Thứ bảy, 27/4/2024, 18h00

Đoàn Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam học tập, chia sẻ kinh nghiệm về “Văn hóa trường học”

Sáng 27-4, đoàn công tác Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam do ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD-ĐT làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc, chia sẻ kinh nghiệm với Tập đoàn Giáo dục Quốc tế Nam Việt (TP.HCM) tại Trường MN, TH, THCS, THPT Nam Việt.


Ông Thái Viết Tường - (thứ 2 từ phải qua) tặng quà lưu niệm cho Tập đoàn Giáo dục Quốc tế Nam Việt

Tại đây, đoàn đã tham quan cơ sở vật chất, lắng nghe về hành trình phát triển của trường. Cùng tham dự tiết học báo cáo dự án môn ngữ văn lớp 11: “Vũ khúc Shakespeare”.

Dự án được khởi động từ ngày 26-2. Để thực hiện dự án, học sinh được chia thành 4 nhóm: Nhóm lẽ sống, Hướng dương, Vũ khúc và Biết tuốt. Trong đó, nhóm Hướng dương sẽ tự viết kịch bản, sân khấu hóa trích đoạn “Sống hay không sống, đó là vấn đề”; nhóm Lẽ sống sẽ vẽ tranh, làm sản phẩm mã vạch, thuyết trình về Shakespeare bằng công nghệ AI; nhóm Vũ khúc tìm kiếm hình ảnh và hát múa bài Aimer; nhóm Biết tuốt làm chiếc hộp kì diệu quét mã vạch để tìm hiểu thông tin.


Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam cho biết học được ở trường về văn hóa trường học và cung cách quản lý

Em Lê Nguyễn Quỳnh Anh (học sinh lớp 11A1, nhóm Lẽ sống) thích thú: Khi kết hợp công nghệ AI, hình ảnh, âm thanh tái hiện lại tác phẩm, môn ngữ văn đã không còn là môn học trừu tượng mà ngược lại đã khơi gợi cảm hứng học văn cho các bạn học sinh.

Chia sẻ với đoàn công tác, ông Nguyễn Đức Quốc - Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục Quốc tế Nam Việt cho biết, tập đoàn khởi điểm chỉ là một trung tâm luyện thi đại học, rồi phát triển thành trường, với quyết tâm đầu tư để cạnh tranh với các trường quốc tế, mang đến môi trường giáo dục theo chuẩn quốc tế tốt nhất cho học sinh Việt Nam.

Hiện nay, tập đoàn có đội ngũ trên 300 giáo viên trong nước và quốc tế. Trong đó, có 15 giáo viên nước ngoài đạt chuẩn. Toàn hệ thống tập đoàn với 10 cơ sở, trên 5.000 học sinh song chỉ có 1 hiệu trưởng, 1 hiệu phó chính cùng 3 hiệu phó phụ trách cơ sở. Nhà trường trả lương cho các hiệu trưởng, hiệu phó với mức lương như nhau - trên 100 triệu đồng/tháng.

“Quan điểm của nhà trường là thầy cô phải giúp học sinh cảm thấy thoải mái khi học tập. Mỗi thầy cô phải có thái độ, tác phong làm việc nghiêm túc. Thầy cô tạo thiện cảm với học sinh, phụ huynh ngay từ cổng trường, đón các em mỗi sáng đến trường. Đặc biệt là để dạy các em biết chào hỏi thì đôi khi chính thầy cô phải chào các em trước… mục đích cuối cùng là mang lại những điều tốt đẹp nhất cho học sinh”.

“Chúng tôi học được về văn hóa trường học, cung cách quản lý”

Ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam cho biết, đoàn công tác Sở GD-ĐT tỉnh thăm, làm việc với Tập đoàn Giáo dục Quốc tế Nam Việt với 60 thành viên là trưởng các phòng ban, ban giám hiệu các trường THPT, nhằm học tập nghiên cứu thêm về cách làm giáo dục tư thục. Trên thực tế, hệ thống giáo dục tư thục của tỉnh còn thiếu tính bền vững, dư địa phát triển còn hạn chế.


Tiết học báo cáo dự án của học sinh lớp 11, Trường MN, TH, THCS, THPT Nam Việt được ứng dụng AI

“Đến đây, chúng tôi học được về văn hóa trường học, cung cách quản lý. Cách xây dựng trường học hạnh phúc, văn minh, trường học mà tất cả mọi người đều có kỷ luật, hướng tới những điều tốt đẹp. Học sinh thấy thầy cô, người lớn thì biết chào, biết dọn vệ sinh để trường sạch đẹp… Đặc biệt, đó là về cách tổ chức nhân sự. Dù hệ thống với rất nhiều cơ sở nhưng có rất ít cán bộ quản lý. Làm hết công suất, cường độ làm việc, trả lương cao, tạo môi trường công bằng thì thầy cô cống hiến” - ông Tường nói.

Ông cho biết sau chuyến công tác, với tư cách là giám đốc sở sẽ đề cập những điều trên với đội ngũ cán bộ quản lý, đặc biệt là các trường tư thục. Nếu cần thiết thì thầy cô lại đi học hỏi trường tiếp…


Học sinh hướng dẫn các thầy cô trong đoàn công tác tìm hiểu về dự án

“Giáo dục tỉnh Quảng Nam đang hướng tới mục tiêu là thay đổi cả triết lý giáo dục, cách làm giáo dục, cách dạy và học để đào tạo con người Quảng Nam phát triển toàn diện, hội nhập quốc tế. Ở đó trước hết là phát triển phẩm chất năng lực học sinh, người học, đổi mới theo chủ trương của Đảng và nhà nước thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018…” - ông Tường nhấn mạnh.

Hiện nay, quy mô giáo dục tỉnh Quảng Nam nằm trong top 10 cả nước, với tổng số 725 trường học ở hệ công lập từ mầm non đến THPT. Toàn tỉnh có 69 trường tư thục, trong đó 62 trường mầm non, 1 trường THPT, còn lại là trường liên cấp. Toàn tỉnh có hơn 350.000 học sinh các cấp, với tổng số hơn 26.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên - chiếm 82% tổng số biên chế, viên chức toàn tỉnh.


Học sinh thể hiện sân khấu hoá trong báo cáo dự án

Theo ông Thái Viết Tường, những năm gần đây, chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn tỉnh Quảng Nam có nhiều tiến bộ vượt bậc. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT cũng như điểm bình quân tốt nghiệp THPT của Quảng Nam tương đương với bình quân chung của cả nước. Năm 2023, tỉnh có 71 học sinh đạt giải quốc gia, trong đó có 2 giải nhất, 11 giải nhì, 17 giải 3 và 41 giải khuyến khích. Xếp thứ 11 cả nước theo tỷ lệ giải và thứ 16 theo số lượng giải.

Dù vậy, với 18 đơn vị hành chính toàn tỉnh thì có tới 9 đơn vị là huyện vùng núi, trong đó có 6 huyện miền núi cao đặc biệt khó khăn, như huyện Nam Trà Mi, Tây Giang, Nam Giang… Các địa bàn miền núi luôn thiếu giáo viên, nhất là các bộ môn: mỹ thuật, âm nhạc, tin hoc, ngoại ngữ.

“Vì thiếu nên khi đưa thầy cô từ đồng bằng lên miền núi dạy thì thầy cô không an tâm, dạy vài năm là tìm cách trở về. Thậm chí, có thầy cô bỏ nghề. Làm giáo dục đi dạy mà không an tâm thì khó lòng mà dạy hay dạy tốt, từ đó lại ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục”- ông Tường trăn trở.

Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện tỉnh tiếp tục đi tìm, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn tỉnh. “Điều trăn trở nhất  là làm sao sự đầu tư cho xã hội được nhiều hơn nữa để đầu tư cơ sở vật chất, nhất là huyện miền núi. Đó là giải được bài toán thiếu giáo viên. Hàng năm, tỉnh dành 20% tổng chi ngân sách của tỉnhcho giáo dục. Tuy nhiên, quy mô giáo dục tỉnh khá lớn, hơn nữa lại nhiều huyện miền núi khó khăn nên chi chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành giáo dục” - ông Thái Viết Tường trăn trở.

Yến Hoa