Thứ sáu, 15/3/2024, 16h08

Khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” và manh áo của con

Hi các con tôi còn hc tiu hc, mi khi đón con v, tôi hay quan sát nhng đa tr khác và nhng ph huynh khác, đ rút ra nhng bài hc cho mình và cho con.


Theo tác gi, mt tình thương đúng mc, rng lưng ca giáo viên góp phn làm cho tr vui hơn trong mi ngày đến trưng (nh minh ha). Ảnh: N.Trinh

Thấy một cô bé cuối ngày mà quần áo vẫn còn thẳng nếp, tóc vẫn còn được cột không sợi rối, tôi bảo với con gái: “Con coi bạn đó kìa, ngoan chưa!”. Con gái tôi cười bảo: “Vì bạn đó không chơi nhảy dây”, tức là con có ý “chê” bạn ít hòa đồng. Chỉ vào một bạn trai mồ hôi nhễ nhại, tôi hỏi: “Bạn đó có nhảy dây không?”, con gái đáp: “Bạn đó chơi trò đuổi bắt với các bạn trai khác”, như có ý nói bạn nghịch quá. Nhân những câu chuyện nho nhỏ đó, tôi dặn dò con phải giữ sức khỏe, nên chơi với bạn những trò không được quá sức, tránh chạy nhảy nhiều có thể bị ngã hoặc va chạm với nhau, phải biết giữ gìn quần áo sạch sẽ… Có vẻ như những lời dạy từ các tình huống thực tế dễ được con trẻ tiếp thu hơn.

Nhưng tôi còn chú ý nhiều hơn đến những điều có thể là bài học cho mình trong việc dạy dỗ và chăm sóc con cái. Nhìn người mẹ đón con mà luôn miệng hỏi han con, tôi thấy nên trò chuyện, trao đổi thông tin nhiều hơn với con, về việc học trên lớp, việc của trường, quan hệ với giáo viên, với bạn bè hoặc các tình huống khác. Con gái tôi hay hồn nhiên kể chuyện cô giáo có lời nói này, việc làm kia hoặc bạn này giận bạn nọ hay có bạn học kém… Những chi tiết đó đáng trở thành bài học cả, nên tôi chú ý tiếp thu cách trò chuyện của các phụ huynh với con, sao cho nhẹ nhàng, yêu thương mà cũng là một hình thức chia sẻ, giáo dục con. Tôi cũng chú ý những cách chăm sóc con của các phụ huynh khác và rút ra bài học: có người mẹ dịu dàng sửa lại cổ áo cho con gái, cháu bé liền ôm tay mẹ, như thể hiện sự biết ơn và lòng yêu thương; nhưng có người mẹ vuốt lại mái tóc cho bé trai thì thằng bé tỏ ý không vui khi nhìn quanh với ánh mắt ngại ngùng, như sợ bạn chê cười là “hãy còn bé quá để mẹ chăm hoài”; có phụ huynh vừa đỡ con lên ngồi phía trước vừa phì phà điếu thuốc khiến đứa trẻ nhăn mặt mà không dám nói… Tôi cũng quan tâm đến những chiếc xe đón con: có người chạy chiếc xe gắn máy cũ kỹ, có gắn cái “ba ga” to đùng để chở hàng, có người đi xe tay ga mới cáu, có người đi xe đạp, có người đón con bằng xe hơi…; dù đi xe nào là thể hiện phần nào gia cảnh, nhưng dường như sự quan tâm, chăm chút cho con ở khoảnh khắc trước sân trường mới đáng nói hơn, bởi có đứa trẻ dùng dằng mở cửa xe rồi quăng cặp vào mà khuôn mặt buồn so, như là không hài lòng việc gì đó, hay cũng có đứa ngồi trên cái yên sau “ba ga” phải dạng chân ra nhưng cứ níu tay ba mà tíu tít kể chuyện…

Ngoài ra, tôi cũng chú ý nhiều đến trang phục của học sinh bởi xem đó là một biểu hiện chăm sóc con cái của các bậc phụ huynh, và ngoài đồng phục còn có những phục trang khác nữa. Tự nhiên tôi không vui khi thấy có bé mặc quần áo cũ nát, dù bé mới học lớp 1, chắc là không phải mặc đồng phục cũ từ năm trước. Như vậy, bé hay nghịch ngợm nên quần áo thường xuyên lấm bẩn nhưng ba mẹ không giặt tẩy kỹ, cũng không ủi thẳng nếp để giữ cho quần áo luôn sạch sẽ và lâu cũ. Cũng có bé gái tóc dài nhưng bù xù, không được cắt gội đàng hoàng, cũng không được cột ngay ngắn mà chỉ cài một chiếc băng đô nhỏ hoặc kẹp sơ sài, khiến tóc cháu luôn lòa xòa. Có lẽ người mẹ bận rộn nên thiếu quan tâm hoặc không khéo tay, mà nhất là không biết cách dạy con giữ gìn mái tóc. Có bé gái đeo nhiều vòng tay, vòng cổ, có lẽ bình thường rất đẹp nếu đi với một bộ trang phục nào đó phù hợp, nhưng đi học thì không hợp lắm, nhất là khi vào cuối ngày nóng bức, mồ hôi quyện vào các dây, các vòng, hẳn là mất vệ sinh. Có bé trai mang đôi giày hiệu tốt nhưng chắc do nghịch ngợm mà cũng lâu ngày chưa giặt nên đôi giày đổi màu, loang lổ vết bẩn. Cũng có những bé mặc quần áo đã bị đứt chỉ, rách vài chỗ nhưng không được khâu vá lại; có trẻ móng tay dài; có trẻ mang chiếc cặp lấm bẩn… Những chi tiết đó phần nào thể hiện sự quan tâm, chăm sóc con cái của các phụ huynh, xa hơn nó thể hiện tình yêu thương và phương pháp giáo dục trẻ. Tôi nhìn các cháu và nghĩ đến bài-học-chăm-con mà tự điều chỉnh bản thân mình.

Nhìn manh áo của con và suy nghĩ, có thể hiểu được tình yêu thương và cách yêu thương của ba mẹ dành cho con. Manh áo có thể đặt câu hỏi: chúng ta đã thực sự yêu thương con và biết cách thể hiện sự yêu thương đó một cách đúng đắn, hợp lý?

Dẫu vậy, chắc chúng ta còn nhiều điều khác để suy nghĩ. Các trường học ở Việt Nam thường treo khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, về hình thức là có ý nghĩa rất sâu sắc, nhưng về thực chất có lẽ còn là một câu chuyện dài về giáo dục, ngay ở hình ảnh của manh áo của trẻ. Một học sinh mặc quần áo cũ, nhăn nheo liệu có gắn với điều kiện gia đình khó khăn mà nhà trường chưa tìm hiểu đầy đủ và có biện pháp giúp đỡ phù hợp? Một đứa trẻ quần áo xộc xệch, tóc tai rối bù liệu có phải gắn với sự thiếu quan tâm của gia đình mà giáo viên chưa có sự trao đổi thông tin để chăm sóc trẻ tốt hơn? Một đứa trẻ quần áo lấm bẩn, người trầy trụa sau một cuộc đánh nhau hoặc giằng co với bạn liệu có phải giáo viên, giám thị, bảo vệ của trường không kịp phân xử và giải tỏa các tranh chấp, mâu thuẫn? Một đứa trẻ có quần áo phẳng phiu, được đưa đón bằng ô tô nhưng vẫn thường không vui có phải do cháu bị áp lực học đến độ lúc nào cũng căng thẳng mà nhà trường và giáo viên chưa ngồi lại với nhau để tìm cách giải tỏa?... Những câu hỏi tương tự như vậy còn rất nhiều.

Trên thực tế, lãnh đạo các trường học hoặc lãnh đạo ngành giáo dục đã bao nhiêu lần đi khảo sát, kiểm tra tại chỗ để xem học sinh đến trường có thực sự vui hay không, vui vì lý do gì, không vui vì lý do gì… Tức là liệu có ai đi đánh giá đầy đủ ý nghĩa và giá trị của khẩu hiệu đó hay không, hay chỉ treo cho vui thôi? Đây là những câu hỏi lớn cần giải đáp, nhất là trong bối cảnh ngành giáo dục nước ta đang quyết tâm thực hiện phương châm “Lấy người học làm trung tâm”. Trong khi đó, trẻ ở trường có rất nhiều điều phải lo lắng, đối phó, chịu áp lực, niềm vui của trẻ thực sự có hay không dĩ nhiên không thể nhìn qua ánh mắt, nụ cười của trẻ, càng không thể chỉ nhìn qua manh áo của trẻ. Dẫu vậy, điệu bộ, thái độ, và nhất là tình trạng quần áo của trẻ vào cuối ngày học, có thể ít nhiều phản ánh về “ngày vui” đó của trẻ.

Giải quyết câu chuyện trên đây không phải chỉ của gia đình hay nhà trường mà cần có sự phối hợp chặt chẽ, đầy đủ. Một quan điểm giáo dục khoa học, hợp lý, một tình thương đúng mực, rộng lượng của cả ba mẹ, giáo viên có thể khắc phục được tình trạng đó, góp phần làm cho trẻ vui hơn trong mỗi ngày đến trường của mình.

Trúc Giang