Thứ bảy, 19/4/2014, 10h04

Khó thay phương thức vận tải đường bộ

Tại cuộc họp về tăng năng lực vận tải của các phương thức vận tải khối lượng lớn để giảm áp lực cho vận tải đường bộ do Bộ GTVT tổ chức chiều 18-4, đại diện các doanh nghiệp lớn đã nhận định vận tải đường bộ không còn hấp dẫn do giá cước quá cao sau khi chủ trương kiểm soát chặt xe quá tải được triển khai. Thế nhưng, các phương thức vận tải thay thế là đường sắt, đường thủy, hàng không lại đang có những trở ngại khiến không ít doanh nghiệp phải đau đầu.

Giá cước thấp vẫn không hấp dẫn

Theo ông Khuất Việt Hùng, Vụ Vận tải (Bộ GTVT), giá cước vận tải hàng hóa đường sắt (ĐS) tương đối thấp so với các phương thức vận tải khác, đặc biệt trên những tuyến cự ly dài. Hiện tại, tuyến Sài Gòn - Hà Nội, giá cước chỉ vào khoảng 1 triệu đồng/tấn hàng, bằng khoảng 50% so với vận chuyển container bằng đường bộ.

Tuyến Hải Phòng - Lào Cai, giá cước vận chuyển container bằng ĐS cũng chỉ bằng 60% vận chuyển đường bộ. Giá cước vận tải đường thủy còn thấp hơn nhiều, chỉ bằng 25% - 40% vận tải đường bộ. Đặc biệt, cước vận tải bằng đường biển còn thấp hơn nữa, trên tuyến Sài Gòn - Hà Nội, chỉ bằng 15% - 20% so với đường bộ. Các tuyến vận tải đường ven biển từ Sài Gòn, Hải Phòng đi các tỉnh miền Trung cũng chỉ bằng khoảng 40% - 45% chi phí vận tải đường bộ…

Mặc dù vận tải đường thủy có giá thành thấp nhưng chưa hấp dẫn như vận tải đường bộ. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Giá cước hấp dẫn như vậy nhưng vì sao các loại hình vận tải này lại không phát huy từ nhiều năm nay? Đó cũng chính là những bức xúc của đại diện hàng loạt các doanh nghiệp có nhu cầu chở hàng lớn trong nước.

Theo bà Vũ Thị Hiền Đức, Tổng giám đốc Tổng Công ty Mía đường, việc chở sản phẩm đường xuất khẩu lên biên giới bằng tuyến đường sắt phía Tây Hà Nội - Lào Cai gặp rất nhiều khó khăn. Mới đây, doanh nghiệp này đã ký hợp đồng với ngành đường sắt chở 10.000 tấn đường, song hàng tuần sau vẫn chưa được xếp lịch, trong khi thời hạn giao hàng rất gấp, phải đến khi có sự can thiệp của bộ trưởng, đơn vị này mới được thực hiện hợp đồng.

Đại diện Tổng Công ty Thép Việt Nam cho biết, nhu cầu vận tải 2 chiều của công ty trên tuyến Hà Nội - Lào Cai là khoảng là 1 triệu tấn/năm, thế nhưng khi làm việc với ngành vận tải đường sắt thì được biết năng lực đã cạn.

Đại diện các doanh nghiệp lớn như Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, Tổng Công ty Lương thực miền Nam, Tổng Công ty Phân bón… đều khẳng định có nhu cầu lớn về vận tải bằng đường sắt, đường thủy, thay vì đường bộ nhưng với năng lực bốc xếp của đường sắt, đường thủy rất yếu kém, cộng với việc phải bốc xếp nhiều lần, chuyển từ phương thức nọ sang phương thức kia khiến tổng chi phí lên cao, không cạnh tranh hơn đường bộ. Đó là chưa kể những chi phí tiêu cực để có thể thực hiện hợp đồng với đường sắt.

Phải giảm chi phí vận tải

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định, việc kiểm soát tải trọng xe, đưa giá cước vận tải đường bộ về đúng thực chất là nhằm tạo điều kiện cho thị trường vận tải phát triển lành mạnh. Trách nhiệm của ngành GTVT là không để các doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động vận tải, không làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội và ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Để sớm tạo ra những thay đổi căn bản về năng lực của các phương thức vận tải đường sắt, đường bộ, hàng không, sẵn sàng thay thế, giảm tải đường bộ, bộ trưởng yêu cầu, mỗi đơn vị phải tăng năng lực, cải cách hành chính, nâng cao tính chuyên nghiệp, chống tiêu cực.

Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan chức năng của bộ nghiên cứu, rà soát lại nhu cầu vận tải đối với mỗi phương thức. Đặc biệt, sẽ sớm đưa sàn giao dịch vận tải hàng hóa vào hoạt động, triển khai xây dựng khung giá cước của từng phương thức vận tải và đưa ra các tiêu chí đảm bảo kết nối giữa các phương thức vận tải. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần khẩn trương nghiên cứu đề xuất các cơ chế ưu đãi; giảm giá xếp dỡ, mức phí, lệ phí tại các cảng biển, cảng sông nhằm giảm tổng giá cước vận tải.

Bộ trưởng yêu cầu, ngành đường sắt phải chấm dứt ngay tình trạng tiêu cực, đầu tư để cải thiện năng lực bốc xếp hàng hóa, bố trí, sắp xếp lại một cách khoa học để tăng năng lực vận tải. Trong khi chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu thực tế, ngành đường sắt cần ưu tiên chở hàng nông thổ sản, phân bón phục vụ cho nông dân. Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tập trung chỉ đạo xây dựng hạ tầng, tháng 3-2015 sẽ hoàn thành cải tạo tuyến đường sắt phía Tây Hà Nội - Lào Cai, hoàn thành nạo vét kênh Chợ Gạo, kênh Chánh Bố trong năm 2015…

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết sẽ thành lập các đường dây nóng để tiếp nhận những phản ánh của các doanh nghiệp, chủ hàng gặp khó khăn trong hoạt động vận tải. Mục tiêu lâu dài được đặt ra là kéo giảm chi phí vận tải trong GDP, chi phí vận tải trong GDP chiếm 15% - 20% hiện nay là quá cao.

BÍCH QUYÊN (SGGP)