Thứ năm, 11/4/2024, 10h28

Nghiên cứu 50 năm lý giải: Tại sao lúc nhỏ giỏi giang nhưng lớn lên rất trung bình?

Các nhà khoa học Mỹ đã theo dõi 5.000 đứa trẻ thiên tài kể từ năm 1971 và nhận được những kết quả bất ngờ.

Một trong những kết luận quan trọng rút ra: Ngay cả những đứa trẻ có chỉ số IQ ở mức thiên tài cũng cần có giáo viên để giúp chúng phát huy hết tiềm năng.

Đừng quên giáo dục những đứa trẻ thần đồng

Kể từ khi bắt đầu vào năm 1971, Nghiên cứu về những thanh thiếu niên sớm phát triển toán học (SMPY) đã theo dõi 5.000 trẻ em thông minh nhất ở Mỹ ở top 1% và 0,1%, thậm chí 0,01% trong tổng số học sinh đứng đầu. Đây là nghiên cứu kéo dài nhất về trẻ em có năng khiếu trong lịch sử.

Đối lập với quan niệm thông thường rằng, hệ thống giáo dục nên ưu tiên nâng đỡ những đứa trẻ có thành tích thấp nhất, các phát hiện của SMPY đưa ra một khẳng định khác: Đừng quên giáo dục những đứa trẻ thần đồng.

Nhà tâm lý học Jonathan Wai tại Chương trình Xác định Tài năng của Đại học Duke (Mỹ), nói với Tạp chí Nature: “Dù muốn hay không, những đứa trẻ này thực sự sẽ điều hành xã hội của chúng ta. Những đứa trẻ lọt vào top 1% có xu hướng trở thành các nhà khoa học và học giả xuất sắc, các CEO trong Fortune 500, các thẩm phán liên bang, thượng nghị sĩ và tỷ phú”.

Nghiên cứu chỉ ra những trẻ thần đồng với tiềm năng lớn lại bị mắc kẹt trong những vị trí có tầm ảnh hưởng kém hơn.

Thật không may, phần lớn nghiên cứu từ SMPY chỉ ra rằng, những đứa trẻ bộc lộ năng khiếu sớm đối với các môn học như: Khoa học và Toán học thường không nhận được sự giúp đỡ mà chúng cần. 

Thay vào đó, những giáo viên nhận thấy những học sinh thông minh nhất nắm vững kiến thức, đạt điểm A sẽ dành phần lớn sự chú ý của mình cho những học sinh kém thành tích. Kết quả là những trẻ với tiềm năng trở thành các nhà phát minh, nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng toàn cầu lại bị mắc kẹt trong những vị trí có tầm ảnh hưởng kém hơn.

SMPY tiết lộ quan niệm những đứa trẻ thông minh nhất có thể phát huy hết tiềm năng mà không cần thúc ép là sai lầm. Ngoài ra, nghiên cứu kéo dài hơn 50 năm của SMPY còn chỉ ra việc loại bỏ hệ thống phân lớp đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ em.

Khi so sánh 2 nhóm học sinh thông minh, một bỏ qua hệ thống phân lớp và một học theo các lớp bình thường, SMPY nhận ra nhóm học sinh bỏ qua hệ thống phân lớp dễ kiếm bằng sáng chế và bằng tiến sĩ hơn 60%. Xét trên một lĩnh vực có liên quan tới Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật hoặc Toán học (STEM), nhóm bỏ qua hệ thống phân lớp cũng dễ kiếm bằng tiến sĩ hơn gấp hai lần so với nhóm còn lại.

Trí thông minh của con người đang giảm dần

Ngay cả khi vượt giới hạn của trí thông minh, những đứa trẻ thần đồng vẫn có thể gặp nhiều vấn đề hoặc bị ngó lơ. 

Vì vậy, nếu nhà trường và gia đình nhận thấy một đứa trẻ có năng khiếu họ được khuyên nên không ngừng giao cho đứa trẻ đó những nhiệm vụ thách thức hơn. Họ nên xem giới hạn của trẻ ở đâu và đảm bảo rằng các em được kích thích trí tuệ thường xuyên nhất có thể.

SMPY cũng nhận thấy giáo viên và phụ huynh có thể giúp đỡ những học sinh đạt thành tích cao bằng cách nhận ra loại trí thông minh mà các em sở hữu. Ví dụ, nhiều trẻ có năng khiếu thường có kỹ năng suy luận không gian đặc biệt. Theo thời gian, những điểm mạnh đó có thể phát triển thành những khả năng cần thiết để đạt được thành công với tư cách là kỹ sư, kiến trúc sư hoặc bác sĩ phẫu thuật.

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu từ Trung tâm nghiên cứu kinh tế Ragnar Frisch ở Na Uy đã nghiên cứu điểm IQ của khoảng 730.000 đàn ông Na Uy sinh từ năm 1962-1991. Họ phát hiện điểm số tăng khoảng 3 điểm % cứ sau 10 năm đối với những người sinh từ năm 1962- 1975. Tuy nhiên, đối với những người sinh sau năm 1975, điểm số bắt đầu giảm thay vì tăng lên.

Nhà nghiên cứu cấp cao Ole Rogeburg, tại Trung tâm Ragnar Frisch và đồng tác giả của nghiên cứu về điểm IQ, cho biết, nguyên nhân dẫn đến suy giảm IQ là do yếu tố môi trường chứ không phải do di truyền. 

Rogeburg nói với CNN: “Nói một cách thô thiển không phải những người ngu ngốc có nhiều con hơn những người thông minh. Đó là vấn đề liên quan đến môi trường”. Các yếu tố môi trường bao gồm sự khác biệt trong cách giáo dục của giới trẻ, thời gian sử dụng trực tuyến tăng lên, những thay đổi về dinh dưỡng và tổng thể ít đọc hơn.

Xu hướng giảm này là sự đảo ngược của hiệu ứng Flynn, một thuật ngữ mô tả sự cải thiện đáng kể về chỉ số IQ ở nhiều nơi trên thế giới trong suốt thế kỷ 20. Theo nghiên cứu, hiệu ứng Flynn đạt đỉnh điểm vào giữa những năm 1970 và giảm dần trong nhiều thập kỷ kể từ đó.

Theo Vietnamnet