Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM bắt đầu triển khai học bạ số trên toàn bậc tiểu học

Tạp Chí Giáo Dục

Sở GD-ĐT TP.HCM bắt đầu triển khai học bạ số trên diện rộng toàn cấp tiểu học sau giai đoạn thí điểm với học sinh lớp 1 năm học 2023-2024, nhằm giảm áp lực hồ sơ sổ sách cho giáo viên, tiết kiệm chi phí và minh bạch trong nghiệp vụ.

Thông tin được ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM chia sẻ, ngày 14-2.

Theo ông Quốc, ngay đầu năm học 2024-2025, TP.HCM đã hoàn tất thí điểm học bạ số với gần 133.000 học sinh lớp 1 năm học 2023-2024 (cả trong và ngoài công lập). Từ kết quả thí điểm, Sở GD-ĐT đã có những điều chỉnh, cập nhật, bổ sung về mô hình kỹ thuật, đáp ứng việc triển khai học bạ số trên diện rộng toàn cấp tiểu học từ năm học 2024-2025, đảm bảo tính liên thông trong bậc phổ thông.

“Việc triển khai học bạ số diện rộng sẽ giúp tăng cường thực hiện chuyển đổi số trong ngành giáo dục. Nâng cao hiệu quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính liên quan đến học bạ trên môi trường số; tăng cường hiệu quả quản lý, giảm áp lực cho giáo viên và cán bộ quản lý về hồ sơ, sổ sách; tiết kiệm chi phí và thuận tiện, minh bạch, hiệu quả trong thực hiện các nghiệp vụ chuyên môn như chuyển trường, tuyển sinh… và đáp ứng các nhu cầu xác thực thông tin liên quan đến học bạ” – ông Nguyễn Bảo Quốc đánh giá.

TP.HCM bắt đầu triển khai học bạ số trên diện rộng cấp tiểu học

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nêu rõ, học bạ số tiểu học được thực hiện theo mô hình kỹ thuật thống nhất, liên thông trong bậc phổ thông (tiểu học, THCS, THPT), bảo đảm về nội dung, giá trị pháp lý để thay thế học bạ giấy trong quản lý, sử dụng; bảo đảm lưu trữ đầy đủ, chính xác thông tin về kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trong quá trình học tập tại các cơ sở giáo dục; nhất quán, toàn vẹn thông tin khi học bạ số đã được phát hành (không thể thay đổi thông tin); bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật thông tin cá nhân theo quy định của pháp luật.

Học bạ số được xác thực điện tử theo quy định để có giá trị pháp lý khi sử dụng và thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến học bạ trên môi trường số; bảo đảm thuận tiện trong việc sử dụng, quản lý, tra cứu, xác thực học bạ trực tuyến; bảo đảm kỹ thuật để xuất ra bản thể hiện (bản mềm) và in được trên giấy theo mẫu học bạ được Bộ GD-ĐT quy định về học bạ giấy để sử dụng trong một số trường hợp cụ thể.

“Khi triển khai học bạ số không phát sinh chi phí đối với người học. Đối với trường chưa đủ điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin (máy tính, đường truyền, internet…) để triển khai học bạ số diện rộng toàn bậc tiểu học được tiếp tục sử dụng học bạ giấy và phải sớm có giải pháp thực hiện học bạ số” – ông Quốc nhấn mạnh.

Cũng theo ông Quốc, các cơ sở giáo dục sẽ chịu trách nhiệm về nội dung và tính pháp lý của học bạ số khi phát hành. Ông yêu cầu nhà trường cần ban hành quy chế nội bộ về tạo lập, quản lý, sử dụng học bạ số trong phạm vi cơ sở giáo dục; triển khai tập huấn, hướng dẫn khai thác, sử dụng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên có liên quan về sử dụng hệ thống học bạ số…

Với các phòng GD-ĐT, ông Quốc yêu cầu tổ chức tập huấn hướng dẫn, khai thác sử dụng hệ thống học bạ số cho các cơ sở giáo dục; Xây dựng kế hoạch, đề xuất các cấp quan tâm, tăng cường cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho các trường vùng khó khăn để tổ chức triển khai hiệu quả nhiệm vụ liên quan đến học bạ số.

Yến Hoa

Bình luận (0)