Thứ sáu, 22/6/2012, 16h06

Ứng xử trong gia đình thời @

TS. Vũ Gia Hiền trao đổi về ứng xử trong gia đình với phụ huynh

Thái độ ngạo mạn, khinh thường người khác đang hiện hữu trong một bộ phận giới trẻ, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ dẫn đến mất “tính người”. TS. Vũ Gia Hiền cho rằng, nguyên căn của vấn đề này xuất phát từ sự ứng xử trong gia đình.
Không nuôi dưỡng tính ngạo mạn
Người xưa có câu: “Một người già bằng ba người ở”. Trong mỗi gia đình, ông bà là người có kinh nghiệm truyền dạy ứng xử cho con cái hơn cha mẹ của trẻ. Ngày nay, giới trẻ lập gia đình, có điều kiện ra riêng, xét ở góc độ nào đó là tốt, song đánh mất truyền thống gia đình. Khi trẻ tập đi, bà nội, ngoại quan sát cho cháu từng bước đi, trong khi người giúp việc không thể làm được việc đó một cách hoàn hảo. Những gia đình có tiền thuê người giúp việc, gặp được người yêu mến trẻ đã là may mắn. Trong khi đó, cha mẹ thuê người giúp việc, chăm lo cho con mình, vô tình cho con thấy rằng con sống bằng tiền. Nguy hiểm hơn, khi người giúp việc làm chuyện gì đó trái ý cha mẹ, hơi lớn tiếng hoặc đánh con khi chúng hư chẳng hạn, cha mẹ xót con nên la mắng người giúp việc. La mắng không khéo thành cha mẹ bênh con, tập cho con thói quen xấu ỉ lại. Kiểu ứng xử của cha mẹ với người giúp việc như trên vô tình đã “nuôi dưỡng” ở con tính ngạo mạn và “mở” lối sống khinh thường người khác. Trường hợp này lặp lại nhiều lần sẽ đánh mất “tính người” ở trẻ.
Theo TS. Vũ Gia Hiền, trong ứng xử có ứng xử bằng cảm xúc (tính người) và ứng xử trí tuệ (vỏ não). Cảm xúc gắn bó suốt cuộc đời của một con người. Thế hệ trước trình độ học vấn thấp, các thành viên trong gia đình phần lớn được dạy dỗ bằng ứng xử cảm xúc, rất ít ứng xử trí tuệ. Gia đình hãy tập cho trẻ có cảm xúc tốt, trong ứng xử phải có tình người bằng cách đưa trẻ đến thăm trẻ em nghèo, trẻ khuyết tật. Nếu không đưa trẻ đến những nơi ấy, chúng không thể so sánh mình và các bạn ai may mắn hơn ai, dẫn đến tính ngạo mạn nguy hiểm.
Quan trọng nhất trong việc giữ hòa khí gia đình là ứng xử. Nhưng ứng xử ở đây không phải ứng xử bằng lý luận mà là ứng xử bằng hành động. Người chồng giận vợ, hay cau có, cáu gắt với vợ trước mặt con cái (dù bất kỳ lý do gì, mức độ nào) cũng để lại cái “thú tính” cho con. Ngược lại, vợ chồng tranh luận nhỏ nhẹ, biết nhường nhịn nhau sẽ tập cho con có “tính người” nhiều hơn. Ứng xử khéo léo trong gia đình sẽ giáo dục con “tính người”. Cha mẹ nên cho con biết đồng lương của mình làm ra không đơn giản. Mục đích này còn nhằm giáo dục con hiểu được giá trị của sức lao động biết cách tiêu dùng hợp lý cũng là rèn luyện “tính người”.
Hướng trẻ đến thông tin mang “tính người”
Gia đình dạy ứng xử cảm xúc. Nhà trường dạy ứng xử trí tuệ. Các nhà tâm lý giáo dục đã chứng minh rằng, đứa trẻ biết đặt câu hỏi sẽ thông minh hơn đứa trẻ chỉ biết trả lời câu hỏi. Mẹ là cô giáo (tiểu học) mà con cũng đang học tiểu học ở một trường khác, khi con cần hỏi gì đó liên quan đến chuyện học hành, người mẹ không giải đáp mà hãy nói với con rằng: “Ngày mai con hãy hỏi cô giáo”. Mẹ trả lời sẽ tập cho con thói quen chỉ chờ được trả lời mà không biết đặt câu hỏi.
Ngày nay, trẻ dễ dàng tiếp cận những phương tiện hiện đại dẫn đến thừa thông tin, lúc này, việc cần làm là xử lý thông tin. Cha mẹ cần hướng trẻ đến với những thông tin mang “tính người”, thông tin cống hiến, không nên để trẻ đến với thông tin hưởng thụ.
Ứng xử trong gia đình thời @ còn phải dạy con biết quý trọng giá trị truyền thống. Duy trì thường xuyên bữa cơm gia đình cũng là cách để tập cho con cái “tính người”. Con cái ý thức được rằng, bữa cơm gia đình là để gần gũi, chia sẻ buồn vui cùng nhau. Thành viên trong gia đình luôn tôn vinh nhau trước mặt con cái, không nên tranh thủ… nói xấu nhau. Nếu người vợ kiếm được nhiều tiền hơn chồng thì cũng không nên cho tiền con mà hãy chuyển cho chồng để cho con và ngược lại. Làm như vậy để giáo dục tình thương của con đối với cha (mẹ), giữ hòa khí gia đình, tránh tình trạng con cái coi thường bố hoặc mẹ không làm ra tiền. TS. Vũ Gia Hiền khẳng định: “Dạy ứng xử cho con là tập lại chính mình. Cần khen chê con đúng lúc, sẽ có tính thuyết phục con hơn và con sớm sửa sai lầm. Nếu trong lời chê có chút vui vui trẻ thấy rằng lời chê ấy có sức sống, việc trẻ làm thật đáng chê” trẻ tiếp thu sẽ dễ dàng hơn. TS. Hiền cảnh báo những đứa trẻ nói nhiều hơn làm, thông minh trước tuổi, nếu cha mẹ không nhìn nhận hoặc cố tình bỏ qua những gì con nói theo kiểu người lớn thì hãy coi chừng, mình đang làm mất con. Trong gia đình, ứng xử quan trọng nữa là dạy con biết khóc khi thương người, biết cười khi thành công… Theo TS. Hiền, dạy con biết tiết kiệm cũng là ứng xử bằng cảm xúc.
Bài, ảnh: Trần Tuy An