Thứ sáu, 5/4/2024, 15h55

Hơn 1.000 học sinh, giáo viên tiểu học TP.HCM nô nức “trẩy hội” STEM

Sáng 5-4, hơn 1.000 học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý các trường tiểu học TP.HCM đã nô nức “trẩy hội” Ngày hội Giáo dục STEM năm học 2023-2024 với chủ đề “Thành phố xanh”.

Năm học 2023-2024 là năm đầu tiên TP.HCM đưa STEM vào bài học thông qua các tiết học chính khóa ở bậc tiểu học. Giáo dục STEM bậc tiểu học được ngành giáo dục thành phố đẩy mạnh triển khai với đa dạnh hình thức từ CLB, nghiên cứu khoa học… đã mang đến những giờ học đầy sáng tạo ở khắp các nhà trường.

Trong bối cảnh đó, ngày hội lần đầu được Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức, với mong muốn tạo sân chơi bổ ích, sáng tạo cho học sinh tiểu học, tạo cơ hội giáo viên tiểu học chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao nhận thức về giáo dục STEM, lan tỏa phương pháp dạy học STEM trong đội ngũ nhằm đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018…

Phát biểu tại ngày hội, ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, Ngày hội Giáo dục STEM với chủ đề “Thành phố xanh” là sân chơi tạo điều kiện để học sinh chia sẻ kiến thức, hiểu biết của bản thân về các lĩnh vực mà các em quan tâm, qua đó phát triển các kỹ năng cần thiết, giúp học sinh có cơ hội tiếp cận STEM thông qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo để phát triển năng lực bản thân.

Thông qua các hoạt động trong ngày hội sẽ giúp học sinh tiểu học được trải nghiệm STEM trong môi trường học tập tích cực, cùng nhau giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống. Từ đó giúp các em phát triển kỹ năng, tư duy, khuyến khích tinh thần học hỏi, khám phá để từng bước làm chủ khoa học, công nghệ ngay từ bậc tiểu học, góp phần phát triển phong trào học tập, ứng dụng CNTT, phát triển nguồn nhân lực trẻ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…

“Ngày hội cũng là dịp để lan tỏa phương pháp dạy học STEM trong đội ngũ giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018, tạo cơ hội cho giáo viên các trường gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động giảng dạy, thiết kế và tổ chức bài dạy theo định hướng STEM, tích hợp liên môn và xây dựng các chủ đề dạy học nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượn giáo dục trong nhà trường…” - ông Nguyễn Bảo Quốc nhấn mạnh.

“Trẩy hội” học hỏi nhiều điều

Ngày hội quy tụ hàng trăm sản phẩm STEM sáng tạo và sản phẩm sáng tạo cùng bài học STEM đến từ các trường tiểu học tại 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức cùng nhau thi tranh tài. Các hoạt động trải nghiệm STEM, Robotic, triển lãm mô hình, giải pháp giáo dục STEM đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, STEM/STEAM… thu hút đông đảo học sinh, giáo viên tham quan, trải nghiệm…

Trường Tiểu học Trường Thạnh (TP.Thủ Đức) mang đến ngày hội thiết kế nhạc cụ gõ định âm, thu hút nhiều sự quan tâm của học sinh, giáo viên thành phố. Quỳnh Anh - học sinh lớp 4/1, Trường tiểu học Trường Thạnh (TP.Thủ Đức) tự tin giới thiệu đây công cụ đàn chén giúp các bạn học sinh dễ nhớ nốt từ dễ đến khó thông qua màu sắc của chén để đánh các bài nhạc. “Tận dụng chính những vật dụng xung quanh mình như các chén nhựa, chúng ta cũng có thể tạo ra trang thiết bị trong giờ học. Đàn chén giúp các giờ học âm nhạc của lớp em trở nên thú vị hơn rất nhiều”.

Trong khi đó, mô hình vườn cây thủy canh, Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định (quận 7) gửi đi thông điệp về bảo vệ môi trường, sử dụng kiến thức thực tế từ bài học để sáng tạo sản phẩm ứng dụng trong cuộc sống…

Cô Nguyễn Thị Kim Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thọ (quận 11) đánh giá, ngày hội đã tạo một không khí vui tươi, đầy màu sắc của giáo dục STEM tiểu học. Qua ngày hội, giáo viên, học sinh có thể biết thêm được nhiều mô hình STEM đa dạng của nhiều đơn vị. Bên cạnh đó các giải pháp stem cũng giúp cho nhà trường, giáo viên đa dạng hóa những ứng dụng đã triển khai. Ngoài ra, tạo thêm sự hứng thú về STEM cho học sinh, đáp ứng nhu cầu đổi mới sáng tạo liên tục…

“Năm học 2023-2024, TP.HCM đẩy mạnh giáo dục STEM trong các trường tiểu học. Trong đó, STEM được đưa vào giờ hình chính khóa ở nhiều trường tiểu học, STEM bài học được tổ chức với thời lượng 35 tiết/35 tuần. Ngày hội giúp nhà trường, giáo viên hiểu thêm về cách thức triển khai giáo dục STEM trong trường, rằng STEM không giới hạn bởi cơ sở vật chất mà quan trọng hơn cả là nguồn lực sáng tạo của con người…” - cô Hương nói thêm.

Cô Bùi Thị Thanh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Huệ chia sẻ, ngày hội STEM cấp tiểu học lần đầu được tổ chức quy mô có ý nghĩa rất thiết thực, tạo sân chơi bổ ích cho các em học sinh và cũng đúng theo định hướng của Chương trình GDPT 2018.

Đến với ngày hội, từ cán bộ quản lý các cấp cho đến giáo viên đã học hỏi được rất nhiều, qua việc tham quan các sản phẩm dự thi STEM sáng tạo cũng như các sản phẩm STEM bài học mới thấy rằng các thầy cô và học sinh TP.HCM thực sự sáng tạo, nhiều ý tưởng rất hay, có tính ứng dụng cao. Các trò chơi trải nghiệm trong ngày hội rất hấp dẫn, mang lại sự hứng thú khám phá khoa học - kĩ thuật cho học sinh.

“Từ chính những mô hình hay của trường bạn, giáo viên nhà trường có thêm ý tưởng để đổi mới, sáng tạo trong giờ dạy của mình, mang đến cho học sinh những trải nghiệm thú vị hơn nữa…” - cô Thanh bày tỏ.

Yến Hoa