Trong tháng 1-2025, tình hình kinh tế – xã hội trên địa bàn TP.HCM đạt nhiều kết quả tích cực với tổng thu ngân sách 67.267 tỷ đồng. Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều thử thách, TP.HCM tiếp tục tận dụng tối đa các nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.

Tổng thu ngân sách 67.267 tỷ đồng
Ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM – cho biết, trong tháng 1 tình hình kinh tế – xã hội trên địa bàn TP tiếp tục đạt kết quả ấn tượng. Một số chỉ tiêu tháng 1 tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng thu ngân sách 67.267 tỷ đồng, đạt gần 13% dự toán, bằng 94,04% so cùng kỳ năm trước. Tháng 1, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 107.996 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ; Tổng thu du lịch ước đạt 18.530 tỷ đồng, tăng 42,6% so với cùng kỳ…
Ông Mãi thông tin, TP.HCM đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 là hơn 67.395 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là hơn 3.237 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là hơn 64.158 tỷ đồng, dự phòng ngân sách địa phương là hơn 16.753 tỷ đồng. Đến ngày 22-1-2025, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2025 của TP đã giải ngân 1.272 tỷ đồng.
“Trong tháng 2-2025, TP phải tập trung ngay vào công việc với tâm thế đổi mới quyết liệt; thực hiện nghiêm Chỉ thị 19 về kỷ cương hành chính. Từng sở, ngành, quận, huyện cập nhật, rà soát các nhiệm vụ, chỉ tiêu và giải pháp để phân công tổ chức thực hiện”, ông Mãi nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành ủy TP.HCM, TP.HCM đang ở thời điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là năm cuối của giai đoạn kế hoạch 5 năm, đòi hỏi toàn hệ thống chính trị phải nỗ lực hơn, quyết tâm hơn, đoàn kết hơn để đạt được những mục tiêu đã đề ra.
Trong năm 2025, TP.HCM cần tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, tận dụng tối đa các nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra. Trong đó, cần chú trọng các động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là chuyển đổi số, kinh tế số và đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, TP cần triển khai đồng bộ các giải pháp để hiện thực hóa Nghị quyết 57 của Quốc hội về cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM, tạo động lực cho TP bứt phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Một nhiệm vụ cần được chú trọng thực hiện trong năm 2025 là thực hiện tốt công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển. Đây là nhiệm vụ trọng yếu, đòi hỏi sự quyết tâm cao và cách làm bài bản, khoa học.
Bên cạnh đó, cần chú trọng tăng cường công tác quản lý xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Phát huy tinh thần đoàn kết, chung tay của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội.
“Với quyết tâm chính trị cao, sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân TP, tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra, đưa TP phát triển mạnh mẽ hơn trong năm mới”, ông Nên nhấn mạnh.
Tận dụng mọi nguồn lực để tăng trưởng 10%
Giai đoạn hiện nay, TP.HCM rất nỗ lực để đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số. Tuy nhiên đây là thách thức rất lớn đòi hỏi TP phải có nhiều giải pháp để thúc đẩy sự tăng trưởng.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân – Trợ lý Bí thư Thành ủy TP.HCM – cho rằng, để đạt mức tăng trưởng 10% trong năm 2025, TP cần thực hiện các giải pháp để nắm chắc mức tăng trưởng 8% và sau đó tiến thêm 2% còn lại. Các giải pháp cần được thực hiện theo lộ trình phù hợp tình hình thực tế. Vấn đề mấu chốt để TP nắm chắc mức tăng trưởng 8% là huy động vốn đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài khoảng 500.000 tỷ đồng. Sau khi đủ khả năng đạt mức tăng trưởng 8%, TP phải tập trung vào việc vận hành, khai thác Trung tâm Tài chính quốc tế, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ gắn với khu đô thị lấn biển, khu thương mại tự do. Ngoài ra, TP cần tận dụng các động lực tăng trưởng mới trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, lĩnh vực công nghiệp văn hóa để đạt được 2% còn lại.
TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn – thành viên Hội đồng tư vấn Nghị quyết 98 – cho rằng, Nghị quyết 98 định hướng chiến lược cho TP.HCM phát triển TOD (phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng), nếu TP làm tốt sẽ là hạng mục đi đầu giúp TP tăng trưởng 2 con số và những dự án này kỳ vọng kéo các lĩnh vực khác phát triển. Khi phát triển TOD không chỉ là metro mà cần nhấn mạnh đến hệ sinh thái TOD, bao gồm giao thông và các dự án trọng điểm.
TS.Trương Minh Huy Vũ – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM – góp ý, TP cần tiếp tục quyết liệt triển khai các dự án PPP đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật – xã hội, nhất là các công trình văn hóa và thể thao; mô hình TOD; thu hút nhà đầu tư chiến lược; nhóm vấn đề về tăng trưởng xanh (giao thông xanh, điện áp mái, Cần Giờ xanh, thí điểm thị trường tín chỉ carbon…).
Theo GS.TS Vũ Minh Khương – giảng viên Trường ĐH Quốc gia Singapore, TP.HCM có tiềm năng tăng trưởng rất lớn, trong đó cần chú trọng thêm hai vấn đề quan trọng. Đó là nâng cao trình độ quản lý của các doanh nghiệp và nguồn lực giúp các doanh nghiệp bán được sản phẩm với giá tốt hơn, xuất khẩu với chất lượng và ổn định cao hơn.
“Nguồn lực đang trong tay chúng ta, đó là các doanh nghiệp. Theo thống kê, hiện TP.HCM có khoảng 220.000 doanh nghiệp và nhiều doanh nghiệp lớn vẫn đang có những kế hoạch chưa thực hiện. Nếu TP không hỗ trợ, các doanh nghiệp sẽ không thể phát triển như kỳ vọng. Do vậy, cần khảo sát, hiểu thấu nhu cầu của doanh nghiệp và tạo ra sự cộng hưởng để thúc đẩy năng lực của TP”, GS.TS Khương chia sẻ.
Theo ThS. Nguyễn Xuân Thành – giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, để TP.HCM đạt mức tăng trưởng bền vững, điều quan trọng là phải thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh mới, thu hút đầu tư, đặc biệt là vào các lĩnh vực có tiềm năng phát triển. Nếu chỉ dựa vào các doanh nghiệp hiện hữu tăng trưởng theo cách tự nhiên thì rất khó đạt được những con số tăng trưởng ấn tượng. Do đó, cần tạo ra động lực để phát triển các ngành sản xuất mới, thu hút đầu tư vào hạ tầng và khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế chính thức.
Song Hậu
Bình luận (0)