Thứ tư, 19/9/2012, 15h09

Nối tiếp những ước mơ

Những HS vinh dự được nhận học bổng Nguyễn Đức Cảnh lần X năm 201

Năm nào cũng vậy, cứ đến đầu năm học là con em cán bộ, giáo viên, công nhân viên (CB-GV-CNV) ngành GD-ĐT TP.HCM lại háo hức chờ đợi lễ tuyên dương và trao học bổng Nguyễn Đức Cảnh. Đây cũng có thể coi là ngày hội gia đình của những CB-GV-CNV có đóng góp cho ngành GD-ĐT.
Vượt khó vươn lên
36 học sinh (HS) có hoàn cảnh khó khăn, 84 HS giỏi lớp 9 và 45 HS giỏi lớp 12  là số HS được nhận học bổng Nguyễn Đức Cảnh lần X năm 2012 từ Công đoàn ngành giáo dục TP.HCM. Các em cũng chính là niềm tự hào cho sự dạy dỗ kiên trì của những người làm nghề giáo - nghề được xã hội tôn vinh là “nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề”. Dù thu nhập không cao nhưng hơn ai hết, họ đều nhận thấy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc dạy dỗ những thế hệ tương lai. Bên cạnh vai trò một người thầy mẫu mực trên bục giảng, họ còn là những tấm gương sáng về nhân cách và đạo đức để con cái noi theo.
Không phụ tấm lòng dạy dỗ của cha mẹ, các em đều là những gương mặt điển hình, biết vượt qua khó khăn để đạt kết quả cao trong học tập. Đó là em Nguyễn Phạm Quỳnh Như, HS Trường THCS Tân Quý Tây (H.Bình Chánh) có mẹ là GV, ba là nông dân. Biết gia đình mình không có khả năng tăng thêm thu nhập, đời sống khó khăn nên em đã cố gắng học tập tốt, đạt danh hiệu HS giỏi nhiều năm liền với điểm trung bình cuối năm lớp 9 là 9,7 cùng giải ba môn hóa cấp thành phố. Giống như bạn mình, em Nguyễn Huỳnh Trâm Anh, HS Trường THCS Phước Hiệp (H.Củ Chi) cũng có gia đình rất khó khăn do mọi chi phí đều phải dựa vào đồng lương GV của mẹ. Ba em vốn là thợ sửa chữa điện tử nhưng đã suy giảm sức khỏe do bị gãy 1/3 chân phải và chấn thương sọ não trong một vụ tai nạn giao thông. Thương mẹ ngày đêm tảo tần, tiết kiệm mọi khoản chi tiêu để lo cho gia đình, Trâm Anh đã phấn đấu trở thành HS giỏi với giải ba môn vật lý cấp thành phố trong năm học 2011-2012. Không chỉ khó khăn, rất nhiều HS còn phải vượt qua nỗi đau khi trong gia đình mất đi một nửa tình yêu thương. Ba, mẹ các em đã ra đi vì những căn bệnh hiểm nghèo, không có khả năng cứu chữa.
Những năm qua, ngành GD-ĐT TP.HCM đã chứng kiến nhiều nỗi đau thương, mất mát của những gia đình có người phục vụ trong ngành GD-ĐT. Mất đi một người thân là mất đi một nguồn động viên, chỗ dựa lớn về tinh thần nhưng không vì thế mà các em quên đi nhiệm vụ của một đứa con hiếu thảo, một HS ngoan. Sự ra đi của cô giáo Lê Kim Dung (nguyên GV - Trưởng ban nữ công Trường THPT Lê Minh Xuân) là nỗi mất mát quá lớn đối với ba em Văn Lê Uyên Vy (HS Trường THPT Trần Phú), Văn Lê Bảo Vy và Văn Lê Gia Vy (HS Trường Tiểu học Hiệp Tân, Q.Tân Phú). Mẹ mất khi Uyên Vy mới chuẩn bị vào lớp 10, còn hai đứa em song sinh Bảo Vy và Gia Vy lên lớp 2; ba chị em luôn bảo ban nhau, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi. Liên tiếp trong nhiều năm học, cả ba em đều là những tấm gương sáng về nghị lực vươn lên trong cuộc sống, học tập để bạn bè cùng trang lứa noi theo.
Giữ vững nếp nhà
Để các em trở thành con ngoan, trò giỏi, HS gương mẫu trong tất cả hoạt động thì phải kể đến quá trình dạy dỗ của cha mẹ. Ngày ngày lên lớp, đêm về miệt mài bên trang giáo án, trăn trở với những suy nghĩ… nhưng các thầy cô đều không quên nhiệm vụ làm cha, làm mẹ. Các thầy cô đều có suy nghĩ rằng, muốn dạy dỗ được con cái thì chính bản thân mình, gia đình mình phải là những hạt giống tốt của xã hội. Em Dư Quốc Minh Quân, cựu HS lớp 12 Trường THPT Trung Phú là một trong số đó. Cả ba và mẹ đều là GV (Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu và THPT Trung Phú) nên em luôn được nhắc nhở, rèn luyện ý thức để trở thành người có ích cho xã hội. Trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay, Quân đã trúng tuyển ngành bác sĩ đa khoa của Trường ĐH Y dược TP.HCM với số điểm khiến nhiều người ngưỡng mộ: 29,75. Với Quân, được trở thành bác sĩ chính là cơ hội để em giúp nhiều người chữa khỏi những căn bệnh hiểm nghèo, nối tiếp sự nghiệp trồng người cho những GV không may mắc bệnh hiểm nghèo.
Trong khi đó, bản thân ba em Uyên Vy, Gia Vy, Bảo Vy cũng mong muốn sẽ tiếp tục phấn đấu để người mẹ không may mắn của mình có thể yên tâm nơi chín suối. Trong một tương lai không xa, các em cũng sẽ trở thành GV đứng trên bục giảng viết tiếp ước mơ dang dở của mẹ mình.
Bài, ảnh: Ngọc Anh