Thứ sáu, 1/3/2024, 14h30

Mùa xuân, viếng mộ bác sĩ Yersin

Sáng mùng 2 Tết Giáp Thìn, trong tiết tri se lnh lt pht mưa xuân, chúng tôi tháp tùng theo chân Ban Chp hành Hi nhng ngưi ái m bác sĩ Alexandre Yersin tnh Khánh Hòa đi viếng m bác sĩ A.Yersin...


Alexandre Yersin (1863-1943)
 

Di tích lch s - văn hóa quc gia

Mộ bác sĩ Alexandre Yersin nằm trên một ngọn đồi nhỏ rợp bóng cây canhkina xanh thẫm, cây cao su vàng rực đang mùa thay lá, ở xã Suối Cát, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa; quanh năm được nhiều người lui tới viếng thăm, tưởng nhớ đến ông - người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho nền y học thế giới và cho đất nước Việt Nam.

Trên Quốc lộ 1, cạnh đường dẫn vào cao tốc Nha Trang - Phan Thiết, cách TP.Nha Trang khoảng 20km có một tấm biển chỉ đường đến nơi yên nghỉ của bác sĩ Yersin. Phần mộ bác sĩ Yersin nằm gần trang trại Suối Dầu, đây cũng là cơ sở trồng trọt, chăn nuôi phục vụ nghiên cứu, sản xuất của Viện Pasteur Nha Trang do chính bác sĩ Yersin tạo lập từ năm 1914. 

Qua cánh cổng sắt nhỏ, con đường lát đá quanh co non một cây số đưa ta lên đỉnh một ngọn đồi thoai thoải cao chừng 300m, đây là nơi an nghỉ của bác sĩ Yersin. Khu mộ nằm dưới tán rừng xanh mát, không gian tĩnh lặng, cảnh trí đơn sơ, giản dị. Khu mộ được xây dựng đơn sơ từ ngày 3-3-1943. Từ đó đến nay, các thế hệ nhân dân Khánh Hòa đã góp phần giữ gìn, chỉnh trang, tôn tạo lại mộ của ông với quy mô như hiện nay. Trên mặt ngôi mộ đắp xi măng chỉ ghi họ tên và năm sinh, năm mất của ông (Alexandre Yersin, 1863-1943). Đầu mộ có một bia đá khắc tiếng Việt và tiếng Pháp tóm tắt tiểu sử và những đóng góp lớn lao cho khoa học của Alexandre Yersin, ghi nhớ công trạng của nhà bác học đối với nhân loại. Đoạn cuối bia ghi dòng chữ tôn vinh: “Ân nhân và nhà nhân đạo được nhân dân Việt Nam tôn kính”. Bên trái phần mộ là trang thờ nhỏ, xây theo dáng chùa Một Cột có di ảnh của ông để du khách viếng thăm hương khói tưởng nhớ ông.


Bên m bác sĩ Yersin

Ngày 28-9-1991, khu mộ A.Yersin, chùa Linh Sơn và Thư viện A.Yersin (do ông sáng lập và hoạt động đến ngày nay tại Viện Pasteur Nha Trang) đã được xếp hạng cụm di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Thư viện A.Yersin đã được Bảo tàng Pasteur (Pháp) và Viện Lịch sử y học Lausanne (Thụy Sĩ) viện trợ xây dựng thành Bảo tàng A.Yersin.

Mt nhà khoa hc vĩ đi

Alexandre Émile Jean Yersin là một bác sĩ, nhà vi khuẩn học và nhà thám hiểm nổi tiếng. Ông ra đời ngày 22-9-1863 tại Thụy Sĩ, mang quốc tịch Pháp, nhưng Việt Nam là nơi ông gắn bó cả cuộc đời mình. Bác sĩ Yersin là một tượng đài y học thầm lặng, trọn đời nghiên cứu khoa học và cống hiến cho nhân loại những thành tựu lớn lao. Ông nhận bằng tiến sĩ năm 25 tuổi (1888). Năm 1890, ông đến Đông Dương. Năm 1891, ông đặt chân đến Nha Trang. Ông có nhiều công trình khoa học, nhiều đóng góp lớn cho nền y học thế giới: Phát hiện độc tố bệnh bạch hầu năm 1888; sáng lập Viện Pasteur Nha Trang 1895; sáng lập Trường Y khoa Đông Dương 1902 (sau này trở thành Trường Đại học Y Hà Nội) và trở thành vị hiệu trưởng đầu tiên của trường. 

Yersin đã lập nên công trạng vĩ đại trong y học khi ông là người đầu tiên trên thế giới phát hiện ra trực khuẩn gây bệnh dịch hạch (sau này được đặt tên để vinh danh ông - Yersinia pestis), bào chế huyết thanh kháng dịch và đã cứu được rất nhiều nạn nhân dịch hạch trên toàn thế giới. Ông cũng lần đầu tiên chứng minh rằng loại trực khuẩn có trong bộ gặm nhấm cũng xuất hiện trong bệnh dịch ở người, từ đó tìm thấy các phương thức lây truyền bệnh để dập tắt bệnh dịch. Là một nhà thám hiểm, ông đã khám phá ra cao nguyên Lâm Viên, đặt nền móng xây dựng TP.Đà Lạt năm 1893 và mở đầu khai phá ra một con đường bộ từ Trung Kỳ sang Cao Miên.

Ông còn có công trong việc tuyển chọn nhiều loại thực vật - động vật có giá trị về nhiều lĩnh vực từ khắp nơi trên thế giới, đem về nuôi trồng tại Việt Nam, tiêu biểu như cây ca cao, cây cao su năm 1897 và cây canhkina (dược liệu để sản xuất thuốc ký ninh chữa bệnh sốt rét) năm 1917. Yersin còn dùng số tiền riêng của bản thân từ những giải thưởng khoa học để xây dựng con đường quanh co dài 30km từ Suối Giao lên Hòn Bà và thực hiện nhiều việc công đức khác… Ông qua đời tại Nha Trang vào ngày 1-3-1943, thọ 80 tuổi.

Mt nhân cách cao c

Alexandre Yersin là một nhà khoa học lừng danh thế giới nhưng tính cách hết sức khiêm cung, có lối sống bình dị với trái tim nhân ái. Chính vì thế mà khi qua đời, Yersin để lại trong lòng người dân nơi ông gắn bó là xóm Cồn (TP.Nha Trang) cũng như cả tỉnh Khánh Hòa niềm thương tiếc khôn nguôi. Trong lời di chúc, ông viết: “Tôi muốn được chôn ở Suối Dầu, yêu cầu ông Bùi Quang Phương giữ tôi lại Nha Trang, đừng cho ai đem tôi đi nơi khác. Mọi tài sản còn lại xin tặng hết cho Viện Pasteur Nha Trang và những người cộng sự lâu năm. Đám tang làm giản dị, không huy hoàng, không điếu văn”.

Theo di chúc, Yersin còn ngỏ ý muốn khi mọi người an táng, ông xin được nằm úp mặt, hai tay dang ra, để được ôm trọn mảnh đất Khánh Hòa mà ông đã trọn đời nặng tình gắn bó. Người dân địa phương xem ông là một vị Bồ Tát, khiêm cung cả lúc sống lẫn khi qua đời. Sống không màng lợi danh, mà chỉ lo phụng sự nhân loại, chết thì chọn nơi an nghỉ rất bình thường đơn sơ, không lễ nghi cầu kỳ, điếu văn rình rang. Ông sống chan hòa với dân làng chài, người dân địa phương gần gũi ông đều gọi ông một cách trìu mến là: “Ông Năm Yersin”, hình ảnh của bác sĩ Yersin vẫn sống mãi trong nhiều câu chuyện kể ở Nha Trang. Ngoài việc thờ ông ở chùa Linh Sơn gần đó, bà con còn lập miếu thờ ông ở nhiều nơi, suy tôn ông như vị thành hoàng của địa phương, bốn mùa hương khói, cúng giỗ theo truyền thống văn hóa tâm linh Việt.


Tác gi
 bên m bác sĩ Yersin

Sau hơn 50 năm gắn bó với Việt Nam, hy sinh hạnh phúc gia đình để dành hết tình yêu cho nhân loại, ông đã để lại những công trình khoa học đa dạng có giá trị ứng dụng thực tiễn vượt thời gian. Cuộc sống giản dị, lòng nhân ái và tình yêu con người của ông vẫn sống mãi trong tâm tư tình cảm của người dân Khánh Hòa, trong sự ngưỡng vọng của nhân dân cả nước.  

Đầu xuân, nhiều đoàn du khách, các thế hệ sinh viên, học sinh cùng nhau đến đây để hiểu thêm về cuộc đời một nhà bác học, nhà nhân văn lớn của loài người, với niềm tôn kính và ngưỡng mộ về một nhà khoa học đã cống hiến cả cuộc đời cho việc chữa bệnh, cứu người. Những nén hương thơm, những bông hoa đẹp mọi người dâng lên ông trong ngày xuân, làm ấm áp thêm khu mộ của nhà khoa học lừng danh thế giới, nhà nhân văn cao cả của nhân loại.

Ông là một bậc trí - đức lỗi lạc, là biểu tượng của lòng nhân ái, tinh thần nhiệt huyết, dấn thân và cống hiến, là tấm gương để các thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Đ Thành Dương