Thứ năm, 10/4/2014, 22h04

Đại học danh tiếng Harvard

Cổng chính của ĐH Harvard. Ảnh: I.T
Ngày nay khi nói đến giáo dục đại học (ĐH) thế giới, mọi người nghĩ ngay đến hệ thống các trường ĐH danh tiếng của Mỹ. Đến nay, lịch sử các trường ĐH của Mỹ có hơn 478 năm. Tại 50 tiểu bang, nước Mỹ có hàng ngàn trường ĐH chất lượng cao với 2 hệ thống quốc lập và tư thục.
Các trường ĐH lâu đời có danh tiếng và uy tín nhất của nước Mỹ lại là các trường tư thục ra đời cách đây trên dưới 300 năm. ĐH ở Mỹ có hai cấp đào tạo là 2 năm và 4 năm, gọi là đào tạo chuyên ngành (major); cấp sau ĐH đào tạo thạc sĩ (masters degree) thời gian 2 năm; cấp đào tạo tiến sĩ là từ 3 đến 7-8 năm.
1. Giáo dục ĐH Mỹ có chất lượng cao, đạt đẳng cấp quốc tế vì có hệ thống kiểm định chất lượng đào tạo nghiêm ngặt với 7.700 trường, 18.700 chương trình. Trong hàng ngàn trường ĐH, có 10 trường được xếp hạng hàng đầu, chất lượng cao và nổi tiếng nhất của nước Mỹ. Đó là Trường ĐH Yale (1701), ĐH Pennsylvania (1740), ĐH Princeton (1746), ĐH Columbia (1754), ĐH Duke (1838), ĐH Stanford (1885)… Trong số này, danh tiếng nhất là ĐH Harvard ở bang Cambridge. Lúc đầu là Viện Nghiên cứu tư thục, thành viên của Liên đoàn Ivy ở Massachusetts mà chủ quản là cơ quan lập pháp của vịnh Massachusetts. Đến thế kỷ 19 từ một viện nghiên cứu đào tạo tăng lữ trở thành cơ sở văn hóa, khoa học của vùng Boston. Sau đó không lâu cơ sở này trở thành một trường ĐH nghiên cứu và đào tạo hiện đại nhất của châu Âu và Bắc Mỹ. Năm 1900, trường là nơi đầu tiên sáng lập ra Hiệp hội Viện ĐH ở Bắc Mỹ. Đến năm 1977, Harvard trở thành một trường ĐH có nhiệm vụ đào tạo đa ngành cho sinh viên nam và nữ.
2. ĐH Harvard có qui mô rất lớn về cơ sở vật chất, khuôn viên chính của trường rộng 85ha nằm ở thành phố Cambridge, cách thành phố Boston 4,8km về phía Tây Bắc. Trường chẳng những có cơ sở vật chất tối tân, hiện đại mà qui mô đào tạo, nghiên cứu cũng rất hiện đại, đứng đầu trong hệ thống các trường ĐH danh tiếng của thế giới. Trường có 11 đơn vị học thuật và 10 khoa đào tạo chuyên ngành chất lượng cao. Đơn vị học thuật và khoa đào tạo đều rất đông sinh viên có trình độ và năng lực nghiên cứu khoa học… Qui mô trường lớn như vậy nhưng đội ngũ giảng viên và phục vụ không nhiều. Số lượng giảng viên của trường là 2.100 người, trong đó có rất nhiều giáo sư, tiến sĩ gốc từ nhiều dân tộc khác nhau (Âu - Mỹ và châu Á). Trong số giảng viên có không ít là người dân tộc da màu. Giáo sư nổi tiếng của nhiều nước trên thế giới đều được mời thỉnh giảng và trao đổi khoa học tại trường. Giảng viên đứng trên bục giảng của nhà trường phải là những nhà khoa học đích thực, có khả năng sư phạm tốt.
ĐH Harvard có nhiều khoa với truyền thống đào tạo từ rất lâu đời và được coi là tên những khoa đặt nền móng cho các trường ĐH trên thế giới hiện nay. Đó là Khoa Y học, Khoa Nha, Luật học, Thần học và Kinh doanh… Giảng đường, thư viện và nhà thí nghiệm được trường đầu tư thỏa đáng và có mối liên hệ chặt chẽ trong quá trình nghiên cứu, đào tạo.
3. Số lượng sinh viên của trường cũng không nhiều so với qui mô và khả năng đào tạo - khoảng 21.000 người đến từ các quốc gia trên thế giới. Trong đó, số lượng sinh viên gốc châu Á chiếm tỷ lệ lớn. Đó là sinh viên đến từ các nước Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ. Sở dĩ số lượng sinh viên không nhiều là vì nhà trường khống chế số lượng và tăng cường chất lượng, coi trọng đầu vào và nghiêm ngặt đầu ra. Sinh viên tốt nghiệp ĐH Harvard rất có chất lượng và được xã hội Mỹ cũng như các nước công nhận. Sinh viên tốt nghiệp loại ưu được giữ lại làm giảng viên của trường là cực kỳ khó và rất hy hữu. Vì họ phải thực sự là các nhà khoa học trẻ có tài năng trung thực và có nhiều kết quả nghiên cứu được công bố khi còn là sinh viên.
4. Hệ thống thư viện của trường rất đồ sộ, hoàn chỉnh với hơn 80 thư viện nhỏ và có 15 triệu tư liệu vô cùng phong phú về thể loại. Bảo tàng nghệ thuật, bảo tàng văn hóa và bảo tàng khoa học đáp ứng đầy đủ yêu cầu của mọi người trong và ngoài nhà trường. Bảo tàng Arthur. M. Sackler chuyên trưng bày sưu tập cổ của các quốc gia châu Á, Hồi giáo và Ấn Độ. Bảo tàng Trung Âu, Bắc Âu trưng bày các bộ sưu tập từ xưa đến nay của các nước Trung Âu và Bắc Âu. Đặc biệt bảo tàng có lưu giữ và trưng bày các hiện vật nghệ thuật của nước Pháp thế kỷ 19. Bảo tàng lịch sử văn minh nhân loại Tây bán cầu, Trung Đông hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật quí hiếm mà các quốc gia ở các khu vực này cũng không có.
Ngoài ra, bảo tàng nơi đây còn là cơ sở sáng tác, xuất bản văn học, kịch nghệ và điện ảnh. Về văn học, tác phẩm Chuyện tình của Segal - cựu sinh viên và là giáo sư văn chương của ĐH Yale rất được giáo sư và sinh viên nhà trường yêu thích. Tác phẩm miêu tả về tình yêu nam nữ được chuyển thể bằng phim để trình chiếu trong dịp đón tiếp sinh viên mới vào nhập trường hàng năm.
5. Trải qua 478 năm phát triển, Harvard được coi là trường ĐH danh tiếng, có đẳng cấp cao của Mỹ và thế giới. Trường có 2 đặc tính nổi bật là “tính quốc gia” và “tính quốc tế”. Chẳng những trường là trung tâm đào tạo, nghiên cứu của nước Mỹ mà còn là nơi thu hút sự chú ý của giáo dục thế giới. Ngoài ra, ĐH Harvard có 3 đặc điểm mà ít có trường ĐH nào trên thế giới đạt được. Đó là “Học viện lâu đời nhất, giàu có nhất và nổi tiếng nhất ở Mỹ” (Baedeker - 1893). Trên thế giới có 3 trường ĐH lâu đời nhất, đó là ĐH Bologna (Ý), Viện ĐH Paris (Pháp) và ĐH Oxford (Anh) thành lập năm 1167. Mặc dù ĐH Harvard của Mỹ ra đời muộn hơn nhưng lại phát triển nhanh và có qui mô lớn nhất. ĐH này là một mô hình tối ưu, siêu đẳng mà các trường ĐH trên thế giới đã và đang học tập. Trong mấy mươi năm qua, Trường ĐH Harvard đã thu nhận nhiều du học sinh Việt Nam học tập. Nhiều nghiên cứu sinh, thực tập sinh Việt Nam đến trường này để tu nghiệp…
PGS. Hồ Sĩ Hiệp
Trung tâm đào tạo nhân tài của thế giới
Trường ĐH Harvard là trung tâm đào tạo nhân tài và chính khách lớn nhất của nước Mỹ và thế giới trong hàng trăm năm qua. Có 8 vị tổng thống Mỹ, 62 nhà tỷ phú, 335 học giả và hàng trăm nguyên thủ, quan chức cao cấp của các nước được đào tạo, tu nghiệp tại trường ĐH danh tiếng này. Trường vinh dự đoạt 150 giải Nobel trong các lĩnh vực, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các trường ĐH lớn trên thế giới. Đương kim Tổng thống Mỹ Obama và nữ diễn viên điện ảnh lừng danh Portman đều tốt nghiệp tại trường này.