Thứ năm, 22/11/2012, 16h11

Nhà giáo thời hội nhập

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục, không có giáo dục thì không có cán bộ, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hóa”.
Ông Raja Roy Singh, nguyên Giám đốc UNESCO châu Á - Thái Bình Dương có phát biểu: “Không có một nền giáo dục của quốc gia nào lại có thể phát triển cao hơn trình độ đội ngũ giáo viên của quốc gia đó”.
Nhà giáo, với công việc giáo dục và mục tiêu là đào tạo ra con người có phẩm chất, có năng lực cho xã hội nên lao động của nhà giáo là lao động đặc biệt, bởi lao động đó cho ra những sản phẩm đặc biệt, khẳng định các giá trị con người cho công dân hiện hữu và tương lai. Phẩm chất và nhân cách nhà giáo được quy định bởi nhiều yếu tố, nhưng cốt lõi vẫn là tri thức và lòng yêu thương học sinh. Nhà giáo có thâm niên hay mới vào nghề muốn tồn tại và phát triển nghề nghiệp thì phải luôn có ý thức gia tăng hàm lượng tri thức trong tư duy và bồi đắp thêm tình thương yêu, tinh thần trách nhiệm trong việc giáo dục thế hệ trẻ.
Nếu ý thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm với học sinh; xác định đầy đủ các yêu cầu đặt ra đối với nhà giáo từ gia đình, từ xã hội, từ bản thân các em học sinh chứ không chỉ từ các quy định tiêu chuẩn của ngành thì nhận thức và hành động của người thầy sẽ bộc lộ phẩm chất, đạo đức của mình. Hay nói cách khác, từ vai trò trách nhiệm, người thầy phải xác định những phẩm chất, năng lực cần có để tự rèn luyện. Và thước đo chính là niềm tin yêu của học sinh và đồng nghiệp.
Đề cập tới hai chữ nhà giáo đặt trong thời điểm và bức tranh toàn cảnh văn hóa kinh tế xã hội hiện nay, dù chúng ta nhìn và soi ở bất cứ góc cạnh nào, thiết nghĩ việc trước tiên là đề cập tới mối quan hệ tương quan nêu trên giữa vai trò, trách nhiệmphẩm chất, năng lực nhà giáo trong xu thế hội nhập, đặt trong mối tương tác giữa hai chủ thể trực tiếp trong quá trình dạy học và giáo dục: Nhà giáo và người học.
Ở trên lớp, yêu cầu truyền đạt kiến thức từ bài giảng, bài tập thực hành, đòi hỏi người thầy phải cung cấp đủ lượng kiến thức, lượng thông tin, phải bảo đảm cho học sinh tiếp thu được lượng kiến thức thông tin đó bằng sự hướng dẫn tận tâm chứ không chỉ là giảng bài; để kích thích tư duy học sinh, tự suy nghĩ, tự tìm tòi, khám phá đòi hỏi người thầy phải đầu tư, cập nhật kiến thức trong soạn giảng, phải chuẩn bị hệ thống câu hỏi phát vấn và bài tập thực hành một cách khoa học và có chiều sâu; người thầy phải hướng vào từng cá nhân, kiên trì dành nhiều thời gian mới phát hiện được điểm mạnh, điểm yếu của từng học sinh trong một tập thể lớp mà nhiều cá tính, nhiều khả năng học tập khác nhau. Người thầy phải lồng trong giờ dạy sự chỉ bảo cho học sinh điều hay lẽ phải, điều nên làm và không nên làm, quan hệ đối xử với mọi người…
Ở ngoài lớp, người thầy phải nâng cao trình độ lý luận chính trị, là tấm gương tiên phong, nhiệt huyết cho học sinh noi theo; Phải tham gia xây dựng tốt hệ thống chính trị trong nhà trường, tham gia các tổ chức đoàn thể, các hoạt động ngoại khóa, công tác xã hội… cùng đồng nghiệp và học sinh của mình. Khi sinh hoạt tổ chuyên môn, phối hợp với các giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, giám thị… để đánh giá học lực, hạnh kiểm học sinh đòi hỏi người thầy phải nghiêm túc, chính xác bằng cái tâm của mình. Người thầy phải sắp xếp thời gian ngoài giờ dạy cộng với tấm lòng thực sự yêu thương học trò kết hợp với cha mẹ học sinh để trao đổi thông tin về học tập, rèn luyện, tâm tư tình cảm cho các em. Đối với việc chuyển tải, cung cấp, hướng dẫn các bài tập, tài nguyên kiến thức ngoài chương trình, ngoài sách giáo khoa để kích thích tư duy sáng tạo, tự nghiên cứu khoa học cho học sinh đòi hỏi người thầy phải đầu tư nghiên cứu, học tập, cập nhật bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn.
Chưa thể liệt kê hết những yêu cầu và đòi hỏi của xã hội với nhà giáo trong khuôn khổ bài viết này, nhưng bao quát nhất là đòi hỏi ở người thầy một tấm gương mẫu mực cả về tư cách đạo đức, trí tuệ đến ngôn phong, tác phong, hình thức bề ngoài.
Để đáp ứng đượcvai trò và phẩm chất nhà giáo thời kỳ hội nhập hiện nay, người thầy phải không ngừng tự đổi mới, hoàn thiện bản thân để đáp ứng yêu cầu mới; nhiều thầy cô giáo bằng lòng với kiến thức đã học trong các trường CĐ, ĐH, phương pháp dạy khô cứng đơn điệu, đọc sách giáo khoa cho học sinh chép hoặc chỉ tóm tắt sách giáo khoa, đó là cách dạy không phù hợp hiện nay, mà phải có ý thức quyết tâm học hỏi, nghiên cứu, cập nhật, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là khoa học giáo dục; phải say mê, bền bỉ, cần cù, nghiêm túc và sáng tạo trong lao động sư phạm. Cũng vẫn còn những biểu hiện chạy theo thành tích, đánh đập, xử phạt xúc phạm đến nhân cách và thân thể học sinh, hoặc cố kiếm tiền bằng mọi hình thức, tự đánh mất mình, làm ảnh hưởng chung đến uy tín của đồng nghiệp, mất lòng tin của xã hội, người thầy phải không ngừng nêu cao đạo đức, tác phong gương mẫu, thương yêu, gần gũi học sinh, gắn bó, đoàn kết với đồng nghiệp, thực sự là “tấm gương sáng cho học sinh noi theo”.
Mỗi người thầy, không ai muốn ngoài giờ dạy và làm việc cả ngày mệt nhoài trong trường lại phải tiếp tục xách cặp đi dạy thêm, nhưng cũng có nhiều người đã làm và đang làm, vì nhiều nguyên do khác nhau, nhưng chắc không phải vì làm giàu mà là cách vượt qua những khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ cao quý - Nhà giáo.
Xã hội đã tạo ra một nếp nghĩ về một biểu tượng người thầy chỉ nên sống bằng đồng lương, thanh bạch mà cao quý. Đúng như vậy, đồng lương đủ trang trải cuộc sống bản thân và gia đình sẽ rất tốt và cần thiết để người thầy đáp ứng tất cả những yêu cầu và đòi hỏi vừa nêu trên.
Và điều mà chúng ta mong muốn ở người thầy là phẩm chất, nhân cách trước những thử thách của cuộc đời và xã hội; là đổi mới, sáng tạo trong dạy học trước vô vàn kiến thức, nguồn tài nguyên khoa học kỹ thuật vô tận của thời đại công nghệ thông tin, là tấm gương sáng để hun đúc một niềm tin và sự trưởng thành, lớn lên từ tri thức cho học sinh.
Lê Hồng Sơn
 (Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)