Thứ ba, 22/11/2011, 11h11

Người thầy không bục giảng

NSƯT Thanh Sang và NSƯT Lệ Thủy trong vở Bên cầu dệt lụa. Ảnh: K.N

Giống như bao người khác, các nghệ sĩ tài danh cũng có nhiều kỷ niệm khó phai mờ đối với thầy cô đã dạy dỗ, góp phần đưa họ đến với thành công như ngày hôm nay. Mặc dù giờ đây họ đã đi xa, nhưng công ơn “khai sáng” của những người thầy chưa một lần đứng trên bục giảng vẫn mãi mãi tồn tại trong tâm trí họ…
NSƯT Thanh Sang: “Thầy cũng là anh…”
Mỗi năm đến Ngày 20-11, tôi thường đến Nghĩa trang Nghệ sĩ thăm mộ của soạn giả Hoa Phượng - một người anh, người thầy đáng kính - gắn với tôi rất nhiều kỷ niệm. Nếu soạn giả Hoa Phượng là người đã tạo nên danh hiệu Cải lương chi bảo cho nghệ sĩ Bạch Tuyết thì cũng chính anh mệnh danh cho tôi là Giọng ca lãng tử, bởi anh bảo tôi có chất giọng trầm buồn, phiêu bồng, một chút gì u uẩn, hoài niệm. Năm 1964, tôi về đoàn hát Đại bang Hoa Mùa Xuân, sau đó đổi bảng hiệu là Dạ Lý Hương. Với vai diễn Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn trong vở Cô gái Đồ Long, tôi đã đoạt HCV Giải thưởng Thanh Tâm - một giải thưởng mà rất nhiều nghệ sĩ cải lương đương thời muốn vươn tới. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ rất rõ trong buổi đọc tuồng và giao vai vở này, soạn giả Hoa Phượng “chấm” tôi vào vai ông già mù Tạ Tốn 70 tuổi, tôi bực bội, cằn nhằn, thậm chí với cái tính bộc trực, nóng nảy, tôi còn… chửi vu vơ, ám chỉ anh làm khó mình. Nhưng Hoa Phượng nghịch ngợm, sâu sắc, ý nhị chỉ lẩm nhẩm mấy câu: “Đây sẽ là vai để đời của cậu ấy, kệ, không sao…”. Đêm diễn thành công ngoài mong đợi, ngay sau đêm hát, tôi đã đến thẳng nhà gặp Hoa Phượng, nói lời cảm ơn và xin lỗi anh. Tôi quý anh ở sự khắt khe với người diễn, rất bất bình khi diễn viên sai lời thoại, dù chỉ một dấu ngừng dấu nghỉ, hoặc là một lời thiếu lời thừa. Hoàn toàn không quá đáng, tôi cho đó là lương tâm nghề nghiệp, là ý thức trách nhiệm của người nghệ sĩ trước khán giả, bí quyết thành công của anh chính là ở chỗ đó. Khi đưa kịch bản Tuyệt tình ca, anh nói với tôi: “Tôi viết vai Lê Long Hồ là cho Thanh Sang, còn Lê Thị Trường An là cho Bạch Tuyết, chứ không phải là cho một diễn viên nào khác”. Với vai diễn này, khi tôi và Bạch Tuyết diễn chung, chúng tôi nghe được tiếng thổn thức xé lòng, cảm nhận nỗi đau của con người, của dân tộc khi đất nước bị ngoại xâm. Người cha đi bắt con mình, xử tội con mình… Vở diễn đã làm lay động lòng người. Đến bây giờ, mỗi khi có dịp về Vĩnh Long diễn, khán giả vẫn ưu ái gọi tôi là Lê Long Hồ, công đầu này là nhờ anh. Sau này, về sân khấu Thanh Minh - Thanh Nga, tôi tiếp tục được anh giao cho hai vai để đời là thầy Cai trong Mưa rừng và Đảnh trong Tần nương thất. Khi tôi đứng trên đỉnh cao danh vọng, sợ tôi “ngủ quên trong chiến thắng”, anh thường nhắc nhở: “Dù đã trở thành nghệ sĩ được nhiều người yêu mến, em cũng nên tự tìm tòi học hỏi kiến thức văn hóa lẫn kiến thức nghệ thuật từ những người thầy, các bậc đàn anh, đàn chị đi trước để hoàn thiện mình. Là một nghệ sĩ, để giữ vững danh hiệu lẫn tình thương trong lòng khán giả thì phải luôn song hành hai yếu tố tài và đức. Bởi những nghệ sĩ có tài, có năng khiếu cộng thêm có đức thì ngày càng tỏa sáng và khẳng định mình lâu dài hơn”.
NSƯT Minh Hạnh: “Nhớ thầy - má Bảy của tôi”

NSƯT Minh Hạnh trong vở Huyền thoại mẹ trên sân khấu kịch Kim Cương (ảnh nhân vật cung cấp)

Nếu chỉ có một ngày 20-11 để tôn vinh người thầy thì 364 ngày còn lại trong năm, bản thân tôi luôn ghi nhớ công ơn những người thầy đã truyền dạy cho tôi bài học làm người, làm nghề. Trong đó không thể không nhắc đến má Bảy - cố NSND Bảy Nam. Có lẽ những buổi “lên lớp” của má Bảy chưa bao giờ có phấn trắng bảng đen, nên hai chữ thầy trò cũng được thay bằng cách gọi thân thương, gần gũi như người mẹ của mình. Năm 1989, tôi “đầu quân” về Đoàn kịch nói Kim Cương. Có thể nói, đây là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời làm nghệ thuật của tôi vì được sát cánh bên má Bảy, chị Kim Cương, anh Bảo Anh, Thương Tín, Vân Hùng, Long Hải… Trong các buổi tập tuồng, truyền nghề, má Bảy bảo: “Con đừng tưởng là chỉ có má đang dạy con không thôi mà trong khi dạy, má lại đang học con đó chứ !”.  Má nói với tôi về phương pháp truyền nghề của loại hình sân khấu: “Không đơn giản là “cầm tay chỉ việc” mà người thầy, trước hết là những nghệ sĩ có nghề, thường truyền đạt và “thị phạm” theo cách của riêng của mình. Còn học trò, trước hết là một diễn viên đang học làm nghề, cứ tự chọn lọc, nắm bắt và xử lý theo khả năng cũng như mục đích của mình…”. Tôi tự cho phép mình trở thành cô học trò nhỏ kém cỏi trong khu vườn nghệ thuật trước người nghệ sĩ tài đức này. Tôi nhớ lần đầu tiên, tôi diễn thế vai chính của chị Kim Cương trong vở Sắc hoa màu nhớ. Tối hôm đó, tôi đã diễn hết mình, khóc hết nước mắt với nhân vật Hiền nên đinh ninh trong bụng rằng sẽ được má Bảy khen. Hết đêm diễn, má kêu tôi lại hỏi “Làm gì mà con khóc dữ vậy?”. Tôi trả lời: “Tại con xúc động quá”. Má Bảy lại hỏi “Con khóc mà con thấy khán giả có khóc không?”. Lúc này tôi mới ngớ ra. Má mới dạy: “Con làm đào thương, khi diễn xuất tâm trạng bi thương, gương mặt con chỉ mới thoáng buồn thì khán giả đã khóc chứ không phải con khóc đầm đìa mà khán giả vẫn… ráo hoảnh tỉnh bơ thì xem như về kiếm nghề khác mà làm. Người diễn viên giỏi phải biết nén nỗi đau lại trong lòng. Khi nào không chịu nổi nó sẽ tự bật ra, lúc ấy khán giả mới bị cuốn theo những dòng cảm xúc đó…”. Quả vậy, khi xem má Bảy diễn vai bà mẹ trong Lá sầu riêng, tôi thấy má có khóc nhiều đâu mà ở dưới khán giả không ai cầm được nước mắt. Đó là một kinh nghiệm và là bài học lớn cho tôi. Trong các buổi  sáng tập tuồng, má Bảy luôn là người đến sớm nhất, ngồi đợi một mình giữa sân khấu vắng lặng. Đôi khi tôi đến trễ, má không hề rầy la vì má thông cảm với tuổi trẻ, tối qua diễn xong còn ham vui đi chơi khuya nên sáng dậy sớm không nổi. Nhưng chính vì tôi thấy hình ảnh má ngồi đợi ở sân khấu như thế nên dần dần tôi không dám tái diễn việc đến trễ nữa. Đây cũng là một bài học không hề có trong giáo án mà hiện nay, tôi cũng đang áp dụng với những bạn trẻ hơn mình. Có thể má Bảy chưa bao giờ chấm điểm cho tôi, nhưng thành tích học tập lớn nhất mà tôi có được chính là vốn nghề, vốn sống được bồi đắp từ nhân cách thanh cao, nhân hậu của má. Không chỉ riêng tôi, mà tất cả các nghệ sĩ có cơ hội làm việc chung với má Bảy đều giữ mãi trong lòng những bài học quý giá, giản dị ấy để khi rời khỏi “thánh đường nghệ thuật”, chúng tôi không phải cảm thấy hổ thẹn với tình thương bao la của má…
Song Minh - Đại Nghĩa