Thứ hai, 12/3/2012, 15h03

Hạnh phúc đến từ trái tim

Ông Khai và bà Oanh trong buổi giao lưu

Tuy pháp luật Việt Nam chưa cho phép kết hôn đồng tính (tức hôn nhân được công nhận thông qua chứng nhận đăng ký kết hôn) song thực tế, ngày càng có nhiều “đám cưới” đồng tính diễn ra. Điều đó cho thấy cái nhìn của xã hội đã cởi mở hơn và trên hết, người đồng tính sẽ dễ dàng hơn trong việc công khai giới tính của mình.
Câu chuyện của phụ huynh
“Đám cưới” đồng tính mới đây nhất là của cặp đôi Đinh Công Khanh (34 tuổi) và Nguyễn Thái Nguyên (32 tuổi). Cùng theo gia đình sang Canada định cư từ rất nhỏ, cả hai lớn lên với một tuổi thơ êm đềm. Thế nhưng, khi trải qua một, hai mối tình ngắn ngủi, không xúc cảm với bạn gái, họ nhận ra đối tượng khiến con tim mình rung động là người có cùng giới tính. Bất ngờ gặp nhau, yêu nhau và sau 5 năm tìm hiểu, họ quyết định đi đến hôn nhân (luật pháp Canada cho phép kết hôn). Đến nay, trải qua 4 năm chung sống, niềm vui được là chính mình và tiếng cười hạnh phúc trong ngôi nhà nhỏ của họ vẫn tràn đầy.
Trong buổi giao lưu Bóng cả do PFLAG Việt Nam (Hội Phụ huynh người đồng tính, song tính và chuyển giới) tổ chức, câu chuyện của ông Khai và bà Oanh - bố mẹ của cặp đôi này - khiến nhiều người xúc động. Ông Khai kể: “Đó là một buổi tối, Khanh về nhà “đề nghị” được nói chuyện với bố mẹ. Nghe con cho biết mình đang yêu và có ý định kết hôn với một… bạn nam, cả gia đình đã… sốc. Tôi đã điếng người và tự hỏi mình làm gì để con không có một cuộc sống tình cảm như bao người. Sau đó tôi lên mạng, tìm hiểu thông tin qua sách vở và hiểu rằng yêu đồng giới là một chuyện bình thường, rất tự nhiên. Trong lúc Khanh trút được nỗi lòng của mình đã bao năm che giấu, đi ra ngoài lang thang, nhường cho bố mẹ sự tĩnh lặng suy ngẫm, tôi nhận ra Khanh đã chấp nhận điều đó một cách dễ dàng đồng thời có những hoạch định cho hạnh phúc của mình. Vì vậy, chúng tôi ủng hộ con”. Còn bà Oanh cho hay, khi nghe con bàn chuyện đám cưới, bà đã bay thẳng về Việt Nam và đàng hoàng thông báo, mời bà con sang dự. Chuẩn bị chuyện quan trọng này, bà đã trao đổi rồi thống nhất với con rằng: “Tuy đồng tính, nhưng các con có nhân dạng của người đàn ông, vì vậy, không việc gì đám cưới phải đúng nghi lễ một người trong vai cô dâu và một là chú rể”. Nghĩ vậy, bà đến chợ Bình Tây, mua đúng 300 chú rể nộm bằng sứ tạo thành 150 “cặp đôi” làm quà tặng mọi người. Và đám cưới diễn ra, cả hai đều áo dài khăn đóng, không cần có cô dâu trong trang phục soire váy cưới.
Bà Oanh khẳng định: “Suốt đời không ai che đậy được giới tính của mình nên thà một lần công khai để không phải giấu giếm trong sự nghi ngờ của người khác. Một đứa con hiếu thảo, có ích cho xã hội và sống đàng hoàng là hạnh phúc lớn của phụ huynh. Và để con cũng hạnh phúc, chúng ta phải che chở, ủng hộ con sống thật, sống đúng với bản thân mình”. Theo ông Khai, mỗi lần ghé thăm mái ấm nhỏ của con, nhìn thấy sự ngăn nắp, chỉn chu, nề nếp, nhất là cả hai đều biết quan tâm, chia sẻ công việc với nhau khiến ông rất tự hào, xúc động.
Đừng đẩy con ra xa
Cũng trong buổi giao lưu này, nhiều người cho rằng không phải ông bố bà mẹ nào cũng dễ dàng chấp nhận giới tính của con. Bởi bao nhiêu kỳ vọng, niềm tin đặt vào con đã đổ vỡ khi biết con hôm nay… không giống con hôm qua. Tuy nhiên, theo chị Loan - chuyên viên của PFLAG Việt Nam thì thực tế, đứa con không hề thay đổi mà chỉ có cái nhìn của cha mẹ mới là thay đổi. Một phụ huynh kể, con gái bà hiện là trưởng phòng kinh doanh của một ngân hàng. Cá tính mạnh mẽ nhưng mãi không chịu lấy chồng, bà mới hỏi và biết con chỉ yêu người đồng giới. Đất trời đổ sụp, chồng của bà đã thẳng tay đuổi con gái ra khỏi nhà, coi như chưa từng có đứa con này. Kết quả là cô con gái ấy đã 2 năm không trở về với gia đình, cha con có gặp nhau cũng như người xa lạ. Một phụ huynh khác kể do không chấp nhận và xúc phạm giới tính của con đã khiến con từ một sinh viên ngoan biến thành chàng trai học hành sút kém, có lối sống bất cần đời, dễ chán nản. Theo chị Loan, trước khi con được xã hội chấp nhận thì ba mẹ, gia đình hãy là nơi đón nhận con đầu tiên để con có một cuộc sống thoải mái, vì sống với sự khinh miệt, dè bỉu của xung quanh đã khiến con cảm thấy bị áp lực đè nặng và luôn dằn vặt, đau khổ rồi. “Đừng đẩy con ra khỏi vòng tay gia đình bởi giới tính, sự rung cảm, yêu thương là tự nhiên chứ không ai quyết định được. Hạnh phúc luôn đến từ trái tim chứ không thể là sự áp đặt” - ông Khai khẳng định.
Bài, ảnh: Tuyết Dân