Miền quê ấy ở đâu, dính dáng như thế nào mà tôi lại rưng rưng mỗi khi nhớ về miền quê ấy?
Vâng, miền quê ấy có Đình Ông – nơi thờ phụng vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực mà hằng năm vào dịp giỗ ngài, khách thập phương hành hương về đây như trăm suối nghìn sông dồn về biển cả. Nơi có chùa Quan Đế, có con sông Kiên hiền hòa uốn khúc, có cô bé mù bán củi da dẻ xanh xao. Có chợ Nhà lồng mà ngày ngày tôi với hai thanh tre gõ nhuần nhuyễn điệu Lý ngựa ô giục giã, bưng bê từng tô hủ tiếu vào chợ phục vụ cho các cô, dì và cả em nữa – một người em gái thân thương.
Em bán rau trong chợ Nhà lồng. Tên em là Ngọc Sương, em Sương có nụ cười thật duyên với đôi hàm răng trắng đều tăm tắp.
Cứ mỗi sáng đi chợ lấy hàng, xương giò thì tôi mua nơi cô Hạnh; hủ tiếu, mì tươi và da hoành thánh thì lấy chỗ chị Kim. Xong, tôi ghé đến hàng rau để mua hành củ, hành lá và hẹ của em.
Chả nhớ là bắt đầu từ khi nào, vì sao em bán hành hẹ cho tôi mà chẳng lấy đồng nào. Và tôi, ngày nào tôi cũng bưng tô hủ tiếu thơm ngon, loại “đặc biệt” cho em nhưng cũng hoàn toàn… miễn phí.
Có một lần trong quán nước, tôi nói với em: “Sương à, Kiên Giang quê em có huyện Hòn Đất, nơi ấy có cái hang động lớn lắm. Hồi chiến tranh, anh Ngạn chị Sứ và nhiều người nữa từng sống ở hang này. Em có biết nhà văn Anh Đức với tiểu thuyết “Hòn Đất” nổi tiếng hay không?”. “Dạ, huyện Hòn Đất thì em quá biết đi chớ, nhưng chuyện cái hang động, anh Ngạn chị Sứ cùng ông nhà văn gì đó thì em không biết ạ”.
Chả hiểu sao tự ngày xưa và mãi cho đến bây giờ, mỗi khi đọc tác phẩm của các nhà văn tôi cứ tin nhân vật ấy, câu chuyện ấy, địa danh ấy hoàn toàn có thật chứ chả nghĩ là họ hư cấu, phù phép bao giờ.
Uống ngụm nước dừa xong tôi lại thỏ thẻ tiếp với em: “Tên em là Ngọc Sương, cả chữ lót lẫn tên đều trùng với chị gái của thi sĩ Bích Khê ở quê anh đó”. “Chị Ngọc Sương với thi sĩ Bích Khê là bạn của anh sao?”. “Không, em. Ngọc Sương với Bích Khê là bậc tiền bối, tuổi của họ xem xem tuổi của ông nội anh, em ạ. Thi sĩ Hàn Mặc Tử ngày xưa cũng từng thương nhớ Ngọc Sương”. “Ui, thế hả anh? Em không biết chi hết cả. Mà này, anh bán hủ tiếu mà sao anh rành chuyện thơ văn, người này người kia quá vậy?”. “Thì có rành gì đâu em, chỉ là nghe người ở quê anh nói vậy nên anh nói theo thôi chứ có rành rẽ gì đâu!”.
Thật vui là sau ngày đó tầm nửa tháng, em hớn hở kể tôi nghe: “À anh ơi, cái bài văn anh làm giúp cho thằng Điền em của em được cô giáo cho 9 điểm. Nhưng mà cô hổng có tin nó làm à nha, nên cứ gặng hỏi riết, nó đành khai thiệt là anh Hoàng bán hủ tiếu, bạn thân của chị em làm giùm cho ạ. Cô giáo lại chất vấn: “Chớ anh Hoàng bán hủ tiếu nào, ở đâu vậy em?”. “Dạ, anh Hoàng người Quảng Ngãi, vô đây bán hủ tiếu cạnh chùa Quan Đế, sát chợ Nhà lồng đó cô à”. “Ui, vậy hả em? Chắc anh ấy tội lắm. Cô đọc bài văn vừa hay vừa cảm động khiến cô rớt nước mắt luôn, em ạ. Để hồi nào đi chợ, cô ghé ăn hủ tiếu xem anh ấy ra sao”.
Tôi nhớ như in một chiều thứ bảy, khi cả hai cùng đứng bên thành cầu của sông Kiên, không hiểu nghĩ gì em đột ngột hỏi tôi: “Anh Hoàng ơi, sao mà mắt anh buồn quá vậy?”. Tôi giật mình nhưng giả vờ cười phá lên, giòn giã: “Không mà, mắt anh vẫn bình thường chứ có buồn bã gì đâu!”.
“Biết ai còn đợi còn chờ
Sông Kiên ngày ấy bây giờ ra sao?
Một thời phiêu bạc, lao đao
Chợ lồng còn dấu chân nào của tôi?”
Này em, em có hiểu “Biết ai…” là ai trong mấy câu thơ này không vậy? “Ai” chính là em đó, Sương ơi!
Hơn ba mươi năm rồi tôi chưa trở lại Kiên Giang.
Mà ví như có trở lại nơi này, em có biết điều tôi lo sợ nhất là gì không?
Ấy là khi:
“Đến Kiên Giang hốt nhiên anh sợ:
Em không còn đó biết tìm đâu?
Tản văn của Hà Huy Hoàng
Quảng Ngãi, 4-12-2024
Bình luận (0)