Thứ năm, 17/4/2014, 09h04

Bò quý Bảo Lâm

Ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, con bò được bà con nâng niu, coi trọng. Bởi nó là con vật giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo. Vì yêu mến nên những người đàn ông nơi đây có thú vui dắt bò xuống chợ để khoe. Cũng vì thế mà lễ hội “Thi bò đẹp và chọi bò” được UBND huyện tổ chức vào ngày 20 tháng Giêng hàng năm trở thành lễ hội đông vui nhất tỉnh Cao Bằng và khu vực miền núi phía Bắc.

Đông vui rộn rã

Mới 4 giờ sáng, tôi đã thức giấc bởi những tiếng bò kêu ò ò từ khắp nơi vọng lại. Lần theo tiếng, tôi xuống một thung lũng nằm ngay sát bờ sông. Trên bãi đất rộng chừng 50m, dài cả 300m, nhấp nhô những thân cọc gỗ đen bóng ẩn hiện giữa màn sương sớm. Từ khắp nơi, tiếng ò ò, tiếng leng keng của chiếc chuông buộc nơi cổ rung lên đủ cung bậc theo bước chân của những con bò từ khắp triền núi, nẻo đường tiến về tụ hội. Rồi tiếng Mông, tiếng Nùng, tiếng Kinh… í ới gọi nhau, xì xào trao đổi.

Anh Thào Chìa Của từ thôn Củng Nhùng, xã Phi Luông, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang bỏ 1,5 triệu đồng thuê ô tô tải chở 4 con bò vượt 41km, đi từ 4 giờ, 6 giờ mới xuống đến chợ. 4 con bò này, anh Của mua lại của người dân ở thôn, nuôi vỗ béo rồi mang xuống chợ bán. 32 tuổi nhưng anh đã có 15 năm làm nghề buôn bò. Anh bảo, ngày trước chưa có đường ô tô, chưa có tiền thuê ô tô, nhiều người còn từ huyện Đồng Văn, huyện Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang dậy từ 1, 2 giờ sáng dắt đàn bò đi suốt đêm mới kịp đến chợ.

Bà con ở Bảo Lâm dắt bò xuống chợ để khoe, không bán được lại dắt về.

Vừa buộc 4 con bò vào cọc, anh Của đã có khách đến hỏi ngay. Ông khách chú ý ngay đến cặp bò mẹ con. Ông chắp tay sau lưng đi một vòng quan sát, lấy tay xoa vào sống lưng từng con, cầm thừng của từng con kéo lên cao để xem miệng, răng… Chừng 15 phút sau, tiền trao, bò dắt, ông khách mới hể hả tiếp chuyện tôi. Ông là Mã Văn Dinh, 51 tuổi, từ thôn Nà Héng, xã Nam Quang, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng xuống chợ lúc 6 giờ và may mắn mua ngay được bò. Nhà có 10 sào ruộng trồng lúa, bắp nên ông mua mẹ con con bò này về nuôi để chúng đi cày, đẻ con. Ông chia sẻ kinh nghiệm chọn bò: “Nhìn con nào dáng nhanh nhẹn, miệng nhai đi nhai lại liên tục là bò khỏe. Con nào nhìn như buồn ngủ là bò yếu”.

Giữa chợ bỗng xôn xao tiếng cười nói, tiếng thách đố nhau bằng đủ thứ tiếng. Thì ra anh Thào A Sùng ở xóm Chè Pẻn, thị trấn Pác Mjầu, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, 28 tuổi và đi bán bò từ năm 20 tuổi dắt một con bò đực gần 3 tuổi, lông vàng bóng mượt ra chợ, phát giá 28,5 triệu đồng. Mọi người đang xúm lại xem xét, bình phẩm. Con bò đực 1 năm tuổi toàn thân vàng óng, dáng rắn rỏi oai phong cũng đang được một đám đông ngắm nghía, ngã giá. Thế rồi đám người này ngước mắt sang đám khác, cất lời góp chuyện. Hai con bò đực cũng ò ò thể hiện bản lĩnh. Lập tức hai đám sáp làm một hè nhau kích chủ bò cho hai con đấu sức. Bãi trống phía cuối chợ được biến ngay thành sân đấu. Anh Sùng và anh Của ai cầm thừng bò của người ấy đứng về hai phía rồi tay kéo thừng cho hai con bò đực sáp vào nhau. Đám đông người hò reo cổ vũ, người sùy sùy, người lấy que quật vào mông bò để kích thích chúng hăng máu. Hai con bò lao vào nhau với tốc độ chóng mặt, 4 sừng va nhau khốp khốp khi ghì, khi móc hầu, lúc móc mắt… Hai con ăn miếng trả miếng đến 10 phút mà bất phân thắng bại. Không muốn phá sức chúng nữa nên anh Sùng và anh Của bắt tay nhau, cười hể hả rồi lại vui vẻ dắt bò về khu giữa chợ tiếp tục cuộc mua bán. Đám đông tản đi, niềm vui sướng, sự sảng khoái lan khắp chốn.

Chợ cứ họp vui vẻ như thế đến tầm 12 giờ thì tan. Phiên này, người mua nhiều nhất là anh Trần Văn Thành ở tổ 5, phường Ngọc Hà, TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang. Anh mua được 8 con bò đực, 2 con bò cái để đưa lên thùng ô tô tải chở về huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang mổ thịt bán.

Anh Sầm Ngọc Cao, Chánh văn phòng UBND huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, cho biết: “Bà con người Mông ở đây rất quý con bò. Bà con chăm sóc bò rất cẩn thận để lấy sức kéo cày. Con bò là tài sản quý nên đi chợ bán bò, mua bò là việc quan trọng. Vào mùa đông, phiên chợ nào bà con cũng dắt ra 200 - 300 con bò. Dù có khi chỉ bán được 20 - 30 con nhưng bà con cứ dắt đi để khoe cái đã, không bán được lại dắt bò về”.

Là đầu cơ nghiệp

Ông Vũ Ngọc Lưu, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, khoe: Đàn bò tăng trưởng phi mã trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 2, 3 (năm 2005 - 2010; 2010 - 2015), là con xóa đói, giảm nghèo hiệu quả cho huyện.

Năm 2000 khi huyện mới thành lập, đồng bào Mông, Nùng, Lô Lô, Sán Chỉ…, mỗi nhà sinh sống cheo leo trên núi, trồng lúa, bắp rẫy một vụ và chờ nước trời… nên cái đói cứ đeo đẳng. Mở lối thoát nghèo cho bà con trở thành vấn đề nóng hàng đầu của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện. Qua nhiều lần đi khảo sát thực tế, thấy bà con người Mông, Nùng có truyền thống chăn nuôi bò rất giỏi, bán ra thị trường với giá cao nhưng bà con chăn nuôi nhỏ lẻ, không thành phong trào. Bàn tính kỹ, Ban Thường vụ Huyện ủy quyết định đưa phát triển chăn nuôi bò thành Nghị quyết Đại hội Đảng bộ rồi thành lập ban chỉ đạo, tập trung các nguồn vốn, vay vốn ưu đãi, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, phòng bệnh, trồng cỏ voi, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phát triển chăn nuôi bò. Huyện cũng quyết định tổ chức lễ hội “Thi bò đẹp và chọi bò” vào ngày 20 tháng giêng hàng năm để thúc đẩy chăn nuôi trong đồng bào. Sau hơn 10 năm, toàn huyện có hàng vạn con bò. Trên 60% đồng bào Mông, Nùng…, chăn nuôi bò, hộ có thu nhập từ 20 - 100 triệu đồng/năm ngày càng tăng, góp phần giảm 3% - 4%/năm tỷ lệ hộ nghèo của huyện.

Tôi đến xã Thái Học, leo núi 2 giờ lên với bà con người Nùng ở xóm Nà Cút, nơi điển hình về nuôi bò. Hơn 30 nóc nhà quần tụ giữa rừng sâu, chưa có đường ô tô, chưa có điện lưới nhưng đến nhà nào tôi cũng thấy có xe máy, máy xay xát chạy dầu… Chuồng bò làm bằng gỗ, bưng ván vuông vức sạch, đẹp. Cỏ voi, thức ăn ủ chua chất từng đống to bên cạnh. Những con bò vỗ béo to lừng lững vừa ăn cỏ vừa kêu ụm ò… ụm ò… vẻ khoan khoái.

Gần 12 giờ trưa mà anh Nông Văn Hài, trưởng xóm Nà Cút, vẫn tất bật quây thêm bạt, băm cỏ voi cho bò. Anh bảo cả bản có mấy trăm con bò, nhiều hộ nuôi 15 con trở lên, hộ ông Phùng Văn Khấn có đến 100 con bò. Nhà sàn của gia đình anh Hài rộng 7 gian, bưng gỗ sáng bóng, lợp ngói đỏ tươi. Anh cho biết, nhà nuôi từ 15 - 20 con bò, 1 năm bán từ 2 - 3 con được khoảng 80 triệu đồng. Những năm qua, tiền làm nhà sàn to đẹp, nuôi hai con học đại học, cao đẳng… của gia đình là đều từ bán bò.

Trước đây, Nà Cút nghèo lắm, bà con chỉ làm nương một vụ bắp, không đủ ăn. Chăn nuôi bò tự phát, thả rông, không cùng nhau phòng chống dịch bệnh nên bệnh gia súc lây lan làm bò chết nhiều. Từ năm 2005, được cán bộ xã, huyện hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò, trồng cỏ voi nên 100% hộ tập trung chăn nuôi bò. Con bò bán đi có tiền chục triệu đồng, trăm triệu đồng giúp nhiều gia đình đổi đời. Cả xóm có 15 em xuống núi học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp…

Từ năm 2008 đến nay, cứ vào ngày 20 tháng Giêng, UBND huyện Bảo Lâm lại tổ chức lễ hội “Thi bò đẹp và chọi bò”. Năm nào người bản Nặm Mioỏng, xã Quảng Lâm cũng giành được nhiều giải cao. Anh bạn đi cùng cho biết, cả bản có gần 50 hộ gia đình người Mông thì hầu hết đều mê chọi bò. Nét độc đáo và cũng là một nét đẹp văn hóa tại lễ hội chọi bò Bảo Lâm là những chú bò chọi sau khi kết thúc lễ hội sẽ được chủ nhân giữ lại để chăm sóc, dùng làm sức kéo cày bừa, huấn luyện để mùa lễ hội năm sau trổ tài chứ không bị mổ bán như tại các lễ hội chọi trâu ở các tỉnh khác.

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

(SGGP)