà nước (đối với các dịch vụ thuộc trường hợp giá sử dụng dịch vụ đó do Nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giá) hoặc quyết định mức thu bảo đảm bù đắp đủ chi phí và có tích lũy hợp lý (đối với các dịch vụ không thuộc trường hợp giá sử dụng dịch vụ đó do Nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giá).

Box: Trình tự, thủ tục khai thác tài sản công

Sở GD-ĐT TP.HCM hướng dẫn, để khai thác tài sản công, đơn vị sự nghiệp công lập lập hồ sơ đề nghị khai thác tài sản (trong đó nêu rõ sự cần thiết; danh mục tài sản khai thác (chủng loại, số lượng, diện tích, nguyên giá, giá trị còn lại); hình thức khai thác; thời hạn khai thác; dự kiến số tiền thu được (nếu có)), trình người đứng đầu đơn vị xem xét, quyết định.

Đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm cấp hóa đơn bán hàng cho các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về hóa đơn, chứng từ.

Số tiền thu được từ khai thác tài sản công, sau khi trừ đi các chi phí có liên quan, thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, phần còn lại là nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập được quản lý, sử dụng theo quy định của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Yến Hoa

 

Bình luận (0)