Thứ sáu, 22/8/2014, 10h08

Lâm tặc lộng hành khu vực rừng giáp ranh

Bất chấp địa hình rừng sâu, dốc đứng và sự chốt chặn, truy quét của ngành chức năng, lâm tặc vẫn tuồn gỗ quý ở vùng rừng giáp ranh giữa hai tỉnh Lâm Đồng - Bình Thuận về xuôi tiêu thụ. Cùng với những chiêu thức hoạt động tinh vi và chuyên nghiệp, các đối tượng khai thác, vận chuyển gỗ lậu còn hết sức liều lĩnh, manh động, sẵn sàng đụng độ lực lượng bảo vệ rừng.

Rừng giáp ranh Lâm Đồng - Bình Thuận vẫn “chảy máu”.

Gỗ theo xe “khủng” rời rừng

Vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận dài khoảng 200km từ lâu vốn phức tạp về phá rừng và vận chuyển gỗ trái phép. Nếu vài năm trước, “nóng” nhất là tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ lậu và chống người thi hành công vụ ở khu vực giáp ranh giữa huyện Đạ Huoai (tỉnh Lâm Đồng) với huyện Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận), thì thời gian gần đây, điểm nóng “dời” lên khu vực giáp ranh giữa huyện Di Linh, Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) với huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận). Đây là vùng địa hình hiểm trở nhưng có nhiều loại gỗ quý như: giáng hương, gụ, trắc, lim xanh, sao, căm xe… nên luôn là mục tiêu mà lâm tặc nhắm đến.

Ông Đinh Tiến Hùng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Di Linh, cho biết, đơn vị xác định 3 điểm nóng phá rừng là Gia Bắc - Sơn Điền (giáp Hàm Thuận Bắc), Bảo Thuận và Tam Bố (giáp Bắc Bình). Sau khi đặt chốt chặn trên quốc lộ 28 thì tình hình tại Gia Bắc - Sơn Điền và Bảo Thuận đã tạm ổn. Hiện “đau đầu” nhất là điểm nóng Tam Bố. Khu vực này núi non hiểm trở, lâm tặc phải cắt đường băng rừng hàng chục cây số từ huyện Đức Trọng vòng về Bình Thuận để vào khai thác gỗ, khiến việc tuần tra, xử lý gặp nhiều khó khăn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để đưa được gỗ quý ra khỏi rừng, các đối tượng khai thác gỗ trái phép phải sử dụng loại xe “khủng” mà các loại xe chuyên dụng của kiểm lâm cũng không thể sánh được. Loại xe này được “độ chế” gồm 2 cầu, khung xe bằng thép chịu lực, bánh xe quấn dây xích, đầu và đuôi xe đều có hệ thống dây tời để có thể vượt qua những con dốc dựng đứng. Hầu hết số xe này đều của các “trùm” gỗ lậu ở khu vực các xã Vùng Loan (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng).

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, trong năm 2013, ngành chức năng huyện Đức Trọng đã bắt được 5 xe, nhưng hiện vẫn còn 4 - 5 xe vẫn đang hoạt động.

Cản xe, giật súng kiểm lâm

Giá gỗ mỗi năm một tăng, nhất là các loại gỗ quý hiếm hiện gần như chỉ còn tại các vùng rừng giáp ranh, nên lâm tặc dùng mọi chiêu thức để xâm nhập, khai thác và buôn bán trái phép. Cùng với việc bỏ tiền để đầu tư xe “độ chế” (khoảng 500 triệu đồng/chiếc), các đầu nậu gỗ còn lập “mạng lưới” tai mắt để cảnh giới, canh me lực lượng chức năng. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Di Linh Đinh Tiến Hùng bức xúc: “Cứ mỗi lần anh em chúng tôi xuất quân là có đối tượng canh me, gọi điện báo cho nhau. Vì vậy, khi kiểm lâm đến nơi là chúng tẩu tán hết, mặc dù ở đó vẫn còn vết xe mới rợi”.

Không dừng lại ở đó, các đối tượng khai thác, vận chuyển gỗ ở vùng giáp ranh còn hết sức manh động, sẵn sàng đụng độ với lực lượng bảo vệ rừng khi bị chặn bắt. Còn nhớ vụ lâm tặc bao vây ở Tiểu khu 666 (gần xã Tam Bố), ông Nguyễn Văn Tập, cán bộ Đội Kiểm lâm cơ động - Hạt Kiểm lâm Di Linh, vẫn chưa hết “ớn”. Thời điểm đó, lực lượng kiểm lâm tuần tra và bắt giữ đối tượng đang vận chuyển gỗ sao tại Tiểu khu 702, khi đưa đối tượng và tang vật vi phạm ra đến khu vực Cầu Cháy thì hàng chục côn đồ “đằng đằng sát khí” chờ sẵn. Một số xông vào nằm ngang bánh xe của kiểm lâm để cản đường, các đối tượng khác, tay lăm lăm mã tấu, xông vào giật súng của kiểm lâm và “cướp sống” tang vật cùng người vi phạm.

Lập 2 trạm bảo vệ rừng liên tỉnh

Để ngăn chặn tình trạng vi phạm lâm luật xảy ra phức tạp tại khu vực giáp ranh Di Linh, Đức Trọng với Bắc Bình, UBND hai tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận đã thống nhất xây dựng 2 trạm bảo vệ rừng giáp ranh tại xã Tà Năng (huyện Đức Trọng) và khu vực Cà Tường (huyện Di Linh). Hiện trạm Tà Năng đã đi vào hoạt động.

NAM VIÊN

(SGGP)